+
Aa
-
like
comment

Kỳ án Hồ Duy Hải: Hai tình nghi ‘biến mất’ trong hồ sơ vụ án

04/12/2019 11:52

Sau khi Hồ Duy Hải bị tuyên án tử, mẹ của bị án này là bà Nguyễn Thị Loan cùng luật sư bào chữa cho Hải nhiều lần làm đơn tố giác Nguyễn Văn Nghị có dấu hiệu liên quan đến cái chết của 2 nạn nhân,

Trụ sở dân phòng ấp 5, xã Nhị Thành liền kề Bưu điện Cầu Voi. Từ khi xảy ra vụ án đến nay bưu điện này đã đóng cửa (ảnh chụp ngày 3.12.2019) /// Ảnh: Khôi Nguyên
Trụ sở dân phòng ấp 5, xã Nhị Thành liền kề Bưu điện Cầu Voi. Từ khi xảy ra vụ án đến nay bưu điện này đã đóng cửa (ảnh chụp ngày 3.12.2019)

Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện KSND tối cao đề cập, ngoài các dấu vân tay tại hiện trường chưa xác định được thì còn có đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol không được điều tra làm rõ. Vậy Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol là ai, liên quan và được đề cập như thế nào trong vụ án? Sau khi Hồ Duy Hải bị tuyên án tử, mẹ của bị án này là bà Nguyễn Thị Loan cùng luật sư bào chữa cho Hải nhiều lần làm đơn tố giác Nguyễn Văn Nghị có dấu hiệu liên quan đến cái chết của 2 nạn nhân, nhưng nội dung tố giác đều không được giải quyết.

Luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải cho biết thêm, trong hồ sơ vụ án mà luật sư tiếp cận được, không hề có bản khai nào của Nghị, Mi Sol trước thời điểm Hồ Duy Hải bị bắt; đồng thời cũng không thấy có việc giám định dấu vân tay của 2 nghi can này có trùng với vết máu có dấu vân tay thu giữ tại hiện trường hay không. Trong khi đó, theo thông tin ban đầu mà cơ quan điều tra (CQĐT) tiết lộ với báo chí sau khi xảy ra vụ án thì hai người này là nghi can số 1 vì là bạn của nạn nhân N.T.A.H.

Từng triệu tập nhưng hồ sơ không có lời khai

Thông tin ban đầu khi vụ án được phát hiện, thì CQĐT tổng hợp tài liệu và một số lời khai nhân chứng, bước đầu nhận định có khả năng kẻ giết cùng lúc 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi tối 13.1.2008 chỉ là một và không loại trừ người quen hay người yêu của nạn nhân N.T.A.H hoặc N.T.T.V. Vì vậy, cả Nguyễn Văn Nghị hoặc Nguyễn Mi Sol đã được CQĐT triệu tập lấy lời khai ngay sau khi vụ án mạng xảy ra.

Cụ thể, ngay trong chiều 14.1, Công an tỉnh Long An phối hợp với Công an tỉnh Tiền Giang triệu tập khẩn cấp một nghi can tên Nguyễn Văn Nghị (28 tuổi, cư trú H.Cai Lậy) tới CQĐT để làm rõ mối quan hệ với nạn nhân N.T.A.H. Theo lời kể một số nhân chứng tại khu vực Bưu điện Cầu Voi, đêm 13.1 họ thấy Nghị có mặt tại bưu điện, nhưng sau đó rời đi lúc nào không ai rõ.

Tuy nhiên, vài ngày sau, Nghị được cho về. CQĐT cho rằng, Nghị có tình tiết ngoại phạm khi đưa ra nhân chứng xác định vào thời gian từ 20 giờ 10 ngày 13.1 cùng bạn uống nước tại một quán cà phê tại TT.Cầu Voi. Chủ quán cà phê cũng xác nhận điều này vì tối đó có một sự việc rất đặc biệt, lúc uống cà phê thì giữa Nghị và một thanh niên khác xảy ra tranh cãi về việc “nhìn đểu” khiến chủ quán phải đến can ngăn. Cáo trạng xác định vụ án xảy ra khoảng 20 giờ 30 và Nghị muốn giết người thì phải có mặt trước đó tại hiện trường.

Luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải cho biết thêm hai cái tên Nghị và Sol chỉ “tình cờ” lọt vào biên bản lấy lời khai ngày 14.3.2008 của anh C.H.T.A (bạn của nạn nhân N.T.T.V). Theo đó, khi được hỏi về bạn bè của 2 nạn nhân, anh T.A trình bày: “Đối với V. chỉ có tôi, ngoài ra tôi không biết. Đối với H., tôi biết có Sol, Nghị”. Cũng trong hồ sơ, nhân chứng L.T.T.H (bạn của hai nạn nhân) trình bày, Sol thường ghé thăm H. vào buổi tối và đều ngủ lại. Khi Sol ở lại thì Sol và H. ngủ trên lầu 1.

Đối với Nguyễn Mi Sol, nghi can này trong hồ sơ vụ án đóng vai trò là nhân chứng, được CQĐT cho nhận dạng qua ảnh một số tài sản đeo trên người của N.T.A.H. Biên bản nhận dạng được lập sau khi bắt và tạm giam Hồ Duy Hải.

Nghị, Sol đi khỏi nơi tạm trú khoảng 10 năm nay

Ngày 3.12, trao đổi với PV, một cán bộ Công an xã Nhị Thành (đã nghỉ công tác), H.Thủ Thừa, tỉnh Long An cho biết, Bưu điện Cầu Voi trực thuộc Bưu điện H.Thủ Thừa (Long An) quản lý, được xây dựng ven QL1, đoạn Km 1942 +100, thuộc địa phận ấp 5, xã Nhị Thành, H.Thủ Thừa. Bưu điện liền kề trụ sở dân phòng ấp 5 và cách một tiệm vàng 50 m về hướng TP.HCM. Thời điểm năm 2007, thợ học nghề và làm gia công cho tiệm vàng rất đông. Ngoài dân địa phương còn có bà con họ hàng của chủ tiệm quê ở xã Tích Thiện, H.Trà Ôn (Vĩnh Long) theo con đường thợ bạc. Trong số này có Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol tạm trú dài hạn để làm nghề ở tiệm vàng nói trên. Tan tầm chiều, nhóm thanh niên thường sang Bưu điện Cầu Voi để nói chuyện với nạn nhân N.T.A.H và N.T.T.V (chị em họ). Sau khi phát hiện án mạng ngày 13.1.2008, Cảnh sát hình sự Long An có mời Nghị, Sol đến Công an tỉnh Long An làm việc, nhưng sau đó có lẽ đưa ra chứng cứ ngoại phạm nên cho về bình thường. Hai thanh niên tiếp tục làm gia công cho tiệm vàng thêm một thời gian rồi trở về quê sinh sống cho tới nay khoảng 10 năm.

Cũng theo cán bộ nêu trên, một số vật dụng trong Bưu điện Cầu Voi sau khi khám nghiệm xong điều tra bàn giao cho Công an H.Thủ Thừa và ngày hôm sau một cán bộ đã kêu dân phòng gom lại đem ra bờ kênh phía sau cách đó 50 m để đốt, không ngờ trong đó còn có cả con dao, tấm thớt, vải dính đầy máu… Hiện người kêu dân phòng đem đồ đi đốt đã lên cấp hàm trung tá, vẫn đang công tác tại Công an H.Thủ Thừa.

Không xác định được thời điểm chết của nạn nhân

Theo kháng nghị giám đốc thẩm của Viện KSND tối cao, một trong những vi phạm nghiêm trọng của cơ quan tiến hành tụng dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án, đó chính là không giám định thời điểm chết của nạn nhân, dù tại bản giám định pháp y số 21 ngày 17.1.2008 của Phòng giám định pháp y Bệnh viện đa khoa Long An, phần khám nghiệm tử thi ghi nhận: “Bụng: …Dạ dày có chứa thức ăn đã nhuyễn, lượng ít…”.

Đồng thời, Viện KSND tối cao cũng chỉ ra những mâu thuẫn của cơ quan tiến hành tố tụng khi xác định Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường vụ án vào lúc 19 giờ 39 phút 22 giây, để từ đó phân tích Hải đã giết chị N.T.A.H từ khoảng 20 giờ 30 phút.

Liên quan đến việc xác định thời điểm hung thủ gây án, luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải cho biết biên bản khám nghiệm hiện trường lại chỉ ghi ngắn gọn là “cửa lên lầu 1 bị khóa”, điện bị cúp. Trong khi đó, quá trình tìm hiểu vụ án, ông có gặp và trao đổi với một nhân chứng tên N.V.T (làm nghề chạy xe ôm) và ông này khẳng định lúc khoảng 21 giờ 30 – 22 giờ đêm 13.1.2008, ông có chở khách đi ngang qua Bưu điện Cầu Voi thì thấy trên lầu 1 bưu điện còn sáng đèn; cổng, cửa phía trước bưu điện đều đã đóng. Điều này cho thấy cần xác định lại thời điểm hung thủ gây án.

Phan Thương/TNO

Bài mới
Đọc nhiều