Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – Điều không thể phủ nhận
Cứ mỗi dịp Đảng ta tổ chức Đại hội thì trước, trong và sau các kỳ đại hội các thế lực thù địch phản động lại tìm mọi cách để chống phá. Không nằm ngoài quy luật đó, ngay trong quá trình chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch phản động không chỉ ra sức phủ nhận những thành quả mà Đảng ta, dân tộc ta đã đạt được, chúng còn tập trung chống phá đường lối quan điểm của Đảng, nhất là chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta đã và đang thực hiện
Trong suốt quá trình đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng tìm tòi, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực tế qua gần 35 năm đổi mới đã giúp đất nước ta thoát khỏi thời kỳ khó khăn về kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng có lúc vượt nhóm cao nhất thế giới. Từ nước nghèo thu nhập thấp, Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình, hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với kinh tế thế giới.
Ấy vậy mà hiện nay trên một số trang mạng xã hội vẫn còn những người đưa ra luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, điển hình là Nguyễn Ngọc Già. Trong bài viết “Có kinh tế thị trường là có tất cả” trên blog “Dân Làm Báo”, Nguyễn Ngọc Già cho rằng kinh tế thị trường chỉ tuân theo quy luật cung cầu. Nhà sản xuất phải biết sản xuất cái gì? sản xuất cho ai? Trích dẫn nửa vời thế mà Nguyễn Ngọc Già đã mặc nhiên khẳng định theo kiểu nhắm mắt nói bừa rằng kinh tế thị trường là hoàn toàn tự do mà không thấy được tính khách quan về sự điều tiết, can thiệp của Nhà nước nhằm hạn chế khắc phục những khuyết tật của kinh tế thị trường. Từ đó Nguyễn Ngọc Già ra sức phủ nhận sự quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế.
Những luận điều sai trái đó không chỉ thể hiện sự hằn học, thù địch, chống đối Đảng, Nhà nước, chống đối xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam mà còn cho thấy sự hiểu biết nông cạn về kinh tế thị trường của một số kẻ giả danh tri thức.
Trong quá trình đóng góp cho dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, vấn đề xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa giành được nhiều sự quan tâm. Các thế lực thù địch chống phá Việt Nam và một số cá nhân có quan điểm sai trái vẫn cố tình xuyên tạc, bóp méo, cho rằng nền kinh tế thị trường tại Việt Nam là một mô hình méo mó, không giống ai, nếu cứ tiếp tục sẽ thủ tiêu cạnh tranh khi chính quyền vẫn o bế cho doanh nghiệp nhà nước, ngăn cản sự phát triển của kinh tế tư nhân. Họ còn cho rằng xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thực chất là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Thực tế phát triển của đất nước trong gần 35 năm đổi mới vừa qua và định hướng trong thời gian tới đã vạch trần sự xuyên tạc cũng như nhận thức sai lầm nói trên.
Trong nhiều năm qua, Đảng ta liên tục hoàn thiện nhận thức về kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Mới nhất tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận sôi nổi, quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và bổ sung, phát triển nhiều nội dung mới, quan trọng của Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trung ương thống nhất cho rằng: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản trong đường lối phát triển kinh tế ở nước ta. Một sáng tạo mới của Đảng ta về mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và đã định nghĩa khá rõ ràng, cụ thể. Nhiều luận điểm quan trọng đã được kế thừa, bổ sung và làm rõ: (1) Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; (2) Có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; (3) Doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
Tuy nhiên kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một mô hình mới, chưa có tiền lệ. Ngay trong Nghị quyết số 11 Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, Đảng ta xác định rằng cần phải vừa làm, vừa tổng kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện.
Nói tóm lại, chúng ta có thể khẳng định: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhân dân ta đang lựa chọn và phát triển là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với quy luật của thời đại. Trên cơ sở tiếp thu những tinh hoa, trí tuệ và thành tựu mà nhân loại đã đạt được thời gian quan để vận dụng, phát triển nền kinh tế hiện đại, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những luận điệu nó Việt Nam đang phát triển kinh tế thị trường là đi theo chủ nghĩa tư bản là không có cơ sở khoa học và đi ngược lại với ý chí và nguyện vọng của nhân dân mà các thế lực thù định, phản động đang ra sức rêu rao, xuyên tạc là hoàn toàn sai trái cần được nhận diện, lên án và bác bỏ.
Diệu Hương
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả