+
Aa
-
like
comment

Kinh tế tư nhân không lớn, thì ai lớn đây?

Bảo An - 22/03/2021 17:55

Phát triển kinh tế tư nhân là một chủ trương lớn nhằm xây dựng, củng cố nền kinh tế của đất nước. Trải qua 35 năm đổi mới, nhà nước ta đã có những thay đổi quan trọng về tư duy phát triển đối với kinh tế tư nhân. Đây cũng là cơ sở quan trọng để kinh tế tư nhân của Việt Nam có những bước tiến quan trọng, trở thành động lực của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên,  Việt Tân lại rêu rao bài viết của Phạm Nhật Bình với tiêu đề “Vì sao nền kinh tế tư nhân không chịu lớn”. Bằng những lập luận phiến diện, cá nhân, các “nhà dân chủ” đã phủ nhận sự phát triển của nền kinh tế tư nhân tại Việt Nam, vu khống chính quyền “chèn ép” kinh tế tư nhân.

Ai nói kinh tế tư nhân “không chịu lớn”?

Với mục đích bôi đen nền kinh tế nói chung và thành phần kinH tế tư nhân của Việt Nam nói riêng, các “nhà dân chủ” đẩy mạnh việc tuyên truyền xuyên tạc, tung ra những thông tin một chiều, chủ quan, phiến diện như: “sức sống và tiềm năng phát triển của kinh tế tư nhân đến nay vẫn chưa đóng một vai trò nổi bật bên cạnh quốc doanh”, “đảng tự cho mình cái quyền đứng trên tất cả, để ban phát đặc quyền đặc lợi, khống chế các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp tư nhân trong thủ tục xin-cho”, “Sau hơn 35 năm đổi mới, kinh tế tư nhân “không chịu lớn” còn vì một lý do ràng buộc quan trọng khác. Đó là sự lo sợ của đảng CSVN, rằng khi kinh tế tư nhân lớn mạnh, nó sẽ tích tụ được một khối lượng tư bản đủ khả năng làm yếu vai trò chuyên chính cộng sản dẫn tới thủ tiêu đấu tranh giai cấp”.

Nhìn vào thực tế, dễ dàng có thể thấy được kinh tế tư nhân tại Việt Nam đang có những sự phát triển nhanh chóng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế nước nhà. Những năm qua, kinh tế tư nhân luôn có sự phát triển tốt, chiếm tỉ trọng 39 – 40% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp tư nhân vô cùng nổi bật, đang có những bước tiến vô cùng mạnh mẽ như: Vingroup, Masan, Vietjet, Techcombank, Thế Giới Di Động, Novaland, Hòa Phát…

Không thể phủ nhận nhiều doanh nghiệp trong khối tư nhân đã có sự đầu tư về khoa học và công nghệ, ngày càng khẳng định vị thế của bản thân trong nền kinh tế và trở thành mũi nhọn trên một số lĩnh vực đầu tư như du lịch, chế biến thực phẩm, công nghệ viễn thông…

 Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển

Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, chúng ta đã bước vào giai đoạn phát triển mới với sự thay đổi về tư duy phát triển nền kinh tế. Từ việc xác định kinh tế tập trung bao cấp là chính, Việt Nam đã thay đổi tư duy, đưa ra những quan điểm đúng đắn về phát triển kinh tế nói chung, phát triển kinh tế tư nhân nói riêng.

Nền kinh tế Việt Nam phát triển ngày một mạnh mẽ; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một lớn. Đây là điều mà các “nhà dân chủ” không hề mong muốn. Những kẻ này luôn tìm mọi cách để tô đen, bôi bẩn, vu khống cho rằng Việt Nam chỉ có sự đói nghèo, lạc hậu. Cái đích của những kẻ này hướng đến là đổ lỗi, vu khống năng lực lãnh đạo Nhà nước và xã hội, từ đó đòi tiến hành đa nguyên, đa đảng.

Trước một thực tế không thể chối cãi là kinh tế của Việt Nam ngày càng lớn mạnh, các “mõ làng dân chủ” cố tình chọc ngoáy, công kích về việc phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Trong đó, với mưu mô công kích, chia rẽ khối kinh tế tư nhân với nền kinh tế chung của đất nước. Lý do được các “nhà dân chủ” thêu dệt ra là vì nhà nước lo sợ khi “kinh tế tư nhân lớn mạnh, nó sẽ tích tụ được một khối lượng tư bản đủ khả năng làm yếu vai trò chuyên chính cộng sản dẫn tới thủ tiêu đấu tranh giai cấp”.

Để tạo điều kiện phát triển cho kinh tế tư nhân, ngày 3/6/2017, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong đó, Đảng ta đã chỉ đạo nhiều vấn đề quan trọng như: Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng; Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP; Kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm; Khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn; Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan tỏa rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ …

Chúng ta không phủ nhận hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Tuy nhiên, việc đổ lỗi, vu khống cho rằng kinh tế tư nhân Việt Nam “không chịu lớn” là điều không thể chấp nhận.

Bảo An

* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả 

Bài mới
Đọc nhiều