+
Aa
-
like
comment

Ký ức ngày đầu đi dạy cách đây 50 năm của thầy giáo Sài Gòn

17/11/2020 08:18

Buổi đầu tiên đi dạy tôi cũng rung động như cậu bé trong ngày đầu tiên đi học của nhà văn Thanh Tịnh…

TS Nguyễn Trần Trác, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Hơn 50 năm trước ông là sinh viên của trường này lúc đó là Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn. Nghỉ hưu, TS Trác định cư ở Úc với thú vui điền viên, nhưng ký ức của ông về những ngày còn là sinh viên sư phạm và ngày đầu tiên nhận nhiệm sở đi dạy vẫn còn nguyên vẹn.

Theo thầy Trác, thời điểm đó, nhiều thanh niên sau khi qua bậc Tú tài (tốt nghiệp 12) bước vào con đường sư phạm với lòng nhiệt thành. Còn các nữ sinh, đặc biệt ở các tỉnh rất thích được làm cô giáo.

Ký ức ngày đầu đi dạy cách đây 50 năm của thầy giáo Sài Gòn
Nghỉ hưu hiện thầy Trác định cư ở Úc

Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm sẽ được về giảng dạy tại một trường Trung học đệ nhị cấp (Trường THPT phổ thông) với số lương ban đầu là 7400 đồng. Trong khi tốt nghiệp các trường đại học khác nếu được bổ nhiệm thì số lương ban đầu thấp hơn.

Vì thế, ngày đó rất khó để đỗ vào Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn.

Ở Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn, bên Khoa học có 4 ban: Toán, Vật lý, Hoá học, Vạn vật. Bên Văn chương thì có các ban: Việt-Hán, Sử học, Địa lý, Anh văn, Pháp văn.

“… Anh Nguyễn Trần Trác là Tiến sỹ đệ tam cấp Vật lý. Điểm đặc biệt mà tôimột thanh niên trẻ vừa rời ghế giảng đường ở miền Bắc cảm nhận đối với các anh/ chị là sự chỉn chu trong công việc và cuộc sống từ ăn mặc đến giảng dạy, sự cẩn thận trong giao tiếp, sự quan tâm rất kín đáo với đồng nghiệp, sự chia sẻ những ngày đất nước còn khó khăn”-PGS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

“Nguyễn Trần Trác là người thầy có trách nhiệm và thích nghi ngay với cơ quan mới, được cử làm Phó khoa. Tôi thấy anh là người làm việc nghiêm túc, giảng dạy có trách nhiệm, uy tín trong đồng nghiệp” –  Nhà giáo Hoàng Lan, nguyên Chủ tịch Công đoàn, nguyên Trưởng khoa Vật lý, Trường ĐHSP TP HCM. 

Trong ký ức của thầy Trác, trường Sư phạm ngày ấy gồm hai dãy nhà cổ 3 tầng xây từ thời Pháp, vốn là của Trường trung học Pétrus Ký (nay là Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong) nhường lại. Dãy phía ngoài dành cho các lớp Toán và Khoa học. Dãy phía trong dành cho các lớp Văn chương và Ngoại ngữ Anh, Pháp. Ở giữa hai dãy là khoảng sân rộng với bãi cỏ quanh năm xanh tốt và hai hàng cổ thụ rợp bóng mát. Khoảng sân trường này đã chứng nhân cho bao nhiêu tình cảm thời sinh viên ngày ấy.

Phong trào sinh viên rất mạnh

Thầy Trác dự thi tuyển vào Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn năm 1963, ngành LýHoá.

Theo trí nhớ của thầy Trác, số người dự tuyển ngành này năm đó khoảng 750, nhưng chỉ có 35 người trúng tuyển. Trong đó, một số học sinh mới xong Tú tài và một số đông khác là sinh viên đã học ở các trường đại học khác. Một nửa lớp là người miền Bắc, còn lại miền Trung và Nam. Sinh viên mỗi người một tính, đa dạng nhưng thống nhất.

“Chúng tôi được học bổng 1.000 đồng/tháng, trong 12 tháng mỗi năm học. Học bổng này tạm đủ với đời sống sinh viên vì ngày ấy một tô phở chỉ khoảng 5 đồng. Một tô hủ tíu thì có giá 3 đồng”thầy Trác nhớ.

Trong ký ức, thầy Trác bảo mình thuộc loại sinh viên nghèo, ngày ngày tới trường bằng chiếc xe đạp mua bằng tiền học bổng từ năm Đệ nhất ở trung học. Trong khi đó vài bạn trong lớp sang thì đi học bằng xe gắn máy của Pháp hay Đức. Các bạn ở tỉnh lên Sài Gòn xin vào ở ký túc xá. Cũng có vài bạn đi dạy thêm để kiếm thêm chút tiền.

Cũng theo thầy Trác, ngày ấy phong trào sinh viên rất mạnh. Đầu năm học việc bầu vào ban đại diện sinh viên ở các trường đại học rất sôi động. Sau đó các ban đại diện sinh viên của các trường sẽ họp lại để bầu ra ban đại diện của Tổng hội sinh viên Sài Gòn. Tiếng nói của sinh viên có vai trò khá mạnh và đôi khi có tính quyết định.

Giáo sinh sư phạm ngày ấy học gì?

Năm thứ nhất ở Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn, lớp thầy Trác toàn sinh viên trúng tuyển là nam, chỉ có 1 nữ sinh ở lại từ khoá trước và đó là bông hồng duy nhất của lớp.

Ký ức ngày đầu đi dạy cách đây 50 năm của thầy giáo Sài Gòn
Thầy Trác (bên phải) ngày còn là Sinh viên trường Sư phạm

Học ngành Sư phạm LýHoá, năm thứ nhất sinh viên ban học theo chứng chỉ MPC (Toán Lý Hoá) ở Trường ĐH Khoa học Sài Gòn. Sinh viên ban Toán thì học theo chứng chỉ MG (Toán đại cương)…

Theo thầy Trác, lúc này tiếng Pháp đang được dùng nhiều và có nhiều giáo sư người Pháp sang giảng dạy, nên các sách tham khảo cho sinh viên hầu hết bằng tiếng Pháp. Trong thư viện của trường luôn đặt cố định một cuốn từ điển Pháp ngữ lớn để sinh viên tham khảo.

Năm thứ hai, sinh viên học chứng chỉ Vật lý đại cương. Giáo sư người Việt và người Pháp cùng nhau phụ trách môn học nên học bằng Tiếng Việt và Tiếng Pháp.

“Năm đó môn Nhiệt học và Nhiệt động lực học do một giáo sư agrégée (thạc sĩ tốt nghiệp ngôi trường nổi tiếng École Normale Supérieure của Pháp) giảng khiến những sinh viên vốn học chương trình trung học Tiếng Việt như chúng tôi ghi chép bài giảng mệt đứt hơi”thầy Trác nhớ.

Ở năm học này sinh viên học lý thuyết về phương pháp giảng dạy và bắt đầu thực tập giảng dạy tại chỗ ngay tại Trường ĐH Sư phạm. Một bạn lên giảng với học sinh giả định là các bạn sinh viên trong lớp và được theo dõi, nhận xét, đánh giá. Nhiều bạn lần đầu lên giảng dù trước mặt toàn bạn bè quen biết nhưng vẫn bị khớp, mồ hôi chảy từng giọt…

Lên năm thứ ba, sinh viên học chứng chỉ Hoá học đại cương tại Trường ĐH Khoa học Sài Gòn. Ngoài ra, sẽ học thêm các môn Giáo dục đối chiếu, Lịch sử Sư phạm… Lúc này, sinh viên bắt đầu dạy thực tập tại các lớp Đệ nhất cấp (lớp 6 đến lơp 9) ở các trường trung học trong thành phố.

“Đi thực tập ở các trường thì hào hứng vì được dạy trong môi trường thực của lớp học. Mỗi nhóm thực tập 5-6 sinh viên và một thầy hướng dẫn đi theo để đánh giá. Tới ngày dạy nhóm được xe hơi của trường đưa tới trường trung học. Bạn nào lên giảng hôm đó thì một bạn còn lại đóng vai trò phụ tá”.

Lên năm thứ tư, sinh viên được học chứng chỉ Cơ học thuần lýchứng chỉ thứ tư để lấy bằng cử nhân giáo khoa Lý-Hoá. “Nếu lấy bốn chứng chỉ chuyên ngành Lý và Hoá nhưng không đúng thì chỉ được gọi là cử nhân tự do, đi làm trong Chính phủ lương cũng thấp hơn một bậc” – thầy Trác kể.

Năm học này sinh viên được thực tập tại các lớp Đệ nhị cấp (lớp 10 đến 12) nhưng thực tế các trường chỉ cho sinh viên thực tập giảng dạy ở lớp Đệ tam (lớp 10). Có trường cho sinh viên dạy thực tập ở lớp Đệ nhị (lớp 11), còn lớp Đệ nhất (lớp 12) chẳng bao giờ sinh viên ĐH Sư phạm được “mon men” thực tập.

Ngày nhận nhiệm sở bồi hồi như ngày đầu tiên đi học

Thầy Nguyễn Trần Trác nhớ trước ngày làm lễ tốt nghiệp sẽ một danh sách các trường trung học đệ nhị có nhu cầu giáo viên LýHóa để sinh viên tìm hiểu.

Năm thầy Trác tốt nghiệp, trong danh sách nhiệm sở gần nhất là Trường Trịnh Hoài Đức ở Bình Dương. Nhiệm sở xa nhất ở Long Xuyên (An Giang). Có trường ở nơi đô hội sầm uất đông vui nhưng cũng có trường ở các huyện xa buồn hiu hắt và kém an ninh, dù vậy mọi người đều sẵn sàng lên đường nhận công tác.

Ngày tổ chức lễ trao chứng chỉ tốt nghiệp, từng sinh viên được gọi lên theo thứ tự tốt nghiệp để chọn nhiệm sở theo danh sách đã đưa về trường. Ai đỗ cao được chọn trước ai đỗ thấp hơn thì chọn sau.

Đầu năm học 1967-1968 thầy Trác về nhận nhiệm sở ở Trường THCS Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho, Tiền Giang.

“Buổi đầu tiên tới nhiệm sở tôi cũng rung động như cậu bé ấy trong ngày đầu tiên đi học của Thanh Tịnh. Buổi sáng hôm ấy chiếc xe Minh Chánh khởi hành tại bến xe Pétrus Ký Sài Gòn, đưa tôi và một anh bạn cùng lớp đi theo Quốc lộ 4 đi nhận nhiệm sở. Khi xe qua thị xã Tân An tới Trường Trung học Tân An (Long An) nằm một mình bên quốc lộ, giữa ruộng lúa bạn đi cùng tôi xuống nhận nhiệm sở. Tôi giơ tay chào bạn, chiếc xe tiếp tục lăn bánh tới Trường Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho. Tại đây tôi đã có một thời gian dài dạy học với biết bao nhiêu vui buồn của một thuở mới ra trường”thầy Trác bồi hồi.

TS Nguyễn Trần Trác sinh năm 1945.

Năm 1968 tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn nay là Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Sau đó ông về giảng dạy tại Trường THCS Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho, Tiền Giang. Năm 1972 ông tốt nghiệp Tiến sĩ đệ tam cấp Vật lý. Năm 1994, TS Nguyễn Trần Trác trở thành giảng viên chính của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

TS Nguyễn Trần Trác đã tham gia nghiên cứu và biên soạn một số sách và tài liệu dạy học như: Giáo trình Quang học, Cơ học Lượng tử (Trường ĐHSP TP. HCM); Phương pháp giải toán QuangNguyên tử-Hạt nhân (NXB Giáo Dục, TP. HCM); Toán Quang Lý Nguyên tử (NXB ĐH Quốc Gia Hà Nội); Toán Quang Vật lý Hạt Nhân (NXB Trẻ, TPHCM tái bản lần 5);Toán Cơ học (NXB Trẻ, TP. HCM tái bản lần 5); Toán Điện xoay chiều (NXB Trẻ, TP. HCM tái bản lần 5).

Lê Huyền/VNN

Bài mới
Đọc nhiều