‘Kỳ trăng mật’ giữa Trung Quốc và Philippines sẽ kết thúc vào cuối tháng này?
Phủ Tổng thống Philippines vẫn phát tín hiệu rõ ràng rằng “tuần trăng mật” chưa kết thúc nhưng Manila hy vọng Bắc Kinh giữ những lời hứa “ngọt như mật” của họ.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ thăm Trung Quốc vào cuối tháng này. Ông Duterte dự định sẽ đề cập tới các hành động gây tranh cãi của Trung Quốc tại Biển Đông và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 khi gặp song phương với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Điều này làm dấy lên suy đoán Manila sẵn sàng đưa ra quan điểm cứng rắn hơn về mối quan hệ với Bắc Kinh, đặc biệt là về vấn đề Biển Đông. Đây được xem là cú chuyển mình rõ ràng nếu nhìn lại chính sách “thân Trung Quốc” mà ông Duterte áp dụng kể từ khi lên năm quyền năm 2016.
Sự thay đổi về lập trường này khiến giới quan sát đặt câu hỏi phải chăng niềm yêu thích của ông Duterte với Trung Quốc đã phải nhạt và tuần trăng mật giữa Manila và Bắc Kinh sắp đi tới hồi kết do những áp lực phản đối từ trong nước?
Ngược trở lại năm 2016, trong chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Philippines tới Trung Quốc, ông tỏ rõ thái độ muốn rời xa Mỹ và xích lại gần Trung Quốc của mình.
“Tôi tới đây và nói rằng dù không yêu cầu miễn phí nhưng liệu Trung Quốc có thể giúp đỡ khi chúng tôi cần hay không”, ông nói.
Trung Quốc được dịp mở cờ trong bụng. Chủ tịch Tập Cận Bình gọi chuyến thăm của ông Duterte là “cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa 2 quốc gia” và “người dân 2 nước coi nhau như anh em kết nghĩa”.
Chuyến thăm cũng phủi đi những hoài nghi của Bắc Kinh về thái độ hiềm khích của Manila dưới thời ông Benigno Aquino, người theo đuổi các chính sách cứng rắn và thách thức các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông khi kiện Bắc Kinh lên Tòa án Trọng tài Thường trực.
4 ngày sau khi ông Duterte rời Bắc Kinh, Trung Quốc cung cấp hàng loạt gói ưu đãi cho Manila: 15 tỷ USD đầu tư trực tiếp và thông qua giao dịch thương mại, cho vay 9 tỷ USD với lãi suất thấp, bao gồm cả khoản tín dụng trị giá 3 tỷ USD với Ngân hàng Trung Quốc.
Đáp lại sự ưu ái này, Tổng thống Duterte ngó lơ phán quyết của Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn, tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc.
“Tôi chỉ đơn giản là quý mến Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông ấy rất hiểu vấn đề của tôi và sẵn sàng giúp đỡ”, ông Duterte nói với các phóng viên khi tới dự Diễn đàn Bắc Ngao vào tháng 4 năm nay.
Các tuyên bố này “truyền cảm hứng” để Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa “phóng bút” viết bài ca ngợi quan hệ 2 nước, nhấn mạnh Trung Quốc cùng với Philippines sẽ cùng chèo lái con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn nữa.
Nhưng chỉ 2 tháng sau, gió đổi chiều. Dù khẳng định vẫn quý mến Trung Quốc nhưng ông Duterte tỏ ra giận dữ trước thông tin tàu cá Trung Quốc tràn xuống đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Philippines chiếm giữ). “Trung Quốc giúp chúng tôi một chút, nhưng chúng ta cần phải nhìn nhận lại vấn đề liệu có hợp lý hay không khi một quốc gia tuyên bố yêu sách với toàn bộ một vùng biển”, ông Duterte nói.
Ông Hermogenes Esperon, cố vấn an ninh quốc gia của ông Duterte hồi năm ngoái cảnh báo dòng khách du lịch hơn 1,2 triệu người của Trung Quốc và 138.000 công nhân của nước này nên được coi là mối đe dọa an ninh quốc gia tiềm tàng.
“Chúng tôi muốn có những cơ hội đầu tư lành mạnh. Chúng tôi muốn có nhiều khách du lịch hơn nhưng đồng xu luôn luôn có 2 mặt”, ông nói.
Quan hệ giữa 2 nước bị kéo căng khi tàu Trung Quốc hồi tháng 6 đâm chìm tàu cá Philippines, bỏ mặc 21 ngư dân lênh đênh trên biển. Các quan chức Philippines đồng loạt lên án gây gắt các hành vi mà họ gọi là “vô nhân đạo” này.
Liên tiếp những tuần qua, báo chí Philippines tràn ngập các bài viết lên án hành động xâm nhập vùng lãnh hải Philippines của tàu khảo sát Trung Quốc. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng qua, Manila 3 lần trao công hàm phản đối liên quan tới hoạt động của các tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển nước này.
Phát ngôn viên Phủ Tổng thống Philippines Salvador Panelo tuần trước cho biết chính phủ có thể hủy bỏ các hợp đồng thương mại cho phép các công ty Trung Quốc thuê và phát triển 3 đảo chiến lược sau cảnh báo của quân đội về rủi ro an ninh tới từ của các dự án này.
Bên cạnh căng thẳng về an ninh, sự chậm trễ của Trung Quốc trong việc giải ngân các khoản viện trợ phát triển chính thức (ODA) cũng khiến Philippines khó chịu. Trong số 9 tỷ USD Bắc Kinh cam kết, Manila mới chỉ nhận được một khoản vay mềm trị giá 62 triệu USD cho một dự án thoát nước sông Chico.
Tính tới tháng 3/2019, Trung Quốc chỉ chiếm 1,8% trong tổng số tất cả các khoản vay ODA được ký kết với Philippines.
Theo thống kê của Ngân hàng Trung ương Philippines, dù Trung Quốc cam kết chi 15 tỷ USD cho các thỏa thuận thương mại và đầu tư, Manila tới giờ mới chỉ nhận được 693 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong trong giai đoạn 2017-2018. Một nguồn tin của SCMP khẳng định những lời hứa cho vay của Trung Quốc mới chỉ là những lời hứa hão.
Bộ Lao động Philippines mới đây cũng cam kết thắt chặt các quy định về thị thực lao động với các công dân Trung Quốc trong khi Cục Di dân Philippines tuyên bố ngừng cấp thị thực với một số khách du lịch Trung Quốc mà họ xác định là các đối tượng lao động bất hợp pháp.
Một nguồn tin am hiểu về quan hệ Philippines-Trung Quốc khẳng định mối quan hệ này hiện vẫn chưa nguội lạnh.
“Họ trở nên chín chắn hơn và lưu tâm tới sự cân băng giữa các vấn đề mang tính nguyên tắc và chủ nghĩa thực dụng”, nguồn tin này cho hay.
Dù vậy, nguồn tin trên khẳng định trong thời gian tới, Philippines sẽ tiếp tục trao các công hàm phản đối Trung Quốc và nêu ra các vấn đề mà họ cảm thấy bất bình trong các cuộc đàm phán song phương. Nhưng đồng thời Manila sẽ cố gắng kiểm soát không để những căng thẳng với Trung Quốc trở thành khủng hoảng hay ảnh hưởng tới toàn cuộc.
Ít nhất cho tới thời điểm hiện tại, Phủ Tổng thống Philippines vẫn phát đi một tín hiệu rõ ràng rằng tuần trăng mật vẫn chưa kết thúc nhưng Manila hy vọng Bắc Kinh sẽ giữ những lời hứa “ngọt như mật” từng cam kết với Manila.
Song Hy/VTC News