+
Aa
-
like
comment

Chiến lược phát triển nguồn lực của Việt Nam

An Diễm - 11/11/2022 12:44

 Một đất nước muốn phát triển cần chú trọng vun đắp nền văn hóa đậm đà bản sắc, và tăng cường bồi đắp tri thức. Hai yếu tố này thường được đánh giá qua việc mỗi năm trung bình một người dân đọc bao nhiêu quyển sách, và về chủ đề gì.

70 năm Ngày truyền thống Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam

Ngành xuất bản, in và phát hành sách có vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày, khi đây là nguồn cung cấp các sản phẩm sách, truyện, mang đến món ăn tinh thần cho người dân. Đối với cộng đồng và xã hội, sách có vai trò trong việc lưu trữ, tích lũy và truyền bá tri thức, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, bồi đắp tâm hồn, xây dựng nhân cách, trí tuệ con người Việt Nam. Cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế, Việt Nam từ một quốc gia thiếu sách vào những năm 80-90 thế kỷ XX đến nay đã đã in và phát hành khoảng 450 triệu bản sách/năm, đưa mức bình quân đầu người/sách đạt 4,4-4,5 bản, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Thế nhưng liệu số lượng có đồng nghĩa với chất lượng? Một đất nước muốn phát triển cần chú trọng vun đắp nền văn hóa đậm đà bản sắc, và tăng cường bồi đắp tri thức. Hai yếu tố này thường được đánh giá qua việc mỗi năm trung bình một người dân đọc bao nhiêu quyển sách, và về chủ đề gì. Có thể thấy trong thời đại công nghệ, các hình thức tiếp cận tri thức, thông tin của độc giả chuyển dịch dần qua các kênh truyền thông kỹ thuật số, và “khẩu vị” đọc sách cũng trở nên khác biệt. Có nhiều loại sách hời hợt, thậm chí là chứa thông tin tiêu cực, gây tổn hại văn hóa lại dễ thu hút người đọc nhờ những kỹ năng tiếp thị bán hàng. Trong khi ngược lại có những cuốn sách rất ý nghĩa nhưng quá hàn lâm và kén người đọc hơn.

Tại Lễ kỷ niệm “70 năm ngày truyền thống ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam”, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng nhìn nhận thực tiễn này và cho rằng: “phải tập trung, nghiên cứu giải quyết thỏa đáng, hài hòa các mối quan hệ trong hoạt động xuất bản, như: giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; giữa định hướng tư tưởng với đáp ứng nhu cầu của độc giả; giữa xuất bản và văn hóa đọc”. Mỗi nhà xuất bản bên cạnh việc phải ngày càng nâng cao chất lượng bản thảo thì cũng “phải là “bộ lọc” để chọn được những tác phẩm có giá trị đích thực; dũng cảm từ chối những bản thảo tầm thường, vô bổ, lệch lạc về tư tưởng, không phù hợp với văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.

Một vấn đề khác là sự cạnh tranh giữa xuất bản truyền thống và xuất bản theo xu hướng hiện đại cũng được Thường trực Ban bí thư đề cập. Ngày nay khi mà người đọc có thói quen đọc mọi thứ trên mạng thì việc cầm theo những cuốn sách dày và nặng không còn là xu hướng chủ chốt. Không chỉ sách báo, mà ngay cả Chính phủ cũng đề ra mục tiêu chuyển đổi số trong quản trị và các lĩnh vực khác của đời sống, tức là bớt giấy in, sách in, thay dần bằng thao tác và tiếp cận thông tin trên mạng. Rõ ràng là ngành xuất bản không thể đứng ngoài xu hướng này nếu muốn theo kịp thời đại, và cần có những đổi mới về mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức, nâng cao hiệu quả quản trị.

Người ta thường nói “Một dân tộc đọc sách là một dân tộc có tương lai và hy vọng”. Nước ta hiện nay đặt mục tiêu chấn hưng văn hóa, chú trọng phát triển văn hóa đọc thì ngành xuất bản trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Kinh tế phát triển, nhu cầu của người dân tăng cao với những ngày hội sách mở ra khắp, kèm theo đó là kỳ vọng từ nhiều cấp quản lý, đây là thời cơ cho ngành xuất bản tiến về phía trước, nhưng cần có những sự đổi mới để nhanh chóng bắt kịp xu hướng của thời đại.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều