“Lá chắn” ngoài vắc xin giúp chặn đứng biến thể Delta
Việc triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 được cho là vẫn chưa đủ để giúp thế giới ngăn chặn sự lây lan ngày càng nhanh của biến thể Delta.
Các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ lo ngại về việc các nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, ngay cả khi biến thể dễ lây lan nhất cho đến nay đã xuất hiện. WHO kêu gọi những người đã tiêm phòng đầy đủ vẫn tiếp tục đeo khẩu trang và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm.
Một chủng virus có khả năng lây nhiễm cao, được gọi là biến thể Delta, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ và đã được xác định ở ít nhất 85 quốc gia. Tại Mỹ, nơi ghi nhận số ca nhiễm do biến thể mới tăng gấp đôi trong 2 tuần qua, cứ 5 người mắc Covid-19 có 1 trường hợp nhiễm từ biến thể Delta.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, đã gọi biến thể Delta là “mối đe dọa lớn nhất” đối với việc chống dịch Covid-19 tại nước này.
Tổng giám đốc của WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết sự gia tăng của các biến thể mới “khiến chúng ta phải sử dụng tất cả các công cụ sẵn có để ngăn ngừa sự lây nhiễm”, bao gồm việc triển khai nhất quán cả chương trình tiêm chủng lẫn các biện pháp xã hội và y tế cộng đồng.
Tiến sĩ Mariângela Simão, trợ lý tổng giám đốc WHO phụ trách tiếp cận vắc xin và dược phẩm, nhấn mạnh tại cuộc họp báo tuần trước rằng, ngay cả những người đã được tiêm chủng vẫn cần tiếp tục đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người và duy trì giãn cách xã hội với những người khác. Những người đã tiêm vắc xin cũng cần đảm bảo rằng họ ở trong không gian thông thoáng, rửa tay thường xuyên và tránh hắt hơi hoặc ho gần những người khác.
“Những gì chúng tôi muốn nói là, sau khi bạn đã được tiêm chủng đầy đủ, hãy tiếp tục phòng ngừa an toàn, nếu không bạn có thể trở thành một phần của chuỗi truyền bệnh. Bạn chưa thực sự được bảo vệ đầy đủ đâu”, Tiến sĩ Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của WHO, cảnh báo.
Phát biểu của các quan chức và chuyên gia WHO được đưa ra trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều sự chỉ trích về việc phân phối vắc xin không công bằng trên toàn cầu, cũng như tình trạng khó tiếp cận vắc xin ở nhiều nơi trên thế giới – những khu vực virus vẫn đang lây lan.
Theo Tiến sĩ Aylward, chưa đến 2% dân số châu Phi được tiêm chủng, trong khi một số quốc gia thậm chí đang mua vắc xin cho các công dân trẻ – nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm virus tương đối thấp. Ngay cả ở những quốc gia có nguồn cung vắc xin dồi dào, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vẫn thấp hơn mức dự kiến.
Mặc dù những người được tiêm chủng đầy đủ phần lớn được bảo vệ trước nguy cơ lây nhiễm có triệu chứng và không triệu chứng, song các nghiên cứu cho thấy hiệu quả của vắc xin Pfizer-BioNTech đối với biến thể Delta thấp hơn một chút so với các biến thể khác và hiệu quả của vắc xin cũng thấp hơn đáng kể đối với những người chỉ tiêm một liều.
Các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao cũng chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm do biến thể Delta. Mặc dù khoảng 2/3 dân số đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc AstraZeneca và khoảng một nửa dân số đã được tiêm 2 liều, nhưng Anh vẫn đang phải vật lộn với sự gia tăng mạnh mẽ các ca nhiễm từ biến thể Delta.
Tại Israel, một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, sự gia tăng các trường hợp được cho là do biến thể Delta đã khiến chính phủ phải áp đặt trở lại quy định về đeo khẩu trang trong nhà và tại các cuộc tụ tập đông người ngoài trời.
Eric Feigl-Ding, chuyên gia cấp cao tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ ở Washington, cho biết với mức độ nguy hiểm và lây lan nhanh của biến thể Delta, “cách tiếp cận vắc xin là chưa đủ”.
“Chúng ta vẫn chưa đạt đến cấp độ tiêm chủng mà cho phép chúng ta có thể “thả phanh” mọi thứ khác”, chuyên gia Feigl-Ding nhận định.
Theo NYTimes