Kỳ vọng gì ở chính quyền đô thị?
Sau khi được Quốc hội thông qua, TP.HCM chỉ còn khoảng 6 tháng để tổ chức và đưa chính quyền đô thị vào hoạt động. Vậy chính quyền đô thị có gì khác hiện nay và người dân được lợi ra sao?
Như PV đã thông tin, ngày 16.11 vừa qua, Quốc hội thông qua nghị quyết chính quyền đô thị tại TP.HCM, cho phép TP.HCM tổ chức (không qua thí điểm) mô hình chính quyền đô thị từ 1.7.2021. Trong đó xác định chính quyền địa phương TP.HCM có HĐND và UBND, cấp quận và phường không có HĐND mà chỉ có UBND; riêng TP.Thủ Đức (đang trong giai đoạn thành lập), 5 huyện (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè) và các xã, thị trấn vẫn có HĐND và UBND.
Tiết kiệm được 1.200 tỉ đồng
Về lộ trình áp dụng, HĐND và UBND quận, phường nhiệm kỳ 2016 – 2021 kết thúc nhiệm vụ vào ngày 30.6.2021. Vì vậy, kể từ ngày 1.7.2021, UBND cấp quận, phường sẽ hoạt động theo chế độ thủ trưởng do cấp trên bổ nhiệm trực tiếp. UBND quận gồm chủ tịch và không quá 3 phó chủ tịch. UBND cấp phường có chủ tịch và không quá 2 phó chủ tịch. Theo ước tính, không tổ chức HĐND cấp quận và phường giúp TP.HCM tiết kiệm được kinh phí chi thường xuyên khoảng 1.200 tỉ đồng trong 5 năm.
Có thể một số tuyến đường trong TP.Thủ Đức sẽ là nơi thí nghiệm xe không có người lái. TP.HCM cũng quy hoạch để nơi ở, nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế gần nhau để người dân có thể đi bộ chứ không chỉ phụ thuộc vào xe cộ
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM
Lãnh đạo TP.HCM cho biết mô hình chính quyền đô thị được ấp ủ nhiều năm với các cấu phần chính gồm cơ chế chính sách đặc thù, không tổ chức HĐND quận và phường, thành lập “thành phố trong thành phố”. Đề án ban đầu quy mô lớn dẫn đến chưa được Quốc hội thông qua, sau đó TP.HCM tách thành các đề án nhỏ. Dự kiến trong tháng 12.2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở TP.HCM giai đoạn 2019 – 2021, trong đó có đề án thành lập TP.Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức.
Liên quan đến đề án thành lập TP.Thủ Đức, Sở Nội vụ vừa báo cáo giải trình một số yêu cầu của Ủy ban Tư pháp về sự phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt mà chưa được đề cập trong đề án. Theo giải trình, Sở Nội vụ cho hay TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quá trình điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM sẽ được thực hiện đồng thời với lập quy hoạch TP.Thủ Đức và quy hoạch TP.Thủ Đức sẽ gắn trong quy hoạch chung xây dựng TP.HCM. Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển TP.Thủ Đức sau khi được thành lập, sau khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TP.HCM sẽ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Việc thành lập TP.Thủ Đức được người dân đặc biệt quan tâm, bởi hàng loạt hệ lụy gặp phải như chuyển đổi giấy tờ, thời gian di chuyển đến trung tâm hành chính mới sẽ xa hơn, cán bộ giảm xuống có ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính… Bên cạnh đó, nhiều người dân lo ngại khi trở thành TP, số lượng người dân đến sinh sống sẽ tăng lên trong khi hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục hiện chưa được cải thiện, còn bất cập… Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Nội vụ TP.HCM cho biết đề án đã có đánh giá tác động của việc thay đổi đơn vị hành chính đến người dân, trong đó thủ tục chuyển đổi giấy tờ liên quan. Theo đề án, cán bộ ở đơn vị hành chính mới sẽ hỗ trợ người dân, chính quyền cũng không thu phí, lệ phí chuyển đổi giấy tờ đối với các hộ dân bị ảnh hưởng. Giấy tờ hiện hữu vẫn có giá trị nên người dân có thể sử dụng để thực hiện các giao dịch cá nhân, khi có nhu cầu cần chuyển đổi giấy tờ thì liên hệ các đơn vị liên quan để đổi. Trong khi đó, ông Trương Trung Kiên, Chủ tịch UBND Q.Thủ Đức, khẳng định việc chuyển đổi giấy tờ cho người dân không có gì khó khăn và sẽ được giải quyết nhanh.
Chọn lọc cán bộ
Trao đổi với PV ngày 22.11, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết sau khi có nghị quyết của Quốc hội về chính quyền đô thị, TP.HCM sẽ tổ chức kế hoạch triển khai nghị quyết ngay bởi thời gian còn lại chỉ hơn 6 tháng. Theo bà Lệ, khi không tổ chức HĐND cấp phường và quận, vai trò và trách nhiệm của các đại biểu HĐND TP.HCM phải được nâng lên để đáp ứng yêu cầu đại diện quyền làm chủ của người dân. Trong nhiệm kỳ mới, HĐND TP.HCM sẽ có 19 đại biểu chuyên trách trong tổng số 95 đại biểu.
Quan trọng là mang lại sự hài lòng cho người dân
Câu chuyện thái độ cán bộ, công chức phiền nhiễu người dân là câu chuyện muôn thuở, nhưng không thay đổi nhiều do các biện pháp xử lý phổ biến vẫn là động viên, khích lệ, kêu gọi. Như thế thì không đủ. TP.HCM muốn xây dựng chính quyền đô thị và hướng tới đô thị thông minh thì phải ứng dụng công nghệ vào giải quyết các thủ tục hành chính mang lại sự hài lòng cho người dân. Thành phố thông minh đồng hành với nền hành chính hiện đại, thay đổi lề lối làm việc, thay đổi mối quan hệ giữa công chức và công dân, giải quyết công việc nhanh hơn.
Ông Diệp Văn Sơn, chuyên gia cải cách hành chính
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, cho biết việc không tổ chức HĐND cấp quận và phường sẽ giúp các quyết định hành chính từ cấp TP.HCM triển khai ngay xuống cấp quận và phường mà không qua bước trung gian. Đồng thời, TP.HCM muốn đầu tư, phát triển từng quận và phường thì phải cân đối ngân sách ngay từ đầu. Đối với chủ tịch UBND quận và chủ tịch UBND phường được bổ nhiệm, nếu quá trình công tác hiệu quả được người dân, đại biểu HĐND TP.HCM tín nhiệm cao thì làm tiếp, khi có ý kiến phản ánh thì nhắc nhở. “Nếu không làm tốt thì Chủ tịch UBND TP.HCM bãi nhiệm chủ tịch UBND quận, chứ không cần phải chờ họp HĐND và lấy phiếu như trước nữa”, ông Nhân phân tích và cho biết áp lực với chủ tịch phường và quận sắp tới cũng sẽ rất lớn do phải tự chịu trách nhiệm chứ không phải do tập thể quyết định như trước.
Về TP.Thủ Đức tương lai, ông Nhân cho biết nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì TP.HCM sẽ thực hiện ngay các bước tiếp theo, bảo đảm đến ngày 1.7.2021 sẽ có bộ máy chính quyền địa phương bao gồm HĐND và UBND. Khi sáp nhập 3 quận lại, số lượng cán bộ buộc phải giảm xuống, ông Nhân cho rằng đây cũng là dịp để chọn lọc thật kỹ cán bộ để bộ máy chính quyền TP tốt nhất.
Ông Nhân cũng cho biết hạ tầng TP mới sẽ được đầu tư theo quy hoạch mới của khu đô thị sáng tạo tương tác cao, hệ thống giao thông được rà soát và cập nhật để TP.Thủ Đức sẽ có hệ thống giao thông tốt nhất TP.HCM với cảng container, metro, gần sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành (Đồng Nai). Sau khi phê duyệt quy hoạch giao thông, TP.HCM sẽ lên kế hoạch kêu gọi đầu tư, nguồn lực vừa từ nhà nước, vừa từ doanh nghiệp cùng tham gia. Có thể một số tuyến đường trong TP.Thủ Đức sẽ là nơi thí nghiệm xe không có người lái. TP.HCM cũng quy hoạch để nơi ở, nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế gần nhau để người dân có thể đi bộ chứ không chỉ phụ thuộc vào xe cộ.
Cần cơ chế giám sát quyền lực
Theo luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM, Ủy viên Ủy ban MTTQ VN, khi thực hiện chính quyền đô thị thì một vấn đề hết sức đáng chú ý, đó là giám sát quyền lực, đảm bảo quyền lực nhà nước sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và ngăn ngừa tình trạng lạm quyền. Dù cơ chế giám sát của Ủy ban MTTQ được quy định khá cụ thể, đa dạng hình thức, nhưng hiện nay hình thức giám sát phổ biến vẫn là tổ chức đoàn giám sát. Mặt khác, công tác giám sát cũng mới chỉ dừng lại ở phát hiện, cho ý kiến tại kỳ họp, phiên họp của các cơ quan thuộc đối tượng giám sát. “Muốn giám sát bằng văn bản cũng khó vì nhiều cơ quan nhà nước không công khai, minh bạch các chính sách để người dân và các đoàn thể giám sát”, LS Hậu cho hay.
LS Hậu cũng chỉ ra thực tế rằng các cơ quan quản lý nhà nước, người đứng đầu các cơ quan này không “ngại” Ủy ban MTTQ giống như HĐND và các cơ quan thanh tra, kiểm tra nên không xử lý rốt ráo, một số cơ quan trả lời còn nặng tính hình thức, đối phó cho có. “Đơn cử như quy định diện tích tối thiểu đến đăng ký tạm trú ở TP.HCM, chúng tôi đã tranh luận, đề nghị giải trình nhưng cơ quan chức năng giải trình không thỏa đáng, góp ý cũng không tiếp thu”, ông Hậu dẫn chứng và cho rằng từ ngày 1.7.2021 khi TP.HCM không tổ chức HĐND cấp quận và phường, vai trò giám sát của người dân vẫn sẽ được đảm bảo nếu như TP.HCM tạo ra cơ chế đủ tốt, đủ mạnh để Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị khác giám sát chính quyền. “Cơ quan chính quyền phải công khai, minh bạch để giảm thiểu các vụ việc tiêu cực, nhũng nhiễu; đồng thời quy định chế tài xử lý các trường hợp không hợp tác với cơ quan giám sát”, LS Hậu nói.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM, cũng thừa nhận có tình trạng Ủy ban MTTQ giám sát và gửi kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước nhưng các cơ quan này phản hồi chậm và chưa đầy đủ… Bà Châu cho biết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI vừa qua đã thông qua đề án “MTTQ VN TP.HCM và nhân dân giám sát Đảng và chính quyền TP.HCM”. Đề án này là một bước chuẩn bị cho nghị quyết về chính quyền đô thị tại TP.HCM mà Quốc hội vừa thông qua. Bà Châu khẳng định sẽ có chỉ thị, hướng dẫn để công tác giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ VN các cấp được đẩy mạnh hơn, nhất là khi không có HĐND quận và phường.
Sỹ Đông/ TNO