Kinh tế Việt Nam đã ở mức suy thoái hay chưa?
Một số bạn cho rằng kinh tế Việt Nam đã suy thoái, bởi số doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động tăng; số lao động mất việc làm, giảm thu nhập tăng; hàng không lao đao; khách sạn chỉ còn 10%-15% công suất phòng; các hãng du lịch lữ hành gần như hoạt động thoi thóp; các cửa hàng, cửa hiệu trên các con phố lớn ở trung tâm TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đóng cửa, trả lại mặt bằng khá nhiều…
Trước khi đi vào tranh luận, chúng ta hãy bắt đầu từ định nghĩa về suy thoái kinh tế. Theo kinh tế học vĩ mô thì suy thoái kinh tế (economic downturn) được định nghĩa là “mức tăng trưởng kinh tế âm trong hai quý liên tiếp” (định nghĩa của UK).
Theo định nghĩa này, thì nói kinh tế thế giới suy thoái là đúng; Kinh tế Mỹ, Châu Âu suy thoái là đúng; Kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines suy thoái là đúng, còn kinh tế Việt Nam suy thoái lại là sai.
Theo tất cả các nguồn thì kinh tế Việt Nam quý 1 và quý 2 tăng trưởng dương 3.82% và 0,36%, tính cả 6 tháng đầu năm tăng trưởng là 1.81%. Kinh tế vẫn tăng trưởng dương 2 quý liên tiếp, thì hiển nhiên theo định nghĩa không thể gọi là suy thoái kinh tế được.
Như vậy chúng ta chỉ có thể nói ngành hàng không suy thoái; ngành du lịch lữ hành suy thoái; ngành khách sạn suy thoái; các dịch vụ ăn uống vui chơi giải trí, bán lẻ ăn theo khách du lịch nước ngoài suy thoái; còn nói cả nền kinh tế Việt Nam suy thoái thì lại không đúng.
Tôi biết có một số bạn sẽ nói rằng: “tôi không tin con số tăng trưởng GDP dương”. Vậy thì có 5 con số sau đủ để đảm bảo sự tin cậy cho sự tăng trưởng kinh tế dương của Việt Nam:
1. Sản xuất công nghiệp tăng 2.2%, mặc dù sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi giảm 1%-2%. Tổng sản lượng điện tăng 2.01%, điện cho sản xuất tăng 1.9%.
2. Số doanh nghiệp: Tuy có 34.300 doanh nghiệp dừng hoạt động và 30.400 doanh nghiệp giải thể (phá sản), nhưng lại có 88.600 doanh nghiệp thành lập mới và 32.600 doanh nghiệp quay lại hoạt động. Điều đó có nghĩa là trong 8 tháng đầu năm số doanh nghiệp vẫn tăng 88.700.
3. Bán lẻ hàng hoá: tổng doanh số bán lẻ đạt 2.553.600 tỷ đồng, tăng trưởng 4% (mặc dù nhà hàng, khách sạn giảm -16.4%, du lịch lữ hành giảm 54.4%).
4. Xuất nhập khẩu: Xuất khẩu đạt 174.1 tỷ USD, tăng trưởng 1.6%, thặng dư XNK là 11.9 tỷ USD (đáng chú ý là khối FDI giảm 5.1%, khối doanh nghiệp Việt Nam tăng 6.6%).
5. Thuế thu nhập cá nhân: đến hết tháng 8 tổng thu thuế TNCN là 77.000 tỷ đồng, dự kiến cả năm 2020 là 130.000 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2019.
Lưu ý rằng con số xuất nhập khẩu và thuế thu nhập cá nhân là con số tin cậy, vì nó liên quan đến tiền thuế mà doanh nghiệp và cá nhân phải nộp vào ngân sách và số tiền mà ngân sách thu được, nên không thể bịa được (bịa thì lấy tiền đâu ra mà nộp vào ngân sách).
CaoBao Do
* Bài viết thể hiện văn phong va quan điểm riêng của tác giả