Nhân đầu năm mới 2021 và Đại hội Đảng nhiệm kỳ XIII, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với PV về những kỳ vọng và cơ sở để kinh tế Việt Nam 2021 Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt. Cơ sở đặt kỳ vọng đó là quyết tâm của Chính phủ nhiệm kỳ mới cũng như triển vọng của “cỗ xe tam mã” gồm: tiêu dùng- xuất khẩu và đầu tư.
Cơ sở của niềm tin vào Chính phủ nhiệm kỳ mới
Các hãng truyền thông quốc tế gần đây liên tục có các bài viết ca ngợi Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có tốc độ tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020, là “ngôi sáng” của châu Á bất chấp tác động của đại dịch Covid-19. Nếu nhìn trong cả giai đoạn, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế- xã hội trong nhiệm kỳ vừa qua (2016 -2020). Đây là động lực hay áp lực đối với Chính phủ nhiệm kỳ mới 2021 – 2025, thưa ông?
Theo đó, Chính phủ đã thiết lập được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định hơn hẳn so với các nhiệm kỳ trước đây. Điều này thể hiện ở tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế liên tục gia tăng, kiểm soát lạm phát, nợ công ở mức thấp, cán cân thanh toán vãng lai ổn định, xuất khẩu và dự trữ ngoại tệ kỷ lục, giải ngân đầu tư công tăng mạnh, cải cách thể chế kinh tế mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh,…
Đó là những thành công rất lớn của chúng ta trong nhiệm kỳ vừa qua (2016 -2020). Đây sẽ là những nền tảng thúc đẩy cho sự phát triển trong nhiệm kỳ mới. Hay nói cách khác, tôi tin rằng những thành tựu này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Chính phủ nhiệm kỳ tới.
Trên thực tế, mọi thứ thường khó khăn trong giai đoạn mở đầu, tiền đề. Chúng ta hãy thử hình dung việc vận hành một cỗ xe, cỗ xe này di chuyển chậm chạp khi vừa xuất phát. Chính vì vậy, nếu như muốn “thúc” cỗ xe đó chạy nhanh hơn ở giai đoạn khởi đầu này chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, một khi cỗ xe đã vào “guồng” thì việc tác động để cỗ xe đó chạy nhanh trở nên dễ dàng hơn.
Câu chuyện của nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 cũng có thể được nhìn nhận theo cách tương tự. Những năm vừa qua chúng ta đã không ngừng cải cách, nhiều nút thắt liên tục được tháo gỡ. Đến nay, khi tất cả đã trở thành quán tính thì không thể không “chạy”.
Điều thứ 2 tôi muốn nhấn mạnh, đó là niềm tin. Chúng ta chỉ cần lấy một báo cáo của Chính phủ 5 năm về trước, có thể thấy Chính phủ nhận định giai đoạn đó khó khăn như thế nào. Thế nhưng, dù khó khăn như vậy nhưng đến nay, chúng ta đã đạt được những thành tích đáng khích lệ như vừa kể trên.
Điều này sẽ tiếp thêm niềm tin cho Chính phủ nhiệm kỳ mới rằng, những khó khăn hiện nay chúng ta cũng hoàn toàn có thể vượt qua, thậm chí còn làm tốt hơn so với giai đoạn 2016 -2020.
Tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận, những khó khăn hiện nay không hoàn toàn giống như bất kỳ khó khăn nào trong giai đoạn trước đây, đặc biệt là đại dịch Covid-19 là chưa từng có tiền lệ. Bên cạnh đó là những khó khăn mới nảy sinh như chủ nghĩa bảo hộ ngày càng tinh vi và phức tạp hơn, hay vấn đề về biến đổi khí hậu,…Tất cả tạo nên những thách thức ngày càng nghiêm trọng đối với sự phát triển của kinh tế – xã hội nước nhà, từ đó đặt Chính phủ vào tình huống hết sức khó khăn đòi hỏi ý chí quyết tâm, sự gan góc để có thể vượt qua được.
Từ những phân tích ông vừa đề cập, 12 chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và 15 chỉ tiêu chủ yếu đặt ra trong nhiệm kỳ tới (2021 – 2025) liệu có khả thi hay không, thưa ông?
Việt Nam hiện đã là một nền kinh tế mở, phụ thuộc vào nhiều thị trường. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh tại các quốc gia trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp thì việc đưa ra được những dự báo là hết sức khó khăn. Thế nhưng, thay vào đó là chúng ta có niềm tin, có khát vọng.
Tôi xin lấy 1 chỉ tiêu nổi bật đó là chỉ tiêu GDP. Theo đó, năm 2021 chúng ta đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% và từ 6,5% – 7% trong giai đoạn 2021 – 2025.
Vậy niềm tin ở đây là gì? Đó là, chúng ta tin tưởng rằng khả năng tăng trưởng của chúng ta năm 2021 sẽ vượt 6% là có, trong điều kiện chúng ta kiểm soát được dịch bệnh.
Thậm chí, khi các quốc gia khác trên thế giới kiểm soát được dịch bệnh, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng trưởng ở mức cao hơn thế trong năm 2021.
Thứ hai, chúng ta phải nói đến “trò chơi con số”. Chúng ta thấy rằng, năm nay nếu chúng ta tăng trưởng GDP 7%, và năm sau mục tiêu đặt ra với mức tăng trưởng 6% trên nền tăng trưởng của năm nay thì rõ ràng có thể khó khả thi.
Tuy nhiên, năm 2020, chúng ta chỉ tăng trưởng đâu đó 2,5% – 3%, thì năm 2021 nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng 6% trên nền tăng trưởng tương đối thấp của năm 2020 là hoàn toàn có cơ sở.
Tóm lại, nếu như chúng ta vẫn là giữ vững được thành quả chống dịch, mục tiêu tăng trưởng sẽ khả thi.
Chưa kể, chúng ta có khát vọng trong dài hạn đó là 2030 chúng ta phải trở thành một nước có thu nhập trung bình cao, năm 2045 có thu nhập cao. Ngay từ đầu nếu chúng ta đặt ra mục tiêu thách thức thì nhiệm kỳ sau sẽ phải thách thức hơn. Có như vậy mới đẩy được nỗ lực chúng ta lên giới hạn biên được. Ngược lại, nếu như nhiệm kỳ này chúng ta đặt chỉ tiêu khiêm tốn thì những nhiệm kỳ sau áp lực chính sách sẽ không quá nhiều.
Chúng ta hoàn toàn có cơ sở và tôi kỳ vọng, Chính phủ nhiệm kỳ mới cần phải mạnh mẽ nâng tốc độ tăng trưởng mục tiêu tăng thêm 0,5%, thậm chí là 1% so với mức chỉ tiêu mà Chính phủ đã đề xuất Quốc hội và đã được Quốc hội thông qua trước đây.
Với các chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và những chỉ số khác trong năm 2021, chúng ta hoàn toàn có niềm tin có thể đạt được. Từ đó, sẽ tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra cho giai đoạn 2021-2025.
GDP hoàn toàn có thể đạt 8% nếu Chính phủ nhiệm kỳ mới có những quyết tâm đột phá
Có ý kiến cho rằng, để hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong năm 2021 nói riêng và cả giai đoạn 2021 – 2025, chúng ta không cần phải tìm những giải pháp, cải cách “đột phá” mà chỉ cần thực hiện tốt hơn nữa những giải pháp, chính sách chúng ta đã và đang làm trong nhiệm kỳ vừa qua. Quan điểm của ông thì sao?
Vấn đề là chúng ta muốn đạt được ở mức độ nào?
Nếu như chúng ta làm tốt như nhiệm kỳ cũ, hoặc tốt hơn thế thì chúng ta có thể tăng tưởng 6,5% đến 7%. Nhưng, chúng hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng GDP 8%, 9% hay 10% nếu Chính phủ nhiệm kỳ mới có những quyết tâm đột phá.
Tức là, nếu chúng ta quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng tới 9% hay 10%, thì buộc chúng ta phải “đột phá” chứ không chỉ là làm tốt hơn những gì chúng ta đã và đang làm trong thời gian qua là xong.
Ông nhắc nhiều đến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là một trong những chỉ tiêu không “về đích” giai đoạn 2016 – 2020 do tác động của Covid-19, vậy tại sao ông lại kỳ vọng trong nhiệm kỳ tới GDP có thể tăng trưởng ở mức như ông vừa trình bày?
Trong năm 2020, Chính phủ đã nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng bằng “cỗ xe tam mã” bao gồm: tiêu dùng- xuất khẩu và đầu tư. Trong năm 2021 này, tôi nhìn thấy triển vọng của”cỗ xe tam mã” tiếp tục là động lực cho tăng trưởng. Đó là cơ sở để kỳ vọng.
Như chúng ta thấy, năm 2020 sức cầu tiêu dùng của nền kinh tế vẫn duy trì được mức tăng trưởng nhất định. Mặc dù không có sự đột biến nào đó trong bối cảnh dịch bệnh nhưng sức tiêu thụ của người dân chiếm khoảng trên 65% cơ cấu tổng tiêu dùng của xã hội. Đây là động lực rất quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế trong năm 2020 cũng như cho năm 2021.
Động lực thứ hai, đó là đầu tư. Hiện các doanh nghiệp của Việt Nam bắt đầu thích ứng tốt hơn với bối cảnh của dịch bệnh. Trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp còn bỡ ngỡ không biết tổ chức lao động như thế nào để đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch hay như việc đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu khiến cho doanh nghiệp bị động. Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp đã tìm được nguồn cung thay thế. Các nhà cung ứng trong nước và nước ngoài bắt đầu thích nghi trong bối cảnh mới đó và cố gắng nối lại chuỗi cung ứng. Từ đó, tạo động lực tốt trong năm 2021.
Về đầu tư công, năm 2020 Việt Nam đã đạt được kết quả lớn về giải ngân vốn đầu tư công, tạo “quán tính” rất cần thiết để chúng ta thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các kế hoạch đầu tư công trong năm 2021 và kế hoạch đầu tư công trong trung hạn. Điều này rất quan trọng bởi đầu tư công tổng đầu tư của chúng ta vẫn rất lớn, chiếm trên 30%GDP của cả nước. Trong đó đầu tư công chiếm 30% tổng đầu tư toàn xã hội. Vì vậy, đầu tư công sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ trong sự tăng trưởng.
Ngoài ra, năm 2021 chúng ta có khả năng đón được làn sóng đầu tư FDI mạnh mẽ. Bởi trong bối cảnh một thế giới bất định và biến đổi khó lường, dịch bệnh phức tạp, Việt Nam vẫn là một điểm sáng kinh tế và đang trở thành điểm đến an toàn của các nhà đầu tư quốc tế trên hành trình chuyển dịch làn sóng đầu tư có trách nhiệm và bền vững toàn cầu.
Thứ ba, đó là xuất khẩu. Độ mở và sự gắn kết với quốc tế của nền kinh tế nước ta ngày càng lớn. Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng nhờ có sự linh động khôn khéo của chính các doanh nghiệp, cộng với sự hỗ trợ của các chính sách của Chính phủ và các bộ ngành, các doanh nghiệp Việt Nam đã thúc đẩy được xuất khẩu. Thành quả xuất khẩu năm 2020 sẽ tiếp sức cho kinh tế trong nước trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Nếu kiểm soát dịch bệnh trong nước tốt, Việt Nam có thể đóng vai trò “hậu phương sản xuất” cho thế giới.
Đó là với những chỉ tiêu có thể lượng hóa, còn đối với những vấn đề không được lượng hóa bằng con số thì điều ông kỳ vọng nhất ở Chính phủ nhiệm kỳ mới là gì?
Tôi mong muốn Chính phủ nhiệm kỳ tới tiếp tục phát huy hơn nữa những thành quả của nhiệm kỳ vừa qua đã làm được. Bên cạnh đó, những việc mà Chính phủ nhiệm kỳ này chưa làm tốt hoặc thậm chí chưa làm được thì nhiệm kỳ sau phải làm bằng được, nhất là cải cách doanh nghiệp nhà nước hiệu quả hơn, phải xử lý được 12 dự án thua lỗ…
Đặc biệt đối với các dự án thua lỗ, Chính phủ nhiệm kỳ mới phải làm sao để các dự án này không gây thêm chi phí cho nền kinh tế hoặc phải đóng góp trở lại cho nền kinh tế. Nếu như doanh nghiệp, dự án nào không làm được những điều đó thì cho phá sản để giải phóng khối tài sản đó đi, thay vì tạo thêm chi phí cho nền kinh tế. Ngược lại, với các dự án có khả năng phục hồi được, thì trong một số trường hợp Chính phủ phải bỏ thêm tiền “cứu” dự án đó. Tất nhiên việc đánh giá về khả năng phục hồi của các dự án phải được đánh giá khách quan và công tâm.
Anh cho tôi tiền và trao cho tôi quyền, quyền ở đây là quyền có thể quyết định làm như thế nào, thuê ai điều hành, và tôi sẽ là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Hệ thống cần phải ủng hộ cách làm đó, như thế mới có thể tạo được hiệu quả đột phá.
Xin cảm ơn ông!
Huyền Anh/DV