+
Aa
-
like
comment

KQVN lại có thêm một quyết định quan trọng sau hợp đồng 350 triệu USD

22/03/2021 14:48

Hợp đồng mua máy bay mới của Không quân Việt Nam khiến các chuyên gia quốc tế khá bất ngờ, vì vào tháng 01/2019, CNQP Nga đã loan tin Việt Nam kí thỏa thuận trị giá 350 triệu USD.

Liên tiếp tin vui: Vì sao sau hợp đồng 350 triệu USD, KQVN lại có thêm một quyết định quan trọng?

Ngay đầu năm 2021, nhà sản xuất máy bay Aero Vodochody (Cộng hòa Czech) đã thông tin với báo chí về một đơn hàng 12 máy bay huấn luyện L-39NG cho Việt Nam.

Theo đó, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã kí kết với Omnipol – doanh nghiệp chuyên trách việc giao dịch các trang thiết bị quốc phòng, có trụ sở tại Thủ đô Prague, Czech – về việc mua 12 máy bay huấn luyện L-39NG Albatros do Aero Vodochody sản xuất.

Các máy bay sẽ được chuyển giao cho Việt Nam trong giai đoạn 2023-2024. Hợp đồng không chỉ bao gồm việc mua sắm máy bay, mà còn bao gồm gói huấn luyện phi công, đào tạo giảng viên, phổ cập chuyên môn cho thợ kỹ thuật và kíp hỗ trợ dưới mặt đất.

Hợp đồng cũng bao gồm việc cung cấp phụ tùng máy bay, cùng các trang thiết bị phục vụ cho công tác huấn luyện trên mặt đất, hỗ trợ hậu cần, và các hệ thống trang bị sân bay chuyên dụng dành cho L-39NG.

Điều này làm cho chuyên gia quân sự quốc tế khá bất ngờ, vì vào tháng 01/2019, giới công nghiệp quốc phòng Nga đã loan tin Việt Nam kí hợp đồng mua 12 máy bay huấn luyện Yak-130, trị giá 350 triệu USD.

Vậy tại sao Việt Nam lại đồng thời mua hai dòng máy bay huấn luyện từ Liên bang Nga và Cộng hòa Czech?

Giải “bài toán” đổi mới đào tạo phi công quân sự

Việc mua sắm vũ khí, khí tài phải phục vụ mục đích huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của quân đội ta và việc mua sắm cùng lúc hai loại máy bay huấn luyện L-39NG và Yak-130 là quyết định khiến giới chuyên gia quốc tế ngạc nhiên, nhưng nếu hiểu về quá trình đào tạo phi công chiến đấu của Việt Nam thì ta lại thấy quyết định đó hoàn toàn hợp lý.

Không quân nhân dân Việt Nam chủ yếu sử dụng máy bay từ Liên Xô/Nga, nên mô hình đào tạo phi công quân sự của nước ta cũng tương tự như nước bạn, chỉ có khác biệt về qui mô.

Ở Nga có các nhà trường riêng đào tạo phi công quân sự theo chuyên ngành, ví dụ:

– Học viện Hàng không quân sự Krasnodar chuyên đào tạo phi công phản lực chiến đấu;

– Học viện Hàng không quân sự Syzran chuyên đào tạo phi công trực thăng;

– Học viện Kỹ thuật hàng không quân sự Zhukovsky – Gagarin chuyên đào tạo về kỹ thuật không quân;

– Trung tâm huấn luyện 705 ở Balashov chuyên đào tạo không quân vận tải tầm xa;

– Học viện Dẫn đường Hàng không quân sự Chelyabinsk chuyên đào tạo sĩ quan dẫn đường v.v…

Trong mỗi nhà trường, ngoài các khoa chuyên môn, các phòng chức năng, còn có một bộ phận quan trọng là các trung đoàn bay huấn luyện.

Chẳng hạn, Trường trực thăng Syzran có ba trung đoàn 131, 484, và 626, chuyên bay các loại trực thăng Mi-2, Mi-8, Mi-24 để huấn luyện phi công trực thăng; trường phản lực Krasnodar cũng có ba trung đoàn 627, 704, và 797, chuyên bay các loại L-39, Yak-130, Su-25, Su-27, và MiG-29, để huấn luyện phi công phản lực chiến đấu.

Liên tiếp tin vui: Vì sao sau hợp đồng 350 triệu USD, KQVN lại có thêm một quyết định quan trọng? - Ảnh 2.
Máy bay huấn luyện phản lực Yak-130 và tiêm kích Su-35 của Không quân Nga.

Mô hình của Việt Nam cũng tương tự như vậy, nhưng vì qui mô không quân nước ta không lớn, nên chỉ có duy nhất Trường Sĩ quan không quân làm nhiệm vụ đào tạo phi công quân sự, sĩ quan dù – tìm kiếm cứu nạn đường không trình độ đại học, nhân viên chuyên môn kỹ thuật không quân các cấp.

Trong tổ chức của nhà trường cũng có ba trung đoàn bay huấn luyện:

– Trung đoàn 915 huấn luyện bay phi công trực thăng;

– Trung đoàn 920 hiện trang bị loại máy bay huấn luyện cánh quạt Yak-52, làm nhiệm vụ huấn luyện bay sơ cấp;

– Trung đoàn 910 hiện trang bị loại máy bay huấn luyện phản lực L-39, làm nhiệm vụ huấn luyện bay cao cấp. Đây cũng là trung đoàn được lấy làm bối cảnh cho bộ phim “Yêu hơn cả bầu trời” ra mắt khán giả Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua.

Khi bước vào thực hành bay, học viên phi công chiến đấu Việt Nam sẽ bắt đầu làm quen với máy bay Yak-52, sau đó chuyển sang máy bay phản lực L-39.

Sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan không quân Nha Trang, họ phải đến các trung đoàn bay chiến đấu để được huấn luyện bay trên các máy bay phản lực chiến đấu thật sự như Su-22, Su-27, Su-30.

Thực ra trước đây Việt Nam cũng đã từng áp dụng mô hình tiêu chuẩn của Liên Xô: Trong biên chế Trường Sĩ quan không quân có cả các trung đoàn bay loại máy bay phản lực huấn luyện MiG-21U. Học viên phi công tốt nghiệp có thể nhanh chóng làm chủ các loại MiG-21 và Su-22 tại các trung đoàn chiến đấu khi đó.

Tuy nhiên, đó là quá khứ khi Không quân Việt Nam còn nhận được sự viện trợ rất lớn từ Liên Xô cũ, còn hiện nay, các loại máy bay chiến đấu thế hệ mới như Su-27 và Su-30 khá ít ỏi, và phải tập trung làm nhiệm vụ chiến đấu. Khó có thể biên chế riêng một trung đoàn bay Su-27 cho Trường Sĩ quan không quân để làm nhiệm vụ huấn luyện phi công.

Công tác đào tạo phi công quân sự ở Việt Nam đã đứng trước bài toán khó: Trong khi các trung đoàn bay chiến đấu đã có nhiều tiêm kích hiện đại thế hệ 4 và 4+, thì máy bay huấn luyện của nhà trường vẫn là máy bay thế hệ 2, cũ, không tương tích về tính năng kĩ chiến thuật với dòng Su-27 và Su-30.

Các máy bay huấn luyện phản lực L-39 của Không quân Việt Nam hầu hết đã trải qua hơn 30 năm, dù đã được đại tu, tăng hạn nhưng số giờ bay dự trữ còn không nhiều nên nhu cầu mua máy bay mới là tất yếu.

Vào năm 2017, Quân chủng Phòng không – Không quân đã tổ chức hội thảo khoa học cấp Quân chủng “Đổi mới chương trình, quy trình đào tạo phi công quân sự”.

Đại tá Nguyễn Tiến Học khi đó là Trưởng Phòng Đào tạo (Trường Sĩ quan Không quân) chia sẻ trên Báo QĐND cho biết, hội thảo này đã rút ra nhiều kết luận khoa học quí giá, làm tiền đề cho đổi mới đào tạo phi công quân sự tại Việt Nam.

Cụ thể, chương trình đào tạo phi công chiến đấu dự kiến được nâng từ 4 lên 5 năm. Mục tiêu đặt ra là học viên phi công tốt nghiệp Trường Sĩ quan không quân phải làm chủ được các máy bay chiến đấu phản lực trong biên chế, chứ không chỉ dừng lại ở L-39.

Trước mắt, các học viên phi công sau khi hoàn thành bay trên L-39 sẽ được nhà trường gửi đi huấn luyện trên máy bay Su-22M4 tại Sư đoàn Không quân 370.

Nhưng về lâu dài, trong biên chế Trường Sĩ quan không quân Nha Trang sẽ rất cần có một trung đoàn máy bay huấn luyện cao cấp, có tính năng tiệm cận với máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30.

Liên tiếp tin vui: Vì sao sau hợp đồng 350 triệu USD, KQVN lại có thêm một quyết định quan trọng? - Ảnh 4.
Đại tá Nguyễn Tiến Học – học viên phi công chiến đấu phản lực không phải tốt nghiệp trên máy bay L-39 mà phải tốt nghiệp trên loại máy bay mới hơn.

Đến đây, có thể phần nào dự đoán được ý đồ sử dụng lực lượng của Việt Nam khi mua sắm cả hai loại máy bay huấn luyện Yak-130 và L-39NG:

Máy bay huấn luyện phản lực L-39NG (Next Generation) sẽ dần dần thay thế đội bay L-39C và L-39Z đã gần hết niên hạn trong biên chế Trung đoàn không quân 910, Trường Sĩ quan không quân.

Ưu điểm của loại L-39NG là kế thừa được các tính năng được đánh giá rất cao của dòng L-39 trước đây, cũng như có chi phí vận hành và bảo dưỡng tương đối hợp lý.

Liên tiếp tin vui: Vì sao sau hợp đồng 350 triệu USD, KQVN lại có thêm một quyết định quan trọng? - Ảnh 5.
Máy bay huấn luyện L-39NG.

Đồng thời, việc huấn luyện chuyển loại cho phi công – giáo viên bay, nhân viên kĩ thuật và các thành phần khác từ L-39 cũ sang L-39NG cũng sẽ không mất nhiều thời gian bởi giữa 2 loại máy bay này có khá nhiều điểm tương đồng.

Trong khi đó, 12 chiếc Yak-130 có thể hình thành một phi đội mới trong Trung đoàn 910, thậm chí hình thành một trung đoàn bay mới hoàn toàn trong biên chế Trường Sĩ quan không quân, làm nhiệm vụ huấn luyện cho phi công làm quen với máy bay chiến đấu thế hệ 4, 4+, và cao hơn nữa mà Quân chủng Phòng không – Không quân đang sở hữu và sẽ mua sắm thêm trong tương lai.

Như vậy, sau khi hoàn thành huấn luyện bay sơ cấp trên Yak-52, học viên phi công sẽ được chuyển lên bay L-39NG đào tạo những kỹ năng cơ bản của phi công phản lực, rồi tiếp đó là Yak-130 đạo tạo phi công chiến đấu thực thụ.

Điểm vượt trội của Yak-130 là chúng có thể đảm nhiệm tới 80% khoa mục huấn luyện của phi công tiêm kích trên các máy bay chiến đấu phản lực siêu âm của Nga. Sau khi hoàn thành bay trên Yak-130, học viên phi công có thể dễ dàng tiếp cận chuyển loại các dòng tiêm kích phản lực hiện đại như Su-27 và Su-30MK2.

Qua đó, giúp tiết kiệm được chi phí, nâng cao độ an toàn, giảm giờ bay huấn luyện chuyển loại trên các loại Su-27 và Su-30MK2 vốn có không nhiều của Không quân Việt Nam để dành dự trữ giờ bay của những máy bay chiến đấu hiện đại này ưu tiên cho nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.

Không quân Việt Nam mua cả Yak-130 và L-39NG: Lựa chọn chính xác

Một điểm mạnh của các dòng máy bay huấn luyện thế hệ mới như L-39NG và Yak-130, đó là ngoài chức năng huấn luyện, chúng hoàn toàn có thể đảm nhiệm vai trò máy bay tiêm kích bom hạng nhẹ.

Theo catalogue giới thiệu của nhà sản xuất, Yak-130 có thể trang bị radar Osa hoặc radar Kopyo, cùng hệ thống IRST (tìm kiếm và theo dõi bằng tia hồng ngoại), và các thiết bị điện tử hàng không hiện đại, cho phép phát hiện và tiêu diệt cùng lúc nhiều mục tiêu hàng không hoặc mặt đất, mặt nước.

Radar Osa có khả năng theo dõi 8 mục tiêu cùng lúc, đồng thời tấn công 4 mục tiêu ở mọi góc độ trên không hoặc 2 mục tiêu dưới đất cùng lúc. Phạm vi phát hiện mục tiêu với diện tích bề mặt phản xạ (RCS) 5m² là 85 km ở bán cầu trước và 40km ở bán cầu sau.

Liên tiếp tin vui: Vì sao sau hợp đồng 350 triệu USD, KQVN lại có thêm một quyết định quan trọng? - Ảnh 7.
Máy bay huấn luyện phản lực kiêm tiêm kích bom hạng nhẹ Yak-130

Yak-130 có thể diệt mục tiêu bằng tên lửa không đối không R-73, tên lửa không đối đất Kh-25ML, bom dẫn đường thông minh KAB-500Kr, bom “ngu” từ 50kg đến 500kg, rocket không điều khiển và pháo hàng không.

Tải trọng vũ khí của Yak-130 lên đến 3.000kg, đảm bảo đầy đủ chức năng của một máy bay tiêm kích – bom hạng nhẹ hiện đại.

L-39NG cũng không hề kém cạnh, với hệ thống điện tử hàng không thế hệ mới, radar Grifo-F có tầm phát hiện mục tiêu 57km, có thể theo dõi đồng thời 8 mục tiêu và tấn công diệt 2 trong số đó cùng lúc.

L-39NG có tải trọng vũ khí lên đến 1.200kg, có thể trang bị tên lửa không đối không R-27, R-73, tên lửa không đối đất Kh-25, pháo hàng không 23mm, rocket hàng không và bom thông thường cỡ nhỏ.

Tầm bay của cả Yak-130 và L-39NG đều đạt trên 2.500km, đảm bảo cơ động chuyển sân ở hai đầu đất nước mà không cần nghỉ tiếp nhiên liệu.

Việc trang bị trung đoàn L-39NG và Yak-130 không chỉ phục vụ hoàn hảo công tác huấn luyện phi công mà còn giúp năng lực thực hiện nhiệm vụ của Trường Sĩ quan không quân tương đương một “sư đoàn không quân hỗn hợp” thứ tư, bên cạnh ba sư đoàn không quân chiến đấu 370, 371, và 372 trong biên chế Không quân nhân dân Việt Nam hiện nay.

Trong một số điều kiện nhất định, thì việc yểm trợ lục quân bằng L-39NG và Yak-130 là phương án tiết kiệm chi phí, để các loại máy bay chiến đấu hiện đại rảnh tay cho các nhiệm vụ khác.

Minh Duong

Bài mới
Đọc nhiều