Ký ức kinh hoàng của người thoát chết trở về từ thùng container đông lạnh
Không ít người đã mạo hiểm đánh đổi tính mạng của mình để đến trời Âu lao động bằng con đường bất hợp pháp. May mắn trở về, họ rùng mình kể lại đoạn đường đầy rủi ro, nguy hiểm đã trải qua.
Đó là lời anh Trương Mạnh Quân (tên nhân vật đã được thay đổi) trú tại một xã ven biển thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh sau vụ phát hiện 39 thi thể trong container tại Anh vào ngày 23/10 đang gây chấn động. “Nhìn lại hình ảnh chiếc xe vượt biên sang Anh, tôi lại nhớ đến hành trình của chính mình. Ngày ấy, tôi cũng vượt biên sang Anh trong container như thế, nhưng may mắn hơn và tôi vẫn còn sống sót trở về”, anh Quân nói.
Trở về sau 3 năm sinh sống và làm việc tại Anh, có ít vốn để làm ăn, người đàn ông này vẫn không thể quên ký ức về hành trình 60 ngày vượt biên đến với nước Anh, mảnh đất nhiều người như anh Quân từng hi vọng vào một cuộc đổi đời.
Buổi chiều cuối thu năm 2015, anh Quân được bạn bè giới thiệu có đường dây vượt biên sang Anh với chi phí hơn 400 triệu đồng. Với những lời “mật ngọt” như lương cao, chế độ đãi ngộ tốt, thu nhập ‘‘khủng’’, hi vọng mong manh được đổi đời lại nhen nhóm. Thế rồi anh Quân đánh cược bằng tài sản, rời xa gia đình để sang Anh. Theo lộ trình đã thống nhất với người trong đường dây môi giới, anh Quân đi máy bay sang Matxcova của Nga, rồi tiếp tục vượt biên sang Pháp và dự định điểm dừng chân cuối cùng là ở nước Anh. Trên chặng đường đi, anh Quân được nghe kể rất nhiều về những rủi ro, nguy hiểm, thậm chí có người phải bỏ mạng trên đường vượt biên. Tưởng chừng đó chỉ là những tin đồn, những lời hù dọa nhưng khi đến Pháp anh mới thấy đó chính là con đường đến với “địa ngục” như trong câu chuyện của người hướng dẫn. Ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết có khi chỉ cách nhau tấc gang.
Hành trình khổ ải
Khi anh Quân đến Pháp, một người đàn ông trong đường dây môi giới thông báo, để qua Anh chỉ có hai con đường. Thứ nhất là vượt đường hầm qua eo biển Manche đặt ở Calais (Pháp), con đường thứ hai là đi bằng đường biển từ cảng Calais đến cảng Dover (Anh). Ngoài ra, nếu muốn đến Anh an toàn, nhanh hơn thì phải thêm một khoản tiền khá lớn. Đó được gọi là con đường “VIP”. Với con đường này người đi sẽ được ngồi trên cabin cùng với tài xế hoặc có người đến dẫn đi trực tiếp. Còn nếu đi thường hay còn gọi là dạng đi “cỏ” thì buộc phải ngồi sau thùng xe container đông lạnh hoặc tự mình tìm chỗ trốn trong xe container phủ bạt hay là nhảy lên xe rồi chui vào bên trong.
“Những người sang đó đa phần đều nghèo nên phải chấp nhận đi theo hình thức ngồi sau thùng xe container hoặc tự trèo hay chui vào bên trong bất chấp nguy hiểm. Riêng đi sang Anh được xem là khó và nguy hiểm nhất”, anh Quân kể. Chọn đi theo dạng “cỏ”, rạng sáng tháng 7/2015, anh cùng 3 người đàn ông khác được đưa lên thùng xe container xuất phát từ cảng Calais. Khi cánh cửa sắt đóng lại, bên trong không khí lạnh lẽo, tối tăm, không ai nói với ai lời nào. Hơn 1 tiếng ngồi trong thùng sắt cùng nhiều hàng hóa phía dưới, người bắt đầu lạnh khi bên trong thùng xe nhiệt độ giảm xuống thấp, không chỗ bám trụ, cảm giác khó thở, anh Quân lả người đi vì mệt. Người đàn ông này tưởng chừng thoát nạn khi đến vùng đất hứa, nhưng khi cánh cửa mở ra, mới biết mình đã bị cảnh sát bắt giữ.
Cuộc vượt biên lần thứ nhất không thành công. Cảnh sát Anh câu lưu anh Quân cùng những người cố gắng vượt biên trong một căn phòng dành cho người tị nạn. Vài ngày sau, anh được thả, buộc phải trục xuất về Pháp và chờ đợi cơ hội để vượt biên lần hai. Trong vòng gần 60 ngày, anh Quân đã 7 lần vượt biên sang Anh bằng những con đường khác nhau như ngồi thùng container, trèo bám ở xe đi đường biển nhưng đều bị phát hiện. “Sau hơn 7 lần vượt biên bất thành, tôi buộc phải đi theo con đường “VIP”. “Tôi gọi cho vợ ở quê gửi hơn 100 triệu đồng cho môi giới, sau đó được đưa lên ngồi ở cabin ghế phụ cùng tài xế container nên qua Anh trót lọt. Sang đó tôi vào làm tại một quán ăn, nhưng cuộc sống bên đó đúng là chỉ đi mới hiểu, kiếm được đồng tiền cũng khổ cực lắm, chả sung sướng gì”, anh Quân kể lại.
Tại sao lại cứ phải là Anh, khi người đang làm ở Pháp hay Đức vẫn muốn vượt biên để sang vùng đất này? Lý giải về điều này, anh Quân nói, ở Anh công việc nhiều, lương ổn định nên nhiều người bất chấp khó khăn để sang đây làm việc. “Trong đợt đi năm đó tôi mà ở lại Pháp vẫn được họ tìm cho một công việc, có nhà ở cùng những người tị nạn nhưng tôi vẫn khao khát muốn được sang Anh nên mới cố gắng để đi. Có người bị bắt cả mấy chục lần nhưng không bỏ cuộc”, anh Quân nói.
Cuộc chạy trốn trong rừng Belarus
Cũng tương tự anh Quân, anh Trần Văn Hạnh (tên nhân vật được thay đổi), trú tại tỉnh Hà Tĩnh đã từng vượt biên sang Anh. Nhưng kỳ vọng đặt chân đến với mảnh đất này không đạt được khi vừa đi được nửa chặng đường đã bị cảnh sát bắt và giam giữ 5 tháng tại vùng núi Belarus. Anh Hạnh kể, tháng 10/2016, qua giới thiệu của một người tại huyện Yên Thành (Nghệ An), anh làm thủ tục để sang Anh. Chặng đường của thanh niên 30 tuổi này trải qua các nước Nga – Belarus – Pháp rồi mới tới nước Anh. Sau khi có mặt tại Nga, anh đi cùng đoàn gồm 9 người, trong đó đa phần là ở Nghệ An, di chuyển đến Belarus.
Trên đường đi, những thành viên trong đoàn xé hộ chiếu, giấy tờ vì tránh trường hợp rủi ro nhất là khi bị bắt, cảnh sát các nước không biết là quốc tịch ở đâu nên không thể trả về. Mười giờ nằm trên xe tải, phía dưới là hàng hóa, khi đến đường rừng biên giới của Belarus, anh bị cảnh sát bắt, bị nhốt trong căn phòng chật hẹp, có khoảng 70 người cùng bị giam giữ, đều là những người di cư bất hợp pháp.
Anh Hạnh cho biết, đói và cái lạnh -9oC khiến nhiều người bỏ mạng ở xứ này. Cũng đã từng có người bị đánh đập, hành hung dã man do không thực hiện đúng theo yêu cầu. Anh Hạnh buộc phải khai nhận quốc tịch để hồi hương, bởi đó là cách an toàn nhất để giữ lại mạng sống.
“Những ngày tháng đó với tôi như là địa ngục, tôi không nghĩ rằng mình còn sống và có cơ hội trở về với quê nhà. Tôi phải nhiều lần quỳ, khóc van xin để họ cho trở về. Ở đó, có người bị bắt, giam giữ cả năm trời. Riêng ở nhà, không ai nghĩ rằng tôi còn sống, thấy tôi trở về ai cũng bất ngờ vì cứ nghĩ tôi đã bỏ mạng nơi xứ người. Nghĩ đi nghĩ lại, chẳng đâu ấm áp bằng quê hương”. Anh Trần Văn Hạnh
Hoài Nam/ Tiền Phong