Lá bài “dân chủ” “nhân quyền” không thể hạ thấp quyết tâm chống dịch của Việt Nam
Trong làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 này, số ca tử vong do dịch COVID-19 được công bố mỗi ngày là con số không ai mong đợi. Không né tránh, Chính phủ và các địa phương đã và đang minh bạch trong mọi thông tin chống dịch.
Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 lan rộng tại nhiều địa phương trong cả nước với hàng nghìn người đã tử vong.
Đối mặt với thực tế diễn biến phức tạp, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đồng bộ triển khai nhiều giải pháp để vừa chống dịch, vừa đảm bảo an sinh xã hội theo tinh thần tính mạng của mỗi người dân là đáng quý nhất. Thế nhưng, vẫn có không ít những phê phán, chỉ trích, thậm chí phủ nhận hoàn toàn những nỗ lực mà cả nước đang thực hiện.
Nhiều cá nhân lợi dụng lá bài “dân chủ”, “nhân quyền” gán ghép vào nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tung tin giả, tin sai sự thật để lèo lái dư luận nhằm ý đồ phá hoại công cuộc chống dịch của cả nước.
Những luận điệu xuyên tạc lạc lõng
BBC ngày 8/7 có bài viết nhan đề “COVID-19: chống dịch kiểu Việt Nam – Chỉ thương cho người dân” với những cái nhìn thiếu tìm hiểu kỹ lưỡng và phiến diện đối với các giải pháp chống dịch của Chính phủ. Tác giả bài báo bằng lời lẽ kích động đã chỉ trích Chính phủ Việt Nam vi phạm nhân quyền trong chính sách cách ly y tế đối với những người có liên quan đến ca nhiễm bệnh. Bài báo còn so sánh một cách thiển cận giữa cách chống dịch của các nước phát triển với Việt Nam, cho rằng Việt Nam đang sai lầm trong chiến lược dẫn tới các ca nhiễm bùng phát không kiểm soát.
Cũng ở BBC, trong mục bàn tròn hội luận hôm 8/8 đưa ra những nhận định phiến diện, tiêu cực về cách thức chống dịch và vấn đề đảm bảo an sinh của Chính phủ Việt Nam. Những người tham gia hội luận đã lên tiếng chỉ trích Chính phủ bị “ru ngủ” trong thành công của các đợt dịch trước đó mà không có được hướng đi đúng trong chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, lần này. Thậm chí, một người tham gia chương trình còn cho rằng, chính quyền chú trọng đến hô hào, khẩu hiệu mà thiếu các biện pháp thực chất, nhất là trong chính sách an sinh cho người yếu thế.
Trên các trang mạng xã hội những ngày qua cũng xuất hiện ý kiến của một số người được cho là có ảnh hưởng đến xã hội lên tiếng chỉ trích Chính phủ cứng nhắc trong cách thức phòng chống dịch, thiếu khả năng ứng đáp với khủng hoảng ở quy mô lớn. Cho rằng, chính quyền các địa phương chỉ dùng biện pháp “dễ” là phong tỏa, mà không tính đến những người yếu thế không có kế sinh nhai, buộc phải ra đường bất hợp pháp. Thậm chí một số nhân vật còn gọi đó là hành động “tước quyền được sống bình thường”.
Với góc nhìn thiển cận, thiếu thiện chí, một số cá nhân, tổ chức đang cố tình không thừa nhận những nỗ lực trong phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam, còn rêu rao luận điệu cho rằng “Việt Nam chống dịch thành công là nhờ may mắn”.
Giải pháp chống dịch của Chính phủ Việt Nam được nhân dân ủng hộ
Bình luận về những thông tin trên, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Văn Hòa, cho rằng đó là những thông tin không đúng sự thật nhằm xuyên tạc, bôi xấu, trục lợi, gây hoang mang, lo lắng cho người dân.
Ông Phạm Văn Hòa nhấn mạnh, bất cứ ai, khi theo dõi diễn biến dịch bệnh và quá trình tổ chức phòng, chống dịch ở Việt Nam thời gian qua, không thể không nhận thấy, Chính phủ và chính quyền các địa phương đều lựa chọn cách thức mềm dẻo và linh hoạt. Mục tiêu được xác định rất cụ thể: “vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới”, phương châm hành động cũng được định sẵn: “5K+ vaccine”, toàn dân cùng tham gia với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp khẳng định, Đảng, Chính phủ đã có những giải pháp, biện pháp rất hữu hiệu, sáng suốt, chủ động, linh hoạt được đa số người dân đồng tình ủng hộ, cùng với Chính phủ quyết tâm phòng ngừa, ngăn chặn bằng được dịch COVID-19 để cuộc sống trở lại bình yên.
Cũng nhằm xuyên tạc quyết tâm phòng chống dịch của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, một số ý kiến bám vào số liệu người chết vì dịch COVID-19 hiện nay để so sánh với con số người nghèo, người thất nghiệp do đại dịch COVID mang lại, để phản đối cách thức chống dịch, áp dụng Chỉ thị 16 tại rất nhiều tỉnh thành phố của Chính phủ Việt Nam.
Nhưng nhìn vào thực tế những gì đã và đang diễn ra ở các nước đứng đầu thế giới về số người chết và số ca nhiễm, nghi nhiễm COVID-19 từ khi dịch bệnh này xuất hiện cho đến nay, chúng ta không thể không nhìn thấy sự khác biệt rất rõ nét về cách thức các chính phủ nhìn nhận và giải quyết các thách thức do đại dịch gây ra trong rất nhiều mối quan hệ, như: giữa tăng trưởng kinh tế và sức khỏe nhân dân; giữa nhà nước và thị trường trong cung ứng một số dịch vụ công thiết yếu; giữa bảo đảm dân chủ và tăng cường kỷ cương, kỷ luật…
Theo dõi sát diễn biến chống dịch thời gian qua, ông Phạm Văn Hòa cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã rút ra kinh nghiệm từ tình hình chống dịch của thế giới và có giải pháp phòng ngừa, động viên người dân thực hiện nghiêm biện pháp 5K, tiêm vaccine, đặc biệt tuân thủ Chỉ thị 16. Theo ông Hòa, tuy biện pháp này có chỗ cứng nhắc nhưng không thể phủ nhận đây là biện pháp cốt lõi, hữu hiệu nhất. Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, cũng còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa chấp hành nghiêm, còn chủ quan, một số nơi có lúc đã bộc lộ hạn chế, thiếu sót buộc Thủ tướng không ít lần phê bình sự lúng túng, bị động, chủ quan để các địa phương đó phải chấn chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhờ thực hiện nghiêm, chấp hành tốt, nên nhiều nơi gần như không có dịch, nhiều nơi có nhưng ít.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa nêu rõ, việc một số thế lực thù địch bất đồng chính kiến với chế độ, rêu rao Việt Nam mất dân chủ, mất nhân quyền, người dân không được tự do đi lại, là những giọng điệu xuyên tạc, lạc lõng, phiến diện. Không phải đợt dịch lần này chúng ta mới thực hiện giãn cách, đã từng thực hiện trước đó và cho thấy có kết quả tốt, nên không lý gì lại cho rằng, Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền. Những ý kiến đó, chỉ nhằm mục đích duy nhất là chia rẽ, khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Trong làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 này, đã có hàng nghìn người thiệt mạng. Số ca tử vong do dịch COVID-19 được công bố mỗi ngày là con số không ai mong đợi. Nó cũng cho thấy sự khốc liệt của trận chiến mà cả nước đang phải đối mặt.
Không né tránh, Chính phủ và các địa phương đã và đang minh bạch trong mọi thông tin chống dịch.
Khi các doanh nghiệp hay các tổ chức cá nhân đơn lẻ không thể nào tự mua được vaccine như các loại hàng hóa thông thường khác, thì bằng uy tín và những nỗ lực ngoại giao của mình, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã làm hết sức mình để có được số lượng lớn vaccinen nhanh nhất, nhiều nhất như vừa qua. Không chỉ vậy, Chính phủ cũng đã chủ động thay đổi chính sách ưu tiên về vaccine, bổ sung vào đối tượng được ưu tiên là nhóm người cao tuổi, những người tham gia vào các chuỗi cung ứng sản xuất. Chính phủ cũng đặc biệt ưu tiên vaccine cho TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương.
Mọi hành động của Chính phủ và cả hệ thống chính trị đều hướng đến mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là ưu tiên trên hết. Tiếp đó là bảo vệ hệ thống sản xuất, phân phối hàng hóa nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Tất cả những thay đổi chính sách đó là minh chứng cho thấy, Chính phủ biết lắng nghe những phản biện đúng, để đưa ra những giải pháp phù hợp với thực tiễn.
Thậm chí, tro cốt của những nạn nhân không may qua đời do đại dịch còn được giao cho lực lượng vũ trang canh gác, nhang khói, góp phần chu toàn đạo lý, ấm tình người trong đoạn đường cuối với người đã khuất.
Với nhiều người dân trong vùng dịch, những chính sách nhân văn của chính quyền, những việc làm thiện nguyện của các các tổ chức, cá nhân dành cho người gặp khó đã khiến họ càng đồng lòng với Chính phủ và chính quyền các địa phương trong cuộc chiến chống dịch còn nhiều cam go ở phía trước.
Việt Nam cần đồng lòng, sát cánh trong trận chiến này
Nhấn mạnh, ngay từ khi bắt đầu đại dịch cho đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn luôn tin tưởng vào cách tiếp cận toàn xã hội của Chính phủ Việt Nam do Ban Chỉ đạo quốc gia về kiểm soát và phòng chống dịch COVID-19 đưa ra, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, ông Kidong Park, khẳng định Việt Nam đã đưa ra các biện pháp bảo vệ cộng đồng toàn diện, chú trọng tiêm chủng cho nhóm các đối tượng bị tổn thương do dịch bệnh. Đây đều là các biện pháp quan trọng, mang lại hiệu quả trong việc phòng tránh lây lan dịch bệnh, giảm số lượng các ca tử vong do COVID-19. Việc thực hiện mạnh mẽ các biện pháp này, kết hợp với xác định nhanh các ca bệnh nhờ thực hiện xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, cách ly là yếu tố then chốt trong kiểm soát dịch bệnh.
Tuy nhiên, ông Kidong Park cũng lưu ý rằng, các biện pháp giãn cách xã hội chỉ thành công khi tất cả cùng đồng lòng và thực hiện tốt các biện pháp này, tất cả cộng đồng phải sát cánh bên nhau trong trận chiến này. Như thế, việc kiểm soát COVID-19 lây lan không chỉ là vai trò của Chính phủ và hệ thống y tế Việt Nam mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng, để từ đó, Việt Nam có thể một lần nữa chiến thắng được dịch bệnh.
Ngọc Anh