+
Aa
-
like
comment

Kinh tế Việt Nam: Khép lại một thập kỷ đầy tự hào, chờ đợi sự bứt phá

04/01/2021 16:47

Khép lại một thập kỷ đầy tự hào với hàng loạt thành tựu mà Việt Nam đã đạt được, cũng như khép lại năm 2020 – một năm với vô vàn thách thức, khó khăn. Bước sang thập niên thứ 3, Việt Nam đã sẵn sàng trở thành ngôi sao sáng trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu.

Những thành tựu của nền kinh tế sau 1 thập kỷ

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam được duy trì ở mức độ khá cao. Giai đoạn 2011 – 2015, tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 5,9%/năm, giai đoạn 2016 – 2019 tăng trưởng đạt 6,8%/năm. Đến năm 2020, do dịch bệnh Covid-19, tốc độ tăng trưởng ước đạt 2,91%, bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt khoảng 5,9%/năm.

Tính chung cả thời kỳ 2011 – 2020, tăng trưởng GDP dự kiến đạt khoảng 5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô GDP tăng gấp 2,4 lần, từ 116 tỷ USD năm 2010 lên 268,4 tỷ USD vào năm 2020. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên khoảng 2.750 USD năm 2020.

Tính chung cả thời kỳ 2011 – 2020, tăng trưởng GDP dự kiến đạt khoảng 5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới.

Sau 10 năm, nền kinh tế Việt Nam cũng đã giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, mở rộng tín dụng; từng bước dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cụ thể, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011 – 2015 lên 45,2% giai đoạn 2016 – 2020, tính chung 10 năm 2011 – 2020 đạt 39%.

Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011 – 2015 là 4,3%/năm, giai đoạn 2016 – 2020 là 5,8%/năm. Hiệu quả đầu tư được nâng lên; hệ số ICOR giảm từ gần 6,3 giai đoạn 2011 – 2015 xuống còn khoảng 6,1 giai đoạn 2016 – 2019.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giảm từ 18,6% năm 2011 xuống ổn định ở mức khoảng 4%/năm giai đoạn 2016 – 2020. Lạm phát cơ bản giảm từ 13,6% năm 2011 xuống khoảng 2,5% năm 2020.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá tăng 3,6 lần, từ 157,1 tỷ USD năm 2010 lên 517 tỷ USD năm 2019. Năm 2020 do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đạt khoảng 527 tỷ USD, tương đương trên 190% GDP. Xuất khẩu tăng nhanh, từ 72,2 tỷ USD năm 2010 lên khoảng 267 tỷ USD năm 2020, tăng bình quân khoảng 14%/năm.

Sau 10 năm, Việt Nam cũng đã huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh, đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh, hiệu quả được cải thiện. Vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2011 – 2020 đạt gần 15 triệu tỷ đồng (tương đương 682 tỷ USD), tăng bình quân 10,6%/năm.
Trong đó, vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ là 3,1 triệu tỷ đồng (144 tỷ USD), chiếm 20,8% tổng đầu tư xã hội, tập trung cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trọng điểm, nhất là giao thông, thuỷ lợi, giáo dục, y tế, nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo, an ninh, quốc phòng… tạo động lực cho phát triển và thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước.

Vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước trong nước chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng đầu tư xã hội, tăng từ 36,1% năm 2010 lên 45,7% năm 2020. Một số tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân đã tham gia đầu tư, hoàn thành nhiều công trình, dự án lớn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhiều dự án hạ tầng theo phương thức đối tác công – tư (PPP) được triển khai thực hiện, nhất là trong lĩnh vực giao thông.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh; đã thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao. Tổng số vốn đăng ký giai đoạn 2011 – 2020 đạt trên 278 tỷ USD; vốn thực hiện đạt 152,3 tỷ USD, tăng gần 6,9%/năm, chiếm 22,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

GDP tăng trong năm 2021

Theo bài viết trên tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) ngày 29/12, trong năm 2021, 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á dự kiến sẽ biến động theo các quỹ đạo khác nhau, trong đó Việt Nam, Indonesia và Malaysia sẽ phục hồi lên mức trước đại dịch, trong khi Singapore, Philippines và Thái Lan sẽ phải vật lộn để quay lại quỹ đạo tăng trưởng.

Nikkei đã tổng hợp các dự báo của IMF về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của mỗi quốc gia, và lấy số liệu năm 2019 làm cơ sở, tương ứng với 100 điểm. Việt Nam, Indonesia và Malaysia đều đạt điểm trên 100 trong năm 2021 – có nghĩa là trong năm tới, GDP thực tế của các nền kinh tế này sẽ tăng cao hơn so với trước khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2019.

Việt Nam là một trong 6 nước có GDP thực tế tăng trưởng trong năm 2020.

Việt Nam sẽ dẫn đầu nhóm 6 nền kinh tế, với điểm tăng trưởng được dự báo vào khoảng 108,4. S&P Global dự đoán GDP thực tế của Việt Nam sẽ tăng 10,9% trong năm 2021, cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau khi tăng 2,91% trong năm nay.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong 6 nước có GDP thực tế tăng trưởng trong năm 2020 nhờ nhanh chóng kiềm chế dịch Covid-19. Ban lãnh đạo Việt Nam cũng thúc đẩy nhu cầu một cách hiệu quả thông qua các dự án đầu tư công được thực hiện trước thềm Đại hội Đảng.

Cũng như các nước, Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những bất trắc do dịch bệnh và chính quyền sắp tới ở Mỹ, song theo chuyên gia Yuta Tsukada của Viện Nghiên cứu Nhật Bản, “nhiều công ty trên thế giới đang đổ xô tới Việt Nam, và điều đó có lợi cho hoạt động xuất khẩu của nước này”.

Do chi phí sản xuất ở Việt Nam thấp nên ngày càng nhiều công ty sẽ chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang nước này nếu cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn tiếp tục.

Kinh tế Việt Nam xếp hạng 19 thế giới vào năm 2035

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) ở Anh mới đây đã công bố báo cáo thường niên về 193 nền kinh tế, trong đó, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 19 thế giới vào năm 2035.

CEBR dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 7% trong giai đoạn 2021-2025, 6,6% trong 10 năm tiếp theo và đến năm 2035 sẽ vượt qua Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan. Hai nền kinh tế này được CEBR dự báo có thứ hạng lần lượt là 21 và 25.

CEBR dự báo kinh tế Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 19 thế giới vào năm 2035.

Báo cáo của CEBR khẳng định nhờ kiểm soát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tốt hơn các nơi khác trên thế giới, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 vẫn đạt mức dương.

Theo con số được Chính phủ Việt Nam công bố, mức tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm 2020 là 2,91%.

CEBR cho biết có 25 năm kinh nghiệm trong việc cung cấp các phân tích và dự báo kinh tế độc lập với độ chính xác cao cho hàng trăm công ty tư nhân cũng như các tổ chức công.

Bảo Bảo

Bài mới
Đọc nhiều