Kỳ lạ: Trung tâm y tế quận, một người khám… nhiều người ký
Nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng liền, phòng khám nội của Trung tâm y tế quận Hải Châu, TP Đà Nẵng (TTYT quận Hải Châu) luôn trong tình trạng chật kín người đến khám. Đáng nói, tỷ lệ nghịch với lượng bệnh nhân đến khám, chỉ có một bác sỹ làm việc “hết công suất”.
Câu hỏi đặt ra ở đây, một bác sỹ ngồi khám cho hàng trăm bệnh nhân trong một ngày có đúng theo quy định hay không, có đảm bảo chất lượng khám không, vì đơn vị này thiếu bác sỹ hay vì một lý do gì khác?.
Để tìm hiểu sâu về vụ việc, PV có mặt tại phòng khám từ sớm, thậm chí đăng ký khám ở vị trí gần sau cùng của một buổi khám khi số lượng bệnh nhân xấp xỉ tròn một trăm người.
Việc một bác sỹ khám hàng trăm bệnh nhân trong một ngày là quá tải nhưng sẽ không có chuyện gì nếu chỉ dừng lại ở đó. Điều đáng nói ở đây, mặc dù chỉ một bác sỹ này khám nhưng khi ký vào hồ sơ thanh toán tiền với đơn vị Bảo hiểm xã hội (BHXH) thì lại có nhiều bác sỹ khác ký vào dù thực tế họ không tham gia khám một bệnh nhân nào.
Cụ thể, bệnh nhân Trần.T.T (trú phường Phước Ninh, quận Hải Châu) được bác sỹ Đặng N. H. khám, bác sỹ H. ký vào sổ khám bệnh nhưng Bảng kê chi phí khám bệnh để nộp về BHXH lại được ký bởi một bác sỹ điều trị tại khoa tên Đoàn T. T.T. Quá trình PV tìm hiểu được biết trong ngày hôm đó nữ bác sỹ này đang được nghỉ vì ngày hôm trước trực.
Một ví dụ cụ thể hơn, tại bàn khám vào lúc 10h33’ bác sỹ T. khám cho bệnh nhân Phan T.L. và lúc 10h35’ cũng bác sỹ này khám cho bệnh nhân Nguyễn T.T.T. (trú quận Hải Châu). Nhưng bác sỹ T. chỉ ký vào sổ khám, đơn thuốc và ký vào thông tin chi phí khám chuyển về BHXH là bệnh nhân Phan T.L. còn bệnh nhân Nguyễn T.T.T. lại do bác sỹ O. ký. Và đương nhiên, bác sỹ O. là bác sỹ điều trị bệnh phòng không hề khám cho bệnh nhân này.
Hay vào ngày 23/5/2019 bác sỹ T. trực tiếp khám cho bệnh nhân Lê T.L, trong sổ khám. Bác sỹ T. ký tên nhưng thông tin lên bảng kê chi phí khám bệnh để nộp về BHXH lại là bác sỹ L…
Đây chỉ là một vài ví dụ điển hình mà PV nêu ra để chứng minh cho việc vì sao nói “một người khám… nhiều người ký” mà TTYT quận Hải Châu đã “áp dụng” trong một thời gian dài vừa qua.
Được biết, theo Thông tư 39/2018/TT-BTY của Bộ Y tế thì một bàn khám trong một ngày sẽ khám với số lượng 65 bệnh nhân. Và theo cách tính để thanh toán tiền khám của BHHX, 65 bệnh nhân sẽ được chi trả 100% chi phí.
Trong trường hợp này TTYT quận Hải Châu được BHXH thanh toán 33 ngàn đồng/một bệnh nhân (Bệnh viện hạng II). Tại mục 6, Điều 5 của Thông tư 39 nêu rõ: “… Đối với các bàn khám trên 65 lượt khám/1 ngày, cơ quan BHXH chỉ thanh toán 50% mức giá khám bệnh từ lượt 66 trở lên của bàn khám đó. Trong thời gian tối đa 1 quý, cơ sở y tế vẫn còn có bàn khám khám trên 65 lượt/ngày thì cơ quan BHXH không thanh toán tiền khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó”.
Việc TTYT quận Hải Châu đưa thông tin về cổng thông tin (phần mềm) để BHXH thanh toán chi phí khám luôn đạt ở con số 65 bệnh nhân/bàn khám/một ngày (100%) bằng cách cho các bác sỹ cho dù không tham gia khám ký khống vào cho thấy đơn vị này đã có chủ đích từ trước.
Thứ nhất, nếu bắt đầu từ bệnh nhân 66, vẫn để cho một bác sỹ ký khám thì TTYT quận Hải Châu chỉ được BHYT thanh toán 50% tức chỉ có 16.500 đồng. Thứ hai, nếu để tình trạng này kéo dài thì thậm chí TTYT sẽ không được nhận 16.500 đồng, đó chính là lý do TTYT quận Hải Châu chọn mức khởi điểm 65 bệnh/ bàn khám/ một ngày. Và nếu làm một phép tính đơn giản sẽ thấy TTYT quận Hải Châu đã thu số tiền “khủng” như thế nào trong suốt thời gian qua.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Bình- Phó Trưởng phòng Giám định BHYT- BHXH TP Đà Nẵng cho biết: Trường hợp PV nêu bây giờ ông mới được nghe. Bởi vì, trên thực tế thông tin hiển thị trên hệ thống, TTYT quận Hải Châu không hề vượt quy định nên không thể phát hiện ra sai phạm. Trong trường hợp có sai phạm thì BHXH sẽ không thanh toán.
Trước câu hỏi PV đặt ra, để “qua mặt” cơ quan BHXH bằng cách “một người khám… nhiều người ký” của TTYT quận Hải Châu đúng hay sai? Ông Bình khẳng định, việc một người không khám nhưng ký vào hồ sơ là sai hoàn toàn. Nếu cố tình để người khác ký nhằm mục đích để nhận 100% số phí khám là có dấu hiệu trục lợi tiền bảo hiểm. Ông Bình cho biết, ông sẽ báo cáo lãnh đạo, xem xét xử lý. Trong trường hợp này chỉ cần hồi cứu thì sẽ chứng minh được.
Cũng câu hỏi này nhưng ông Nguyễn Ngọc Thanh- Trưởng Phòng quản lý hành nghề y tế- Sở Y tế Đà Nẵng lại khẳng định: “Hiện nay chưa có một văn bản nào quy định rõ về vấn đề này. Tôi không thể nói đúng hay sai”(!).
Thiết nghĩ, một bác sỹ không hề khám nhưng ký tên vào bảng kê chi phí khám bệnh (thay bác sỹ khám thực tế) để gửi về BHXH mà ông Thanh không biết là đúng hay sai vì chưa có văn bản nào hướng dẫn thì cách trả lời này thật khó chấp nhận.
Số tiền thu được này, TTYT quận Hải Châu có chi cho chính bác sỹ đã ngồi khám hàng trăm bệnh nhân/một ngày hay không? Các bác sỹ ký tên khống có hưởng lợi gì trong số tiền đó hay không? Số tiền này được sử dụng vào mục đích gì? Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra làm rõ.
(Theo Công An Nhân Dân)