+
Aa
-
like
comment

Việt Nam đứng trên vai Covid-19

31/03/2020 17:06

Dịch Covid-19 kéo dài hai tháng nay kéo theo sự thiệt hại không nhỏ về kinh tế đối với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vậy kinh tế Việt Nam sẽ có sự trỗi dậy như thế nào sau đại dịch, trong bối cảnh thế giới và khu vực gặp khủng hoảng?

Tuy nhiên, được tăng cũng là mừng rồi, nên nhớ dù con số 3,82% có thấp nhưng lại vẫn là con số tăng trưởng lớn nhất mà một quốc gia Đông Nam Á trong quý I/2020 vừa rồi.

Người bi quan sẽ nhìn vào những con số mà lo lắng, chỉ trích hay sợ hãi, người lạc quan có thể nhìn vào những con số như vậy để tìm được lối ra. Người ta nói rằng: Trong cái “nguy” luôn tiềm ẩn cái “cơ”. Vậy thời cơ nào để tin rằng Việt Nam sẽ trỗi dậy mạnh hơn nữa trong phần còn lại của năm 2020?

Ta suy yếu nhưng anh em, bạn bè còn suy yếu hơn ta.

Có thể kể hai ví dụ rõ thấy nhất về việc có những quốc gia đã tận dụng cái “nguy” để tìm ra cái “cơ” như việc Hoa Kỳ đã giàu nhanh thế nào sau Chiến tranh thế giới thứ 2 hay như Trung Quốc tận dụng sự khủng hoảng của Nhật Bản, EU sau đại khủng hoảng 2008 để vươn lên trở thành nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới. Thực ra hai ví dụ này thì chưa thực sự đầy đủ vì để nói về sự trỗi dậy của Hoa Kỳ hay Trung Quốc, chúng ta sẽ cần một loạt bài hàng chục ngàn trang viết để nói kỹ, nhưng đại khái qua, để vươn lên trong bất cứ một cuộc chiến kinh tế nào, chúng ta cũng cần một sự “giảm tốc” của đối thủ và sự trỗi dậy của bản thân chúng ta.

Tại Philippines, nhà kinh tế học Holmes cho biết kinh tế Philippines sẽ “hầu như không thể tăng trưởng” vào năm 2020, thậm chí mức tăng trưởng mà quốc gia ở phía bên kia Biển Đông chỉ phục hồi trong quý IV và đạt tăng trưởng khoảng 0,7% và vì thế nền kinh tế có mức độ tăng trưởng đứng thứ 2 ASEAN sẽ “đứng im bất động” trong cả năm nay. Tại Singapore, tờ Bloomberg chỉ ra số liệu đau buồn về nền kinh tế của quốc gia phát triển nhất Đông Nam Á này, trong quý đầu tiên, tổng sản phẩm trong nước của Singapore đã giảm 10,6% so với 3 tháng trước đó và “vượt” qua con số mà Bloomberg đưa ra là giảm 8,2%.

Ngành du lịch Thái Lan chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19.

Thái Lan vốn là quốc gia “thành bại nhờ du lịch” với việc GDP của ngành “công nghiệp không khói” đóng góp khoảng 25 – 30% tổng GDP quốc gia thì việc thụt giảm về mức âm là điều hoàn toàn dễ xảy ra. Ngày 25/03 vừa rồi, Ngân hàng TW Thái Lan dự kiến nền kinh tế nước này sẽ bị sụt giảm 5,3%, con số sụt giảm cao nhất kể từ đại suy thoái 2008. Trước đó, nếu không có sự xuất hiện của Covid-19, đơn vị này dự báo kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 2,8%.

Còn tại Indonesia, quốc gia “ngàn tỷ” duy nhất tại Đông Nam Á đã giảm dự báo mức tăng trưởng xuống còn chỉ 1% so với mốc 5,9% cũ.

Quy mô nền kinh tế Việt Nam đang ở vị trí khoảng 3x (x tiểu học) trên thế giới. Và mới đây, EIU đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 với các quốc gia trong G20, trong báo cáo dự báo này, chỉ có 3 quốc gia có dự kiến có mức tăng trưởng dương là Trung Quốc (mức tăng dự báo là 1%), Ấn Độ (mức tăng dự báo là 2,1%), Indonesia (mức tăng dự báo là 1%), còn lại đều suy giảm.

Theo kịch bản mới nhất, nền kinh tế Việt Nam dự định sẽ tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2020, tuy con số đó không thể như kỳ vọng, nhưng trong tình trạng “nhà nhà giảm sốc” thì việc chỉ số ở mức dương 5% đã là rất đáng để ăn mừng. Thậm chí, mức tăng 5% trong khi mức tăng của các quốc gia cạnh tranh trực tiếp đều suy giảm và thậm chí xuống mức âm lại còn khiến chúng ta “thích thú” hay “vui mừng” hơn con số tăng trưởng dự báo cũ là 6,6 – 6,8% tùy theo dự báo của các đơn vị khác nhau. Theo Reuters, Việt Nam sẽ có thêm khoảng thặng dư 2,81 tỷ USD trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2020.

Muốn mạnh hơn đối thủ, hoặc là thực lực của bản thân phải mạnh hơn, hoặc là dựa vào việc đối thủ “yếu thế hơn”.

Vừa chiến đấu chống dịch, vừa tuyên truyền hình ảnh với thế giới

Việt Nam có mối quan hệ “sông liền sông, núi liền núi” với Trung Quốc, quốc gia đầu tiên và đã từng dẫn đầu thiệt hại về đại dịch Covid-19, bên cạnh đó, mối quan hệ với cả Hàn Quốc – từng là điểm đen dịch bệnh đứng thứ 2 toàn cầu, nhưng Việt Nam lại không chịu ảnh hưởng mạnh của dịch bệnh như các dự báo.

Thậm chí, Việt Nam lại là quốc gia đang là điểm sáng nhất trong khu vực về phòng chống Covid-19. Cả thế giới nhìn và học hỏi Đài Loan chống dịch, nhưng Đài Loan lại nhìn về Việt Nam, hay như tờ DW của Đức trong bài viết: “Việt Nam đã chiến thắng Covid-19 bằng cách nào?” và họ đưa ra 4 lý do

1. Huy động chống dịch trên mọi mặt trận: quân sự, ngoại giao, chính trị, công nghệ, tuyên truyền, hợp tác quốc tế….
2. Nhà nước giám sát chặt chẽ nhiều mặt.
3. Hùng biện, tuyên truyền: chiến dịch “Ghen Cô Vy”, nhắn tin truyền thống và tận dụng mạng xã hội “Made in Vietnam”, các chiến dịch tuyên truyền tại khu dân phố…
4. Các biện pháp kinh tế, kích cầu, bảo đảm an ninh hàng hóa.

Với sự lãnh đạo của Đảng và những chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, Việt Nam đang khống chế dịch khá hiệu quả. Báo chí quốc tế ca ngợi công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam.

Tờ Financial Times của Anh Quốc cũng “dành những lời có cánh cho Việt Nam” trong cuộc chiến với Covid-19, không có cánh làm sao được khi Việt Nam đã và đang chứng tỏ với thế giới một Việt Nam mạnh mẽ thế nào mặc dù điều kiện tài chính, kinh tế của Việt Nam chỉ ở mức trung bình thấp so với thế giới. Nhưng nếu xét trên bình diện quốc gia, cũng một câu hỏi tương tự được đặt ra: Tại sao Philippines, Thái Lan, Indonesia cũng ở mức tương tự như Việt Nam, tại sao họ không làm được?

Và dĩ nhiên, với những hành động kể trên, chúng ta được dịp PR miễn phí trên các tờ báo tại khắp các quốc gia trên thế giới, hình ảnh Chính phủ hành động và sự đoàn kết của người dân là hai nguyên nhân chính yếu nhất dẫn tới việc “Việt Nam sẽ chiến thắng Covid-19”. Cũng với hai nguyên nhân đó, Việt Nam được dự báo sẽ là điểm nóng thu hút đầu tư, hợp tác kinh tế trong tương lai.

Chúng ta mất hàng chục triệu USD/1 năm để quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới tại CNN, nhưng thật may sao những hình ảnh Việt Nam an toàn, thân thiện lại được vô tình quảng bá khắp thế giới trong thời gian này. Những khách nước ngoài đang được cách ly, chữa trị, xét nghiệm tại Việt Nam có thể trở thành những vị đại sứ du lịch cho Việt Nam với quốc tế, những diễn đàn nổi tiếng như Reddit, Quora hay thậm chí cả 4chan cũng đều dành cho Việt Nam những lời rất thiện cảm.

Đây không phải là thứ mà tiền có thể mua được và những điều này còn hiệu quả hơn cả quảng cáo, vì chúng ta không diễn mà chỉ là đang nói sự thực thôi.

Việt Nam đang thể hiện mình là điểm đến an toàn với các nhà đầu tư thế giới

Covid-19 đã chứng tỏ cho thế giới thấy, đây không phải là một cuộc chơi dễ dàng ngay cả với các cường quốc, thế giới đã và đang bị tổn thương mạnh mẽ, trong khi đó, các doanh nghiệp lại cần một nơi “ổn định” hoặc chí ít rằng là nơi “để biết rằng mình còn một nơi để quay về, khi mọi niềm vui chợt tan vỡ”. Nói văn hoa là thế, đại ý rằng, thị trường thế giới bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Covid-19, họ cần một điểm tựa để có thể “thoát bão”, và Việt Nam đang chứng minh, họ có thể làm được.

Nền kinh tế toàn cầu suy giảm, trong đó có không ít các đối thủ của Việt Nam trên trường thế giới như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Việt Nam lại may mắn có được những tín hiệu rất tích cực như tăng trưởng kinh tế dương, động thái mạnh mẽ khôn khéo trong ngoại giao. Có sự vững tin của người dân vào các quyết sách của Chính phủ và hơn hết, Việt Nam có một Chính phủ hành động hiệu quả trong thời gian qua.

Trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung trước đây, nói gì thì Việt Nam cũng có hưởng lợi và đại dịch lần này cũng vậy. Hàn Quốc đã di dời dây chuyền sản xuất điện thoại cao cấp sang Việt Nam vì Covid-19, Google hay Microsoft cũng nghiên cứu quy trình và sẵn sàng dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam. Trước đây, Việt Nam phải cạnh tranh với Thái Lan hay Indonesia, nhưng hiện tại, quá trình cạnh tranh này, Việt Nam đang có lợi thế tương đối rồi. Ngày 24/03/2020 vừa rồi, Samsung cũng phải đóng nhà máy sản xuất smartphone lớn nhất thế giới tại Ấn Độ để ngừa lây lan Covid-19, đó cũng là thời cơ cho Samsung Việt Nam tiến lên. Tim Cook trong một buổi phỏng vấn với Fox Business Networks cũng nhấn mạnh rằng chuỗi cung ứng của họ đang bị đe dọa và đội ngũ Apple cũng cân nhắc lựa chọn tiến về Việt Nam. Rõ ràng, một điều nữa mà các tập đoàn lớn quan tâm là “chuỗi cung ứng” thì Việt Nam lại đang tận dụng tốt, mối quan hệ khăng khít với Trung Quốc đã thể hiện trong suốt thời gian qua, đặc biệt là việc nối lại hoạt động kinh tế nhanh chóng, chắc chắn sẽ khiến các nhà đầu tư hài lòng.

Việt Nam đang ngày càng có tiếng nói trên các cuộc chơi thế giới thông qua “thực lực” tự thân. Đó là tranh thủ thời điểm này, Việt Nam tận dụng PR về năng lực nội tại của nền kinh tế, khoa học kĩ thuật Việt Nam. Việt Nam vẫn đang đua tranh với các quốc gia khác trên thế giới về việc phát triển vắc xin chống Covid-19, ngoài ra, Việt Nam cũng là quốc gia rất sớm công bố phác đồ điều trị Covid-19, làm ra KIT xét nghiệm nhanh, ngoài ra, sức mạnh tổng hợp dựa trên khối đoàn kết toàn dân đang lan tỏa mạnh mẽ. Những điều này, khiến cho Việt Nam có thể “tự vệ” trước nhiều cuộc chiến, trong đó có cả cuộc chiến đại dịch, chiến tranh thương mại.

Việt Nam đã có trong tay “vũ khí 5G”, có nền chính trị ổn định, “miễn nhiễm” trước các vấn đề tương lai như thương mại, đại dịch, chiến tranh. Đầu tư hàng chục tỷ USD vào một quốc gia không phải là khoản tiền “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, “chọn mặt gửi vàng” vào Việt Nam là quyết định chắc chắn sẽ rất đúng đắn.

“Khi đàn chim trở về”

Đã có thời điểm, chúng ta luôn “đau đầu” khi vấn nạn chảy máu chất xám diễn ra. Các du học sinh, người Việt có tài năng, kinh tế ra đi mà không trở lại. Cũng may thời điểm hiện tại, Việt Nam đang chứng minh được với cộng đồng người Việt xa xứ rằng Việt Nam đã và đang phát triển hơn, nhiều cơ hội hơn, an toàn hơn và là một lựa chọn đề họ quay trở về, chí ít là thăm thú quê hương, sau đó có thể cân nhắc quay trở về hẳn, để sinh sống, đầu tư hay làm việc.

Đã có hơn 110.000 nguời Việt trở về nước.

Như giáo sư Ngô Bảo Châu nổi tiếng, ông đã chứng minh rằng với ông, trừ Toán là giỏi còn cái gì cũng tầm tầm thường thường, nay ông đã nói lời cám ơn Chính phủ vì chống dịch quá tốt, trong khi Pháp “toang” thì ở Việt Nam vẫn chống dịch như chống giặc.

Với việc hơn 110.000 người Việt trở về nước trong thời gian qua, làn sóng người Việt hồi hương trở về Việt Nam làm việc, đầu tư sẽ lớn hơn rất nhiều, hình ảnh đất nước trong con mắt những du học sinh, kiều bào cũng sẽ lạc quan hơn.

Ví dụ một vài điều dễ hiểu thế này, nhu cầu nhà ở hay đầu tư của một bộ phận người Việt hồi hương có thể là tín hiệu tích cực với thị trường bất động sản. Hay như việc nhân lực trình độ cao từ nước ngoài trở về sẽ cung cấp nhân lực cho các tập đoàn trong và ngoài nước. Hay đơn giản hơn nữa, việc trở về cũng gián tiếp kích thích ngành du lịch tránh tình trạng “đóng băng” như hiện tại.

Hơn tất cả, thời điểm này, đồng bào trong nước hay quốc tế đều đang có cái nhìn rất thiện cảm những người lãnh đạo đất nước, vì thế tin rằng sẽ có rất nhiều “cánh chim trở về” cống hiến xây dựng cho đất nước trong tương lai.

Nói tóm lại, trong bối cảnh thế giới và khu vực đang oằn mình vì đại dịch, Việt Nam cũng đang quyết liệt chống dịch từng ngày và là một điểm sáng tích cực không những phòng dịch và còn trong cả về kinh tế, chính trị thế giới. Vì vây, hãy tin tưởng nước ta sẽ trỗi dậy thật sự sau khi chiến thắng đại dịch Covid-19 này.

*Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân của tác giả.

Tifosi

Bài mới
Đọc nhiều