“Kỷ luật tập thể” đó có phải là lợi ích nhóm đang tồn tại?
Những cán bộ mà bản chất tốt thì không gì có thể lay động được họ. Chỉ những kẻ lương tâm vẩn đục mới tranh thủ mọi cơ hội để vụ lợi.
Sai phạm trong quản lý đất rừng tại huyện Sóc Sơn hàng loạt lãnh đạo, cán bộ bị kỷ luật
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội và huyện Sóc Sơn đã quyết định kỷ luật hàng loạt lãnh đạo, cán bộ liên quan những vi phạm trong quản lý, sử dụng đất rừng tại huyện Sóc Sơn.
Tháng 3-2019, Thanh tra thành phố Hà Nội chỉ rõ trong số 659 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp nêu từ năm 2008 không được xử lý mà tiếp tục để phát sinh các vi phạm mới.
Theo Thanh tra thành phố Hà Nội, đến năm 2017 huyện Sóc Sơn xác định 555 công trình vi phạm, đến thời điểm thanh tra vẫn còn 485/555 công trình chưa xử lý. Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy việc xác định công trình vi phạm của UBND huyện Sóc Sơn năm 2017 không chính xác, thực tế số lượng công trình vi phạm lớn hơn rất nhiều.
“Chỉ riêng hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm” – kết luận của Thanh tra thành phố Hà Nội nêu.
Với hàng loạt vi phạm về quản lý, sử dụng đất rừng, cá biệt là tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng, các công trình xây trên đất rừng, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể Ban thường vụ Huyện ủy 3 nhiệm kỳ (2005-2010; 2010-2015; 2015-2020) và các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trách nhiệm liên quan trong 3 nhiệm kỳ trên.
Nguồn tin này cũng cho biết sau quá trình kiểm điểm ở cấp huyện, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có kết luận: Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn qua 3 nhiệm kỳ (từ năm 2006 đến nay) cần nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc.
Sau kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã quyết định kỷ luật với hình thức cảnh cáo với các ông Vương Văn Bút – nguyên chủ tịch UBND huyện, Tạ Văn Đạo – nguyên phó chủ tịch UBND huyện.
Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội còn quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách với ông Đỗ Minh Tuấn, phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn. Ngoài kỷ luật về Đảng, ông Tuấn còn bị UBND thành phố Hà Nội thi hành kỷ luật với hình thức khiển trách.
Theo đó, huyện Sóc Sơn xác định có 80 lãnh đạo, cán bộ thuộc diện cần kiểm điểm, xem xét trách nhiệm. Trong số 80 lãnh đạo, cán bộ, có 39 lãnh đạo, cán bộ bị kỷ luật với các hình thức từ khiển trách đến buộc thôi việc.
Cụ thể, có 29 trường hợp gồm 11 trường hợp thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, 18 trường hợp công chức, lao động hợp đồng bị kỷ luật khiển trách; 6 trường hợp bị kỷ luật cảnh cáo; 2 trường hợp thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý bị kỷ luật cách chức; 2 trường hợp bị kỷ luật buộc thôi việc.
Ngoài ra, huyện Sóc Sơn cũng xác định có 19 trường hợp sau kiểm điểm nhưng chưa đến mức phải kỷ luật.
Huyện Sóc Sơn cũng báo cáo còn 22 trường hợp khác, trong đó có 7 trường hợp thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, 15 công chức, người lao động không kỷ luật vì hết thời hiệu với các lý do ốm, chữa bệnh.
“Kỷ luật tập thể” đó có phải là lợi ích nhóm đang tồn tại?
Việc tại một huyện của Hà Nội mà cán bộ, lãnh đạo lại bị kỷ luật tập thể đã cho thấy người dân không khó hiểu vì sao, trên cương vị công tác đó, những cán bộ này lại vi phạm kỷ luật như vậy. Nhất là khi chính những người công bộc này hiểu rất rõ các qui định của pháp luật và những nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng dành cho cán bộ chủ chốt.
Một khi từng cá nhân thừa quyền lực, giàu tiền bạc mà dư lòng tham câu kết với nhau hình thành “sâu bầy”- nhóm lợi ích để ăn cắp, bòn rút nguồn lực quốc gia, thì sự nguy hại tăng gấp bội phần!
Còn nhớ, trong một buổi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Ngày xưa cán bộ vui vẻ, sẵn sàng ra mặt trận, che đạn cho đồng chí mình thì người ta mới tin, phục, yêu. Còn giờ có gì anh chén trước, khó khăn anh đẩy cho người khác… Tôi nghèo thế này, anh thế kia thì nảy sinh ra mất niềm tin. Đây là một trong những nguyên nhân phải đẩy mạnh xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch và phải làm thường xuyên”.
Quan chức gắn với quyền lực, lại thêm đặc quyền đặc lợi, thì càng kích thích sự ham hố quyền lực, chạy chức chạy quyền, thật khó trở nên trong sạch dưới mắt người dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc, cán bộ, đảng viên phải là “công bộc của dân”, “ngoài lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác”. Lo trước cái lo của dân; vui sau cái vui của dân, đó mới là tư chất, đạo đức của người cán bộ.
“Nhốt quyền lực vào cái lồng pháp chế”, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chính là đề cao vai trò pháp quyền, pháp trị, thắt chặt kỷ luật, kỷ cương, chặt đứt cái vòi bạch tuộc quyền lực tha hoá quẫy đạp, để bất kỳ ai vượt ra ngoài khuôn khổ cái “lồng pháp chế” đều bị xử lý, trừng phạt.
Từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xây dựng một hệ thống “lồng pháp chế”, với hơn 20 chỉ thị, quy chế, quy định,… sát thực tiễn, đủ hiệu lực và phát huy hiệu quả khi hàng loạt cá nhân và nhóm lợi ích vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Đảng đều bị xem xét, xử lý, không trừ một ai, không có vùng cấm.
Khó có ai tin rằng đó là những sai phạm do vô ý, do hạn chế về trình độ, nhận thức. Còn vì lý do gì mà họ rủ nhau vi phạm nguyên tắc sinh hoạt đảng, bắt tay nhau cùng sai phạm pháp luật, dẫn đến những thiệt hại to lớn về tài sản cho nhà nước, danh dự của tổ chức đảng và cá nhân mình thì chỉ có họ mới biết.
Chỉ có điều người dân không biết là khi quyết định làm sai có lề có lối như vậy, những cán bộ chủ chốt này đã đặt uy tín của Đảng ở đâu, giữa những toan tính thiệt hơn của mình.
Đinh Lực