Kỳ vọng của Chủ tịch nước với tập đoàn Formosa và câu chuyện phát triển kinh tế miền Trung
Trong chuyến thăm và làm việc tại Hà Tĩnh mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đi kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tỏ ra rất ấn tượng với tình hình phát triển và hoạt động kinh doanh của Formosa hiện tại. Sau khi khắc phục sự cố môi trường, Formosa đi vào hoạt động sản xuất ổn định, hiệu quả, đảm bảo an toàn, tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động. Công ty đã sản xuất ra sản phẩm thép chất lượng cao, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, giúp Việt Nam giảm nhập siêu, đóng góp to lớn cho nguồn ngân sách nhà nước.
Để hiểu vì sao Chủ tịch nước dành nhiều kỳ vọng vào Formosa đến vậy, cần phải tìm hiểu câu chuyện phát triển kinh tế của một số tỉnh miền Trung, một hành trình từ “vịt hóa thiên nga”.
Hà Tĩnh, “cái đòn gánh” miền trung với thiên tai khắc nghiệt, tài nguyên nghèo nàn, thiên nhiên không ưu đãi, nên hai từ “tỉnh nghèo” từ nhiều năm vẫn có trong suy nghĩ của nhiều người khi nhắc đến địa danh này. Nỗi trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh là làm sao thoát được “danh tiếng” đó. Sau nhiều nung nấu, tìm tòi, Hà Tĩnh tìm được hướng đột phá chính là thu hút đầu tư. Qua bao năm vất vả, hiệu quả đã ngày càng rõ nét. Toàn quốc có 13 Khu kinh tế (KKT) trọng điểm thì Hà Tĩnh có hai KKT. Trong đó, Vũng Áng đã sớm khẳng định là KKT động lực của tỉnh, của khu vực và cả nước.
Dấu ấn phát triển của Vũng Áng phải kể đến sự góp mặt của Formosa – một tập đoàn đến từ Đài Loan với Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương với kinh phí dự kiến lên hơn 20 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 1 là 10 tỷ USD. Trên diện tích 3.000 ha, Tập đoàn Formosa đầu tư Khu liên hợp gang thép có quy mô giai đoạn 1 lên đến 10 triệu tấn sản phẩm/năm; tổ hợp các nhà máy nhiệt – hơi điện với tổng công suất 2.200 MW cùng hệ thống cảng nước sâu Sơn Dương có thể tiếp nhận tàu “siêu” tải trọng 200 – 300 nghìn DWT.
Theo số liệu thu ngân sách, năm 1991 khi Hà Tĩnh tái lập tỉnh, thu ngân sách chỉ vẻn vẹn 18 tỷ đồng. Thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách với những giải pháp bền bỉ, bám sát nguồn thu, đến năm 2005, Hà Tĩnh đã vươn lên thu ngân sách đạt trên 465 tỷ đồng và đặt mục tiêu phấn đấu gia nhập câu lạc bộ thu ngân sách 1.000 tỷ đồng vào năm 2010. Tuy nhiên, năm 2009 thì Hà Tĩnh chính thức gia nhập câu lạc bộ này, với thu ngân sách nội địa đạt 1.141,3 tỷ đồng (tăng 56% dự toán được Bộ Tài chính giao, tăng 40% so với cùng kỳ 2008).
Ông Trương Quang Long – Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh phân tích: “Năm 2009, dự án gang thép lớn nhất Đông Nam Á và cảng nước sâu Sơn Dương với số vốn giai đoạn 1 lên đến trên 10 tỷ USD chính thức khởi công đã kéo nguồn thu ngân sách tăng trưởng đột biến. Có thể thấy, kể từ khi Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) vào đầu tư, những chỉ tiêu kinh tế của Hà Tĩnh tăng tốc, nguồn thu ngân sách cũng tăng mạnh, khiến dự án này trở thành đầu tàu, làm trọng tâm cho thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của tỉnh”.
Sau mốc lịch sử được xác lập, thu ngân sách Hà Tĩnh tiếp tục chinh phục nhiều đỉnh cao. Năm 2015 – năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Hà Tĩnh thu ngân sách đạt 7.086 tỷ đồng, tăng 4 lần so với đầu nhiệm kỳ (năm 2010), đưa Hà Tĩnh từ địa phương thu tương đối thấp trở thành một trong 17 tỉnh/thành có số thu ngân sách nội địa cao nhất cả nước.
Nhìn câu chuyện phát triển vượt bậc ở những vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” như Hà Tĩnh, có thể thấy vai trò không thể thay thế của những “con sếu đầu đàn” như Formosa. Doanh nghiệp này đang góp rất nhiều công sức cho sự phát triển của tỉnh và cả nước, đáp ứng được kỳ vọng của chính quyền và người dân. Nhất là Formosa sau sự cố môi trường đã đưa ra được các biện pháp khắc phục thỏa đáng và ngày càng tham gia tích cực, có hiệu quả các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn. Rõ ràng, họ xứng đáng nhận được kỳ vọng và những lời khen ngợi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
An Diễm