Ký ức về lễ trình quốc thư “đặc biệt nhất trong lịch sử” của Bác Hồ
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên kể về lễ trình quốc thư “đặc biệt nhất trong lịch sử” khi Bác Hồ “duyệt đội danh dự” trên đồi sim và mời Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba ngồi ngay tại bãi cỏ bên đồi.
Tại buổi nói chuyện chuyên đề về “Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh” diễn ra ngày 19-5 do Đảng bộ Bộ Ngoại giao tổ chức ở Hà Nội, cả hội trường đã chăm chú lắng nghe nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên xúc động ôn lại những kỷ niệm của cá nhân, với tư cách là một cán bộ trẻ, được chứng kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận quốc thư của Đại sứ Trung Quốc và Đại sứ Liên Xô tại “Nhà Phủ Chủ tịch” bằng tre nứa tại An toàn khu Việt Bắc; về lễ trình quốc thư “đặc biệt nhất trong lịch sử” khi Bác Hồ “duyệt đội danh dự” trên đồi sim, và mời Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba ngồi ngay tại bãi cỏ bên đồi.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên ôn lại những kỷ niệm về chuyến thăm Ấn Độ của Bác Hồ, tình cảm của Thủ tướng Ấn Độ J. Nehru và người dân Ấn Độ đối với cách ứng xử tinh tế của Người.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao cũng kể lại tâm trạng đặc biệt xúc động, bất ngờ của ông khi là Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, được chứng kiến tình cảm, sự ngưỡng mộ, kính trọng sâu sắc của bạn bè, cộng đồng quốc tế dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh khi UNESCO nhất trí tuyệt đối thông qua Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người.
Trong con mắt bạn bè quốc tế, tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam, đồng thời cũng là nguồn cổ vũ cho các dân tộc trong giai đoạn phi thực dân hóa, là “lương tri”, là hiện thân cho “văn hóa tương lai”. Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh Bác Hồ để lại một “kho báu” mà cả thế giới ngưỡng mộ, nên chúng ta, là con cháu Bác, cần phải biết khai thác, học hỏi, học hỏi suốt đời và học hỏi với một cái tâm.
Hai diễn giả Nguyễn Dy Niên và Trần Trọng Toàn (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc) cũng dành nhiều thời gian trình bày về tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, trong đó có quan điểm về quyền tự quyết của các dân tộc, tư tưởng tự do, bình đẳng, “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, hòa bình cho các dân tộc, độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội; và việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là cha đẻ của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Buổi nói chuyện chuyên đề về Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là hoạt động thiết thực tưởng nhớ công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đất nước, nhân dân Việt Nam nói chung và ngành Ngoại giao nói riêng. Đây cũng là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng nhằm giúp cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Bộ Ngoại giao nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện hơn về công lao và cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung và với ngành Ngoại giao nói riêng; góp phần thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, nhất là trong năm 2020 kỷ niệm 75 năm thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam (28-8-1945 – 28-8-2020).
D.Ngọc/NLĐ