+
Aa
-
like
comment

Kỳ tích ngoạn mục về xuất khẩu của Việt Nam

Bảo Trâm - 05/07/2023 19:15

Từ vị trí 90 trên bảng xếp hạng toàn cầu, Việt Nam đã có bước nhảy vọt đáng kinh ngạc. Thành tích xuất khẩu tuyệt vời của Việt Nam đã nhận được nhiều lời khen ngợi.

Việt Nam đã có bước bật vọt trong bảng xếp hạng toàn cầu về thành tích xuất khẩu.

Màn nhảy vọt kỳ tích

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) và nền tảng nghiên cứu đầu tư Macrotrends, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 1988 đạt 1 tỷ USD, chỉ xếp thứ 6/10 trong khối ASEAN và đứng thứ 90/126 trên thế giới.

Thế nhưng, theo số liệu thống kê của OEC, 33 năm sau (năm 2021), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên 341,58 tỷ USD, xếp thứ 18 trên thế giới – bật vọt 72 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Ngoài ra, kết quả này tiếp tục đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu đang phải hứng chịu những tác động nặng nề, chưa từng có của đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, Insider Monkey xếp Việt Nam ở vị trí thứ 7 trong top 20 quốc gia xuất khẩu trên thế giới do tờ này bình chọn, dựa theo kết quả của năm 2021. Theo Insider Monkey, tỷ lệ xuất khẩu trên GDP của Việt Nam là 93,29%. Việt Nam là nền kinh tế đứng thứ 39 trên thế giới về GDP và thứ 18 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong năm 2021, Việt Nam là nhà sản xuất dừa và hạt điều lớn nhất thế giới (3,37 tỷ USD), xi măng (1,91 tỷ USD), quế (270 triệu USD). Việt Nam cũng là nhà xuất khẩu hàng đầu về điện thoại (25,3 tỷ USD), linh kiện máy văn phòng (11,7 tỷ USD), mạch tích hợp (18,2 tỷ USD), thiết bị phát thanh truyền hình (51,5 tỷ USD), dệt may và giày dép (9,79 tỷ USD).

Bước sang năm 2022, theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 371,85 tỷ USD, xếp thứ 2 trong khối ASEAN-6, trên Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2022 cao hơn cả Thái Lan (287,07 tỷ USD) và Philippines (78,84 tỷ USD) cộng lại.

Hình mẫu lý tưởng

Ấn phẩm Policy Insights của Viện nghiên cứu chính sách Bangladesh đã dành nhiều lời khen ngợi cho thành tích xuất khẩu tuyệt vời của Việt Nam. Theo tờ này, Việt Nam đã mang tới rất nhiều bài học bổ ích cho Bangladesh – quốc gia vốn được xem là “kỳ phùng địch thủ” của Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may.

Kể từ những ngày đầu thực hiện chính sách Đổi Mới giai đoạn 1986-1990, Việt Nam đã kiên định thực hiện chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, giữ quan điểm không lưỡng lự, không có “nếu”, có “nhưng”.

Một khi chiến lược đã được định hình, chính phủ Việt Nam sẽ điều chỉnh các chính sách, thể chế phù hợp để theo đuổi mục tiêu một cách dần dần.

Việt Nam nhận thấy rằng việc theo đuổi thành công chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu chỉ có thể cùng tồn tại với một chính sách thương mại mà trong đó các hạn chế được nới lỏng.

Do vậy, hầu hết các hạn chế xuất khẩu đã được Việt Nam dỡ bỏ, thuế nhập khẩu được cắt giảm đáng kể khi Việt Nam gia nhập Tổ chức kinh tế thế giới (WTO) vào năm 2007 và sau đó tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Cũng theo Policy Insights, Việt Nam đã áp dụng chính sách đối ngoại cởi mở, hoan nghênh đầu tư nước ngoài vào tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế (gồm nông nghiệp, sản xuất, xây dựng và dịch vụ).

Sau tất cả những bước đi trên, Việt Nam tiếp tục từng bước hội nhập nhanh vào tiến trình sản xuất kinh tế thế giới bằng cách tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVC).

Việt Nam tham gia GVC vào cuối những năm 2000 nhưng đã có chiến lược vẹn toàn, nhắm vào thị trường điện tử tiềm năng (ước tính đạt giá trị xuất khẩu toàn cầu 2,5 nghìn tỷ USD năm 2019). Nhờ vậy giờ đây, Việt Nam đang là nhà sản xuất và xuất khẩu điện tử hàng đầu thế giới.

Chế biến tôm xuất khẩu.

Cùng với việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, việc Việt Nam tích cực theo đuổi các FTA là một yếu tố cốt lõi để phát triển kinh tế.

Việt Nam hiểu rằng chiến lược phát triển xuất khẩu không thể thành công hoàn toàn nếu không mở cửa nhiều hơn và có cách tiếp cận tốt hơn đối với các thị trường xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Việc loại bỏ hầu hết các rào cản thương mại đối với thị trường sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, khuyến khích mạnh mẽ các công ty đa quốc gia đầu tư và thiết lập trung tâm sản xuất tại Việt Nam.

Trong khi đó, FTA giúp đảm bảo rằng Việt Nam có thể trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thị trường mà không mất chi phí giao dịch cao.

Kinh nghiệm của Việt Nam đã cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì hoạt động xuất khẩu bằng cách giữ tỷ giá hối đoái linh hoạt, tránh tăng giá mạnh trong điều kiện thực tế. Về tổng thể, Policy Insights đánh giá, Việt Nam đã thành công trong việc giữ tỷ giá hối đoái ở mức hỗ trợ cạnh tranh xuất khẩu. Một điều quan trọng nữa là Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của hậu cần thương mại. Do đó, Việt Nam chú trọng đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng (mạng lưới giao thông, mạng lưới điện…), giản lược thủ tục hải quan.

Cuối cùng, việc Việt Nam đầu tư mạnh vào công nghệ và nhân lực là một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Ngay cả trước khi bắt đầu công cuộc Đổi Mới, Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của giáo dục. Quốc gia Đông Nam Á đã chi 12% GDP cho việc phát triển con người, trong khi Bangladesh chỉ dành 3,4% GDP vào việc này.

Tiến bộ trên mặt trận nguồn nhân lực đã giúp Việt Nam nhanh chóng đào tạo và triển khai được nguồn lao động chất lượng đáp ứng nhu cầu của các công ty đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam.

Nhìn chung, theo Policy Insights, Việt Nam đã cho thấy một mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu rất hiệu quả. Việt Nam đã làm nổi bật mối quan hệ chặt chẽ giữa FDI-FTA-GVC để đạt tới mức tăng trưởng nhanh và bền vững.

“Chắc chắn đây là những bài học chính sách quý báu dành cho Bangladesh”, trang Policy Insights kết luận.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều