+
Aa
-
like
comment

Kỳ vọng gì khi tàu metro số 1 về depot?

08/10/2020 07:12

“Khi nào metro được đưa vào vận hành thì lúc đó chúng ta mới vui mừng và kỳ vọng mang lại hiệu quả, chỉ đưa về đến depot thì chưa nói lên điều gì”, GS.TS Từ Sỹ Sùa đánh giá.

tau metro so 1 ve depot anh 1

Nói với PV, các chuyên gia giao thông đánh giá việc tàu metro về depot là một điểm nhấn cho thấy sự hiện hữu của đoàn tàu sau thời gian dài chậm tiến độ. Song, đây không phải cột mốc quan trọng cho kết nối giao thông thành phố vì tuyến metro này vẫn chưa được đưa vào khai thác.

Chậm còn hơn không

GS.TS Từ Sỹ Sùa (Giảng viên cao cấp Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM) cho rằng bất kỳ đô thị nào muốn phát triển bền vững đều phải lấy vận tải công cộng làm trung tâm.

Theo ông, các nước quan niệm metro là phương tiện giao thông công cộng chủ yếu, được xem như “xương sống” cho ngành vận tải hành khách. Bởi tàu metro có nhiều toa, mỗi toa có thể chở được ít nhất 1.000 người. Còn phương tiện khác có khả năng vận chuyển khách ít hơn.

Các nước trên thế giới sử dụng metro từ rất lâu. London (Anh) dùng tàu điện ngầm từ năm 1863, Liên Xô bắt đầu hoạt động metro từ năm 1935… Do đó, ông Sùa đánh giá dự án metro ở TP.HCM là chậm, nhưng “còn hơn không bao giờ làm”.

tau metro so 1 ve depot anh 2
Tàu metro được đưa lên tàu để rời cảng Kasado (Nhật Bản) về TP.HCM. 

“Việc đoàn tàu metro về đến depot là một điểm nhấn. Nhưng từ lúc về cho đến lúc khai thác vẫn còn thời gian rất dài. Như tuyến metro Cát Linh – Hà Đông về lâu rồi, chạy thử lâu rồi nhưng bây giờ vẫn chưa đi vào hoạt động. Vì vậy, metro về có điểm nhấn nhưng chưa phải quyết định”, vị GS.TS đánh giá.

“Đoàn tàu metro về depot là một điểm nhấn. Nhưng từ lúc về cho đến khi khai thác vẫn còn thời gian rất dài”

GS.TS Từ Sỹ Sùa

Theo ông, metro có yếu tố quyết định với giao thông thành phố nếu được đưa vào khai thác thường xuyên. Lúc đó, metro mới được coi là cột mốc. Còn metro về đến depot chỉ mới là dấu ấn cho thấy đoàn tàu hiện hữu.

“Về đến depot mà không đưa vào khai thác thì cũng chỉ là ‘mong đợi ngậm ngùi’ mà thôi”, giảng viên cao cấp Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM bày tỏ.

Còn theo PGS.TS Phạm Xuân Mai (nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Đại học Bách Khoa TP.HCM), metro có khối lượng vận chuyển lớn, giúp giải quyết bài toán giao thông. Ở các nước, hành khách có thể đi từ metro này sang metro khác và sử dụng xe buýt, tàu điện… Tất cả tạo thành một hệ thống liên hoàn. Còn ở TP.HCM chỉ mới một tuyến chuẩn bị khai thác nên trước mắt không thể kỳ vọng quá cao.

“Tuyến metro này chỉ giải quyết một số lượng hành khách từ trung tâm đi ra khu Thủ Đức. Không những chậm mà hiệu quả của dự án theo tôi rất thấp. Mỗi thành phố phải có 10-15 tuyến metro mới liên hoàn phối hợp được”, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông của Đại học Bách Khoa TP.HCM chia sẻ.

Khai thác tuyến đầu sẽ có kinh nghiệm

GS.TS Từ Sỹ Sùa cho rằng metro không phải là phương tiện kết nối trong thành phố. Điểm đầu của tàu ở nội thành và thông thường điểm cuối vẫn là nội thành. Nếu đi ra ngoại thành thì chỉ một đoạn ngắn vì ở đó, số lượng hành khách đi tàu rất thấp.

Với các thành phố phát triển, một trong những phương tiện vận tải chủ lực là metro. Đây là phương tiện vận tải khối lượng lớn và an toàn, kết nối đô thị vệ tinh, tạo ra trục chính để giảm thiểu vận tải công cộng.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thái (Phó trưởng khoa Vận tải – Kinh tế, Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM) cho rằng về nguyên tắc, giao thông hiện đại đi đến đâu thì đô thị càng phát triển, sức hút người dân càng ngày càng lớn và đặc biệt tại khu vực nhà ga, đất đai lên giá, thu hút đầu tư.

Song, hiện nay, thành phố chưa đáp ứng được việc có một hệ thống mạng lưới metro nên cần làm từng bước một.

tau metro so 1 ve depot anh 3
Các toa tàu sẽ được vận chuyển về depot Long Bình (quận 9) bằng tổ hợp xe siêu trường, siêu trọng. 

“Do nguồn lực của chúng ta phụ thuộc nguồn vốn, kỹ thuật của nước ngoài, kinh nghiệm quản lý chưa có và nhiều yếu tố về giải phóng mặt bằng dẫn đến tiến độ chậm. Tuyến metro số 1 là tuyến đầu tiên làm nền móng, khai thác để có kinh nghiệm trong việc tổ chức, quản lý. Từ đó sẽ phát triển các tuyến metro khác để trở thành thành hệ thống kết nối. Cái gì cũng phải có bước đầu tiên, giống như xây nhà, không thể có liền căn nhà nhiều tầng ngay được”, ông Thái phân tích.

“Tuyến metro số 1 là tuyến đầu tiên làm nền móng, khai thác để có kinh nghiệm trong việc tổ chức, quản lý”

PGS.TS Nguyễn Hồng Thái

Khi tuyến metro số 1 được đưa vào hoạt động, những tuyến khác tiếp nối thì lúc đó, metro sẽ trở thành phương tiện vận tải chính, kết nối vận tải hành khách khối lượng lớn. Và xe buýt lúc đó không còn là phương tiện vận chuyển chủ đạo.

Phó trưởng khoa Vận tải – Kinh tế đánh giá từ tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, chúng ta sẽ rút ra cho mình nhiều kinh nghiệm để tương lai có thể quản lý một mạng lưới hệ thống metro tốt hơn

“Đoàn tàu metro về depot hiện hữu, nhiều người có thể góp ý về hình thức, màu sắc, cửa lên xuống, ghế ngồi, tay cầm… Theo tôi điều này rất tốt.

Khi nào metro được vào vận hành thì lúc đó chúng ta mới yên tâm, thở phào nhẹ nhõm là phương tiện vận chuyển này đã chính thức hoạt động và kỳ vọng mang lại hiệu quả. Chứ còn về đến depot cũng chưa nói lên điều gì cả, vẫn còn khoảng cách tính bằng tháng, năm, thậm chí nhiều năm”, GS.TS Từ Sỹ Sùa nói.

Nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông của Đại học Bách Khoa TP.HCM là ông Phạm Xuân Mai cũng lưu ý về hiệu quả của việc khai thác tuyến metro. Ông cho rằng thời gian đầu, người dân sẽ đi vì tò mò, hiếu kỳ. Đến khi hoạt động không hiệu quả thì người dân cũng sẽ bắt đầu lãng quên.

Do vậy, metro có thật sự trở thành phương tiện vận tải chủ đạo của TP.HCM, thay thế xe buýt hay không còn phụ thuộc vào quá trình khai thác và xây dựng được hệ thống mạng lưới chứ không chỉ là một tuyến đơn lẻ.

 

Hoài Thanh/ ZFN

Bài mới
Đọc nhiều