‘Kỳ vọng tân Thủ tướng tiếp tục tinh thần dám hành động’
Khát vọng thúc đẩy sự phát triển từng được Thủ tướng Phạm Minh Chính “thể hiện mạnh mẽ khi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh”, theo ông Nguyễn Sĩ Dũng.
PV phỏng vấn TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, về những thách thức và kỳ vọng với tân Thủ tướng.
– Từ góc độ một chuyên gia từng nhiều năm tư vấn cho các Thủ tướng, ông kỳ vọng điều gì vào lãnh đạo Chính phủ mới?
– Những năm công tác ở tỉnh Quảng Ninh cũng như nhiệm kỳ vừa qua ở vị trí Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông Phạm Minh Chính bằng những công việc cụ thể của mình, mà chúng ta có thể theo dõi trên các phương tiện truyền thông, đã cho thấy là con người luôn có khát vọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Khi đảm nhiệm cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (2011-2015), những khát vọng ấy được thể hiện rất rõ với nhiều dấu ấn. Đó là, ông đã nỗ lực thúc đẩy cải cách hành chính tỉnh Quảng Ninh theo hai hướng, trước hết là cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, phục vụ doanh nghiệp; thứ hai là phục vụ người dân tốt hơn. Vì vậy, người dân, doanh nghiệp làm thủ tục hành chính ở đây đều rất nhanh chóng, tiện lợi. Điều này được chứng minh khi những năm gần đây, Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu toàn quốc về cải cách hành chính. Năm 2019, địa phương này đứng đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng của người dân.
Quảng Ninh cũng là địa phương đang thu hút mạnh mẽ nguồn lực từ hợp tác công tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, như: Sân bay, cảng biển, đường cao tốc. Đây là tỉnh có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại vượt bậc so với nhiều địa phương khác, là địa phương có cảng hàng không do tư nhân đầu tư đầu tiên ở Việt Nam; tuyến cao tốc xuyên tỉnh dài nhất Việt Nam. Những kết quả ngày hôm nay, có tiền đề để lại từ thời Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính.
Vì vậy, tôi kỳ vọng khi ông Phạm Minh Chính đảm nhiệm cương vị Thủ tướng, sẽ tiếp tục tinh thần dám hành động, cải cách mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực cải cách hành chính và thúc đẩy hợp tác công tư (PPP). Trong khi nguồn lực nhà nước đang bị hạn chế thì thời gian tới, việc huy động nguồn lực xã hội từ mô hình hợp tác công tư sẽ đóng vai trò rất quan trọng để xây dựng các công trình trọng điểm, kết cấu hạ tầng.
Nếu tân Thủ tướng tiếp tục tinh thần cải cách hành chính mạnh mẽ trên toàn quốc như đã làm ở Quảng Ninh, rút ngắn thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ có tác động lớn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, sản xuất kinh doanh.
– Theo ông, tân Thủ tướng và Chính phủ sẽ gặp những thách thức gì trong thời gian tới?
– Bên cạnh thuận lợi với di sản tích cực mà người tiền nhiệm là nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để lại, ông Phạm Minh Chính và các thành viên Chính phủ sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức.
Đầu tiên là phải làm sao để cải thiện “sức ì” của bộ máy hành chính. Tôi không nói tất cả, nhưng chúng ta có thể cảm nhận rõ, bộ máy hành chính bây giờ thiếu sự quyết đoán, thiếu dấn thân, thiếu tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thậm chí một số bộ ngành, địa phương còn cho thấy dấu hiệu lảng tránh trách nhiệm. Đây là thách thức rất lớn, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng và việc thúc đẩy cải cách hành chính là đòi hỏi cấp bách.
Thứ hai, Việt Nam hiện là nền kinh tế có độ mở rất lớn, nên đang phải chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ của các nền kinh tế khác trong khu vực cũng như trên thế giới. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không bứt phá để vươn lên thì sẽ thua ngay trên “sân nhà”. Thủ tướng cần làm sao để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, vượt qua thách thức hội nhập? Bởi nếu Chính phủ không có các quyết sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam vượt lên, thì về lâu dài, chúng ta sẽ mãi là xứ sở của các nhà đầu tư FDI, với dòng lợi nhuận chính không phải vào túi người Việt Nam. Điều đáng lo xa hơn là khi các doanh nghiệp FDI rút đi, thì Việt Nam chỉ còn lại các công xưởng trơ trọi.
Thứ ba, Thủ tướng, Chính phủ cần làm thế nào để hiện thực hóa, thể chế hóa các mục tiêu, đột phá chiến lược đã được nêu trong văn kiện Đại hội XIII. Năng lực của người đứng đầu cơ quan hành pháp trong việc này rất quan trọng. Đơn cử, nghị quyết Đại hội XIII nêu đột phá về “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt”. Vậy Chính phủ sẽ có những chính sách, cơ chế, chiến lược nào để phát triển nguồn nhân lực trước mắt và lâu dài? Đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực cho lãnh đạo, quản lý?
Muốn cụ thể hóa được các chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội đã đề ra, người đứng đầu cơ quan hành pháp không chỉ hiểu biết về thể chế, mà còn phải có năng lực vận hành. Đây là thách thức không nhỏ.
– Với ba thách thức trên, theo ông, đâu là những ưu tiên mà Thủ tướng nên tập trung chỉ đạo, điều hành?
– Những năm qua Việt Nam đã làm nhiều việc để cải thiện môi trường kinh doanh. Các chương trình Chính phủ điện tử, kinh tế số cũng đã được đặt nền móng. Vì vậy, tôi mong rằng tân Thủ tướng sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy những thành tựu này.
Đồng thời, Thủ tướng nên áp dụng chính sách chuyên nghiệp hóa Chính phủ, bằng cách áp dụng cơ chế để huy động và sử dụng tối đa người tài, có năng lực trong tất cả các lĩnh vực. Mỗi lĩnh vực, đều phải huy động được chuyên gia đầu ngành.
Nhiệm kỳ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất nỗ lực để đảm bảo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi người Việt Nam, để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì chính sách này còn gặp nhiều thách thức, đó là Việt Nam đang có nền kinh tế phát triển nhanh, nhưng công bằng xã hội không theo kịp. Tức là việc duy trì công bằng xã hội ngày càng khó khăn hơn. Tôi hy vọng, Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tiếp tục thúc đẩy công bằng xã hội, đảm bảo đất nước vừa phát triển nhanh, nhưng mọi người đều có cơ hội phát triển bình đẳng.
Để thực hiện được những mục tiêu trên, Thủ tướng nên dành ưu tiên cho công tác hoàn thiện thể chế. Bởi thể chế được cụ thể kịp thời, chi tiết, khoa học sẽ tạo điều kiện để hệ thống hành chính, nền kinh tế, xã hội vận hành thông suốt. Thủ tướng, Chính phủ điều hành quốc kế dân sinh hàng ngày, nên sẽ phải giải quyết những việc cụ thể. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng vụ việc này qua đi sẽ có vụ việc khác. Giải quyết được bài toán về thể chế thì các sự vụ cụ thể sẽ có lời giải đáp.
– Có ý kiến cho rằng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng vẫn đang tăng trưởng dưới tiềm năng. Ông nghĩ sao về nhận định này?
– Vấn đề đặt ra là Việt Nam nên phát triển kinh tế theo mô hình nào? Tôi cho rằng, Chính phủ cần ưu tiên theo mô hình Nhà nước dẫn dắt phát triển như các nước Đông Bắc Á, thay vì mô hình thị trường dẫn dắt phát triển như các nước phương Tây. Nhà nước muốn đóng vai trò dẫn dắt, thì phải có đủ năng lực. Muốn có đủ năng lực thì phải có cơ chế huy động người tài trong xã hội vào hệ thống công vụ. Nếu chưa giải quyết được vấn đề này, sẽ kéo theo các khó khăn khác.
Để hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế, Chính phủ cần sớm trình dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để Quốc hội xem xét, thông qua. Đất đai đang là một trong những nguồn lực lớn nhất của nước ta, nhưng đồng thời cũng là lĩnh vực nhiều ách tắc và bất ổn, cần được tháo gỡ.
Và để tăng trưởng đúng tiềm năng, chúng ta phải nghĩ đến thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo ra sao? Bởi suy cho cùng, muốn đất nước phát triển hùng cường, vượt lên ở khu vực và thế giới thì không thể trông chờ vào khai thác tài nguyên như đất đai, khoáng sản…, mà chỉ có thể bằng năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia. Đây cũng là giải pháp để chúng ta không “ăn vào tương lai của con cháu” mà tạo ra giá trị cho tương lai.
Chính phủ phải xác định rõ những lĩnh vực nào Nhà nước cần đầu tư để tạo nền tảng tri thức cho đất nước phát triển đột phá, lĩnh vực nào các doanh nghiệp sẽ làm. Nhà nước phải đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ như thế nào? Làm sao để thị trường hóa các phát minh, sáng tạo rồi áp dụng vào cuộc sống? Cách nào để các phát minh, sáng chế được biến thành sản phẩm nhanh hơn? Những câu hỏi đó đang chờ lời giải đáp của tân Thủ tướng và các thành viên Chính phủ.
– Ông có đề xuất gì với tân Thủ tướng?
– Tôi đề xuất Thủ tướng ban hành quy định để tổ chức kỳ thi tuyển công chức quốc gia đảm bảo công bằng, nghiêm minh, chất lượng, thực chất. Việc thu hút người tài vào bộ máy công vụ có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Các kỳ thi công chức hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu đánh giá đúng năng lực của những người cần tuyển, mang nhiều tính hình thức.
Dẫn chứng là nhiều nước Đông Bắc Á cũng tổ chức kỳ thi tuyển công chức quốc gia, không phân biệt xuất thân, lý lịch, nếu có tài năng, năng lực thì sẽ được trọng dụng. Nhật Bản cũng tổ chức kỳ thi quốc gia để lựa chọn công chức, nhưng thường chỉ khoảng 6% số người tham gia trúng tuyển.
Để cải thiện việc thi tuyển công chức, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước nên tham khảo mô hình tuyển chọn nhân tài của các doanh nghiệp tư nhân. Bởi lý do đơn giản, nếu các doanh nghiệp tư nhân không tuyển được người tài, thì họ sẽ không phát triển được, bị tụt lại hoặc phá sản.
Đồng thời, Thủ tướng cần có cơ chế để tập hợp đội ngũ chuyên gia người Việt Nam trong và ngoài nước để tham vấn các vấn đề liên quan đến chính sách.
Trước mắt, Việt Nam và thế giới vẫn đang phải đối phó với đại dịch Covid-19. Nhiệm kỳ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chống dịch và thực hiện mục tiêu kép rất thành công. Tôi mong rằng Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chỉ đạo, điều hành tiếp tục những thành quả đó.
Tuy nhiên, cuộc chiến chống Covid-19 bây giờ có điểm khác trước, bởi nhiều nước trên thế giới đang chạy đua tiêm vaccine nhanh chóng, để tạo miễn dịch cộng đồng cho toàn dân. Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine toàn dân để bắt kịp tốc độ này. Bởi vaccine chính là chìa khóa để mở cửa lại nền kinh tế với thế giới, thúc đẩy giao thương, sản xuất, kinh doanh. Nếu chậm trễ trong việc tiêm vaccine, Việt Nam có nguy cơ là nước chống dịch thành công, nhưng sẽ bị “chậm chân” trong cuộc đua hồi phục sau dịch bệnh.
Viết Tuân/ VNE