+
Aa
-
like
comment

Kinh tế Việt Nam thiệt hại như thế nào trong cơn bão virus Corona?

03/02/2020 15:32

Du lịch, hàng không, xuất nhập khẩu sẽ là những lĩnh vực chính chịu thiệt hại nặng nề nhất trong “cơn bão” virus Corona đang bùng phát khắp toàn cầu.

Hàng không chịu thiệt hại nặng nhất do virus Corona gây ra /// Ảnh Mai Thu
Hàng không chịu thiệt hại nặng nhất do virus Corona gây ra

Khối Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT ngày 3.2 đã phát hành Báo cáo “Dịch viêm phổi nCov đem đến sự kiện Thiên nga đen cho thị trường chứng khoán ngay đầu năm 2020”.

Theo nhóm chuyên gia đến từ công ty này, các nước châu Á khó tránh khỏi tăng trưởng kinh tế chậm lại trong quý 1 khi có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc.

Thống kê cho thấy, năm 2019, tổng lượng khách du lịch Trung Quốc ra nước ngoài là 170 triệu lượt người (so với 20 triệu tại thời điểm diễn ra dịch SARS năm 2003) với tổng chi tiêu lên đến 260 tỉ USD (theo ANZ). Các quốc gia Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc là những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều từ sự sụt giảm khách du lịch từ Trung Quốc, đặc biệt là Thái Lan với tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch trên GDP ở mức 11,2%.

Bán lẻ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do người dân hạn chế đi lại nơi đông người

Bên cạnh đó, Trung Quốc được xem là công xưởng của thế giới, chiếm đến 1/6 tổng quy mô sản xuất toàn cầu – nơi đặt nhà máy của các tập đoàn lớn. Tỉnh Hồ Bắc là thủ phủ của ngành ô tô, dệt may, thép, hóa dầu… của Trung Quốc. Hồ Bắc đã khuyến cáo các công ty sản xuất không hoạt động lại cho đến ngày 14.2, và có khả năng hoạt động một cách hạn chế trong thời gian sau đó.

Du lịch, hàng không, dịch vụ “ngấm đòn”

VNDIRECT đánh giá, các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch, lưu trú, hàng không, khi nhu cầu du lịch, đi lại của người Trung Quốc lẫn cả khu vực châu Á bị hạn chế do virus Corona.

Hiện tại, Cục Hàng không Việt Nam đã dừng cấp phép đối với các chuyến bay thường lệ từ Việt Nam kết nối với các tỉnh, thành có dịch của Trung Quốc. Các tour du lịch từ Trung Quốc cũng bị tạm dừng khiến ngành du lịch và hàng không Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng mạnh, đặc biệt là trong mùa cao điểm quý 1.

Bên cạnh đó, giao thương có thể gặp khó khăn do hạn chế qua lại biên giới, cửa khẩu và gián đoạn nguồn cung tại tỉnh Hồ Bắc, trong bối cảnh nhằm kiểm soát dịch, các biện pháp liên quan đến thắt chặt qua lại biên giới có thể sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Do vậy, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc có thể gặp khó khăn. Với rủi ro nói trên, các ngành nghề xuất khẩu theo đường biên giới trên bộ và tiểu ngạch sang Trung Quốc như nông sản, thủy sản, thực phẩm… sẽ chịu tác động đáng kể trong ngắn hạn.

Bên cạnh yếu tố về giao thương khó khăn, một số ngành sản xuất tại Hồ Bắc có thể bị đình trệ, kéo theo gián đoạn nguồn cung. Do vậy, các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc hoặc các doanh nghiệp có nguồn nguyên vật liệu phụ thuộc vào nước này có thể chịu nhiều ảnh hưởng.

Những ngành có thể chịu tác động từ sự ngưng trệ sản xuất gồm: dệt may (nhập khẩu sợi, vải), điện tử, tiêu dùng (linh kiện, phụ kiện nhập khẩu từ Trung Quốc), thép dẹt (nhập khẩu HRC). Tuy nhiên, cũng cần chú ý việc gián đoạn nguồn cung tiềm tàng này có thể chỉ mang tính tạm thời và hoạt động sản xuất tại Trung Quốc có thể sớm được phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát.

Vẫn theo VNDIRECT, từ các dịch bệnh trong quá khứ, ngành bán lẻ hàng hóa tiêu dùng lâu bền, xa xỉ cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực trong bối cảnh nhu cầu mua sắm yếu đi. Các nhà bán lẻ/phân phối các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng lâu bền, trang sức cũng như bất động sản bán lẻ có thể sẽ gặp khó khăn nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát.

Kinh tế Việt Nam thiệt hại như thế nào trong cơn bão virus Corona? - ảnh 2
Dệt may có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn

Đơn hàng da giày, dệt may sẽ chuyển sang Việt Nam?

Tuy vậy, công ty này cũng lạc quan đánh giá một số ngành có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn. Cụ thể, các ngành nghề có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn nhờ sự gián đoạn nguồn cung hàng hóa từ Hồ Bắc nhập khẩu vào Việt Nam là những ngành nằm ở phân khúc hạ nguồn và chịu áp lực cạnh tranh lớn từ sản phẩm từ Trung Quốc như dệt may, thép, săm lốp.

Ngoài ra, những ngành mà Việt Nam và Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu cũng có thể ghi nhận đơn hàng gia tăng trong ngắn hạn do sự chuyển dịch tạm thời từ Trung Quốc sang Việt Nam như dệt may và da giày.

Nhóm ngành dược, vật tư y tế và bán lẻ dược có thể được hưởng lợi, tuy nhiên quy mô của nhóm ngành này còn nhỏ. Cụ thể hơn, các doanh nghiệp được phép nhập khẩu thuốc (đặc biệt là thuốc đặc trị) và các công ty phân phối, sản xuất vật tư y tế là các doanh nghiệp chính được hưởng lợi. Còn lại đa phần các doanh nghiệp dược trong nước chủ yếu sản xuất các sản phẩm kháng sinh, thuốc chữa bệnh đơn giản và thực phẩm chức năng không được hưởng lợi từ sự bùng phát của dịch.

Ngoài ra, các cổ phiếu ngành dược cũng có đặc thù là thanh khoản thấp nên sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư nếu tầm nhìn đầu tư không quá dài. Ngược lại với bán lẻ truyền thống, hoạt động thương mại điện tử có thể được ưu tiên lựa chọn. Khi người dân giảm nhu cầu đi mua sắm tại cửa hàng vật lý, nhu cầu đối với hoạt động mua sắm online, giao hàng, chuyển phát có thể gia tăng.

(Theo TNO)

Bài mới
Đọc nhiều