Ký ức hào hùng của vị Trung tướng về ngày thống nhất đất nước
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, PV đã có cuộc trò chuyện với Trung tướng Phạm Hồng Cư – nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông là một trong những nhân chứng sống chứng kiến thời khắc thắng lợi lịch sử của dân tộc.
Hồi ức hào hùng
Cuối tháng Tư, hòa vào âm hưởng hào hùng của cả dân tộc hướng về kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2020) là niềm tự hào Việt Nam đã “chiến thắng” trong chống dịch Covid-19 khiến tâm trạng mỗi người Việt thêm phấn chấn.
Trong tâm thế đó, chúng tôi đã tìm gặp Trung tướng Phạm Hồng Cư để có những câu chuyện, lời kể về giây phút hào hùng dân tộc Việt Nam đã giành chiến thắng hoàn toàn, lá cờ quân giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập vào lúc 11h30 ngày 30/4/1975.
Tuy đã ở cái tuổi ngoài 90 nhưng khí chất người lính cụ Hồ ở vị Tướng già vẫn hiện hữu, đôi mắt sáng tinh anh, cái bắt tay chắc và dứt khoát… nói về chiến thắng lịch sử của dân tộc Việt Nam vào ngày 30/4/1975 ông trầm tư một lát rồi nhấp lên môi chén nước, sau đó ông kể về ngày lịch sử vĩ đại của dân tộc ta.
Giọng ông sang sảng hào hùng khi kể về từng thời khắc lịch sử. Bắt đầu bằng chiến thắng Tây Nguyên, khi mặt trận Tây Nguyên mở màn chiến thắng, khi đó tiếng vang đồn ra tới Hà Nội, tất cả các cơ quan đơn vị rất vui mừng vì cuộc mở đầu đợt tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975 đã chiến thắng.
Tiếp đó là mặt trận Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng, lúc này Tổng cục chính trị gọi cho tôi giao nhiệm vụ làm phái viên chiến trường theo dõi tình hình diễn biến chiến sự ở hướng chủ yếu, thì tôi lập tức lên xe đi vào con đường Trường Sơn để tìm cách vào phía tây Huế, trên đường đi tôi thấy không khí tưng bừng, các đoàn vận tải quân sự rất phấn khởi chi viện vào trong chuẩn bị cho những thắng lợi lớn hơn.
Các đoàn quân liên tiếp đi vào chiến trường, không khí Tây Trường Sơn rất tưng bừng, xe cộ chật cứng đến mức xe của tôi là chiếc xe con mà không thể nào vượt được lên, vì nhiệm vụ được giao vào trong Nam gấp nên tôi đã phải bỏ ô tô, chạy bộ đi tắt sang đường để đi vào Huế, dọc đường đi tôi đã nhìn thấy dân công, mọi người đang chuẩn bị cho công cuộc giải phóng Thừa Thiên Huế, tôi tìm cách chạy cho kịp nhưng cuối cùng vẫn không thể kịp được.
Sau đó tôi rẽ xuống phía Nam đi ngay vào Đà Nẵng, tôi nhận biết sau thắng lợi chiến dịch Tây Nguyên sẽ là Huế và Đà Nẵng. Khi vào đến nơi cũng không kịp lúc Đà Nẵng giải phóng, lúc đến nơi thì Đà Nẵng giải phóng rồi.
Vào Đà Nẵng thì tôi gặp đồng chí Lê Linh- Chính ủy của quân đoàn 2, ông Lê Linh biết tôi bởi tôi vốn là bạn chiến đấu ở cùng một đơn vị trong kháng chiến chống Pháp, nên gặp nhau rất là vui mừng.
Tại Đà Nẵng, Lê Linh đã thuật lại cho tôi thắng lợi của chiến dịch Huế- Đà Nẵng mà tôi không kịp tham dự. Khi tôi và ông Lê Linh đang nói chuyện, tôi nhận được cuộc điện thoại trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, cuộc điện này là cuộc điện thần tốc “thần tốc, thần tốc hơn nữa, nhanh chóng tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam”.
Đây là cuộc điện trực tiếp của Đại tướng hạ lệnh cho các tướng của quân đoàn 1, 2, 3 tiến vào Sài Gòn. Trong số các quân đoàn quân đoàn 2 là xa nhất từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, quân đoàn 1 khi ấy đã vượt vĩ tuyến 17, quân đoàn 3 khi đó đang ở Tây Nguyên, quân đoàn 4 của anh Hoàng Cầm đang đánh Xuân Lộc. Cho nên 4 quân đoàn sẵn sàng tiến vào Sài Gòn giải phóng miền Nam.
Khi ấy tôi vào luôn quân đoàn 2. Cuộc gặp mặt Lê Linh ở thị xã Đà Nẵng tôi không bao giờ quên được, ký ức Lê Linh kể lại cho tôi chiến dịch Huế – Đà Nẵng.
Tôi đã nhận được điện thoại của Đại tướng thần tốc tiến vào Sài Gòn, khi đó tất cả binh lính nghe tôi nói qua loa về mệnh lệnh của Đại tướng thì tất cả đứng dậy hô to “Đại tướng Võ Nguyên Giáp muôn năm…” tất cả lên đường, tiến nhanh vào Sài Gòn, tuy nhiên việc cản trở đầu tiên là đi qua phà, nhưng phà đã bị địch phá phải chờ công binh sửa chữa lại, một số đơn vị đi ngược sông đến khu vực vượt ngầm để tranh thủ thời gian, không cần chờ phà.
Suốt từ Đà Nẵng đi qua các tỉnh dọc đường biển Đà Nẵng – Quảng Ngãi – Bình Định – Phú Yên – Khánh Hòa. Suốt quãng đường có một điều rất kỳ lạ mà tôi thấy đó là nhân dân vùng giải phóng đứng ra ngoài đường rất đông đón vẫy chào bộ đội tiến vào.
Tôi thấy một nhóm phụ nữ đứng túm tụm lại với nhau tay chỉ trỏ, tôi dừng lại tôi hỏi “các chị tìm ai”, một chị trả lời rằng ở đây có 3 chị có chồng ra Bắc tập kết đợt cuối cùng, các chị ra đây chờ xem có chồng về không, họ hy vọng đoàn quân đi vào sẽ có chồng họ trở về.
Tôi vô cùng xúc động, tự hào
Khi tiến vào Dinh Độc Lập tôi gặp hai người, một là Phạm Xuân Thệ – Trung đoàn phó 66, sư đoàn 304, Quân đoàn 2 khi ấy nhiệm vụ là vào trong gặp Tổng thống Dương Văn Minh. Khi vào bên trong tôi thấy tất cả tướng lĩnh chính quyền tay sai đã ngồi đó, họ rất lịch sự. Sau đó tất cả đứng dậy đầu hàng và Phạm Xuân Thệ dẫn độ Dương Văn Minh ra đài phát thanh.
Người thứ 2 là Bùi Tùng là Chính ủy của Lữ đoàn xe tăng thuộc mặt trận B5. Bùi Tùng vừa dẫn Dương Văn Minh ra đài phát thanh vừa suy nghĩ yêu cầu Dương Văn Minh nói cái gì? Sau đó Bùi Tùng đã yêu cầu Dương Văn Minh nói lời đầu hàng: “Lực lượng vũ trang phải hạ vũ khí, chính quyền các cấp phải tự giải tán”. Sau đó Dương Văn Minh đã thực hiện các điều đó trước đài phát thanh Sài Gòn.
Bùi Quang Thận là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 203 – Chủ nhiệm tăng thiết giáp Quân đoàn 2 cầm lá cờ của quân giải phóng lên nóc Dinh Độc Lập, sau đó hạ lá cờ của Việt Nam Cộng hoà xuống và kéo cờ của quân giải phóng lên.
Trước khi kéo cờ của ta lên nóc Dinh Độc Lập, vì muốn lưu lại khoảnh khắc này, anh đã ghi vào góc cờ: “Bùi Quang Thận – 11h30 ngày 30/4/1975”. Sau khi Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng đó trước đài phát thanh Sài Gòn, tôi nhận được công điện khẩn mang băng nghi âm Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng ra Bắc để báo cáo Quân ủy.
Nhắc lại quá khứ hào hùng không chỉ để mỗi người dân Việt Nam khâm phục, tự hào về những thế hệ cách mạng cha anh với ý chí kiên cường, tinh thần hết mình vì độc lập tự do, vì Tổ quốc, vì nhân dân, mà còn để thế hệ hôm nay càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh.
Với tinh thần chiến thắng 30/4, bằng quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế – xã hội ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Tiềm lực mọi mặt của đất nước được tăng cường. Uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao. Có thể nói chúng ta đang từng bước thực hiện được di nguyện của Bác Hồ là sau ngày thắng lợi sẽ “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Trung tướng Phạm Hồng Cư tên thật Lê Đỗ Nguyên (sinh ngày 11/2/1926, quê ở xã Đông Cương, huyện Đông Sơn (nay là Phường Đông Cương, Thành phố Thanh Hóa), tỉnh Thanh Hóa. Ông là Chính trị viên Tiểu đoàn Bình Ca, tham gia chiến dịch Việt Bắc Thu Đông, đánh thắng quân Pháp trận đầu trên Sông Lô (1947), Phó Chính uỷ Trung đoàn 36, Đại đoàn 308, tham gia các chiến dịch lớn trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ (1951 – 1954), Phái viên Tổng cục Chính trị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, Phó tư lệnh Chính trị kiêm Chủ nhiệm chính trị Quân khu 2 (1978 – 1986), Phó Chủ nhiệm TCCT (1986 – 1995). Ông được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng (1983), Trung tướng (1988).
PV