+
Aa
-
like
comment

“Kỳ tích sông Lam” và tấm lòng của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

An Diễm - 22/12/2021 11:56

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Nghệ An và kêu gọi phấn đấu làm nên “kỳ tích sông Lam”, một khái niệm mà ông từng nhắc đến vài lần khi còn ở cương vị Thủ tướng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An.

Ở Việt Nam chúng ta thường nghe cụm từ “Kỳ tích sông Hán” đề cập đến sự phát triển thần kỳ của đất nước Hàn Quốc chỉ sau vài thập kỷ. Từ một đất nước bị tàn phá, kiệt quệ, bị xem là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, Hàn Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế, một trong bốn “con rồng” châu Á đầu thập niên 1990. Bản thân cụm từ “Kỳ tích sông Hán” lại bắt nguồn từ cụm từ “Kỳ tích sông Rhine” chỉ việc Tây Đức cũng từng phục hồi nhanh chóng sau Thế chiến II. Đây là những bối cảnh phát triển khá tương đồng với Việt Nam, một đất nước cũng vươn lên từ chiến tranh, với nhiều thành phố bao quanh những con sông lớn.

Nghệ An là quê hương của Bác Hồ và cũng là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước. Trong lịch sử, Nghệ An đã từng là đất tiến của người Việt trong quá trình mở nước, là tiền đồn, lại có lúc là hậu phương, là căn cứ cho nhiều cuộc chiến tranh giữ nước. Địa phương cũng là cái nôi sinh ra nhiều anh hùng dân tộc cùng những nhà khoa bảng hiền tài trong thời đại phong kiến và tiếp tục được phát huy cho đến ngày nay. Người Nghệ An từ lâu đã có “Khát vọng sông Lam”, như một thành tố chung trong khát vọng dân tộc của Việt Nam. Với truyền thống lịch sử như vậy, dễ hiểu tại sao Nghệ An luôn nhận được rất nhiều kỳ vọng của Đảng và Nhà nước.

Ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Đây là sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị, nhằm tạo điều kiện cho Nghệ An có cơ hội, động lực phát triển tương xứng với tiềm năng.

Trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư lần thứ 10 – Xuân Mậu Tuất năm 2018, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi ấy còn trên cương vị Thủ tướng đã nhấn mạnh, Nghệ An cần khai thác tối đa lợi thế, phát huy tính năng động, chủ động hơn nữa trong liên kết, hợp tác với các địa phương, Nghệ An sẽ biến “Khát vọng sông Lam” thành “Kỳ tích sông Lam”.

Câu nói này cũng được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu trong buổi Lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Nghệ An. Và mới đây nhất, trong buổi làm việc trước thềm lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu mong muốn Nghệ An cần tận dụng lợi thế riêng để tạo nên “Kỳ tích sông Lam”. Chủ tịch nước cũng đồng thời đề nghị lãnh đạo tỉnh phải có khát vọng, có sức sống mới với đề xuất các cơ chế vượt trội có thể giúp Nghệ An thực hiện kỳ tích này.

Có thể nói khái niệm “kỳ tích sông Lam” sinh ra từ khát vọng của người Nghệ An, và ý chí của các lãnh đạo đất nước kỳ vọng vào một tương lai phát triển cho quê hương Bác Hồ. Khái niệm này có ý nghĩa sâu sắc xuyên suốt nhiều thời kỳ và cũng dễ hiểu, dễ nhớ, trở thành động lực cho quân và dân toàn tỉnh.

Nhờ những lời nhắc nhở và chỉ đạo kịp thời mà sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 26, kinh tế Nghệ An đã phát triển nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Từ 2015 – 2020 kinh tế tăng trưởng bình quân 7,2%/năm. GDP bình quân đầu người đạt 44,1 triệu đồng/năm, tăng 1,5 lần so với đầu nhiệm kỳ. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt trên 4,65%. Thu ngân sách bình quân đạt 14.500 tỷ đồng/năm, gấp 1,7 lần so với nhiệm kỳ trước, vượt dự toán được giao. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 1,2 tỷ USD. Đặc biệt, Nghệ An là một trong những điểm sáng về xây dựng nông thôn mới của cả nước với 282 xã, 6 đơn vị cấp huyện đạt trên chuẩn nông thôn mới. Thu hút đầu tư ngày cảng trở nên sôi động với nhiều dự án lớn hàng trăm triệu USD. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị trí 18, đứng thứ 3 trong khu vực vùng duyên hải miền Trung và đứng đầu vùng Bắc Trung Bộ.

Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ. Đến năm 2020, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 73,34%; xã phường đạt bộ tiêu chí về y tế với 34,9 giường bệnh và 8,5 bác sĩ trên 1 vạn dân đạt 92,4%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%, các chế độ chính sách, an sinh xã hội, giải quyết việc làm tiếp tục thực hiện hiệu quả.

Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại được triển khai bài bản, sâu rộng, có kết quả tốt. Cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo… Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng. Bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên.

Và đối với những ai thắc mắc vì sao Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cứ nhắc đi nhắc lại cụm từ này, có lẽ họ nên về hỏi người Nghệ An, những người luôn mang khát vọng làm nên điều thần kỳ ở mảnh đất 2 bên bờ sông Lam.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều