Kinh tế tăng trưởng ấn tượng, chứng khoán Việt lọt top mạnh nhất thế giới
Nhìn lại diễn biến của VN-Index trong một năm qua thấy rằng, chứng khoán Việt đã thể hiện rõ vai trò “hàn thử biểu” của nền kinh tế.
Với việc kết thúc năm 2020 tại mức 1103,87 điểm, VN-Index đã ghi nhận một năm thành công, tăng 142,88 điểm tương ứng 14,87% so với đầu năm và tăng 100,79 điểm tương ứng 10,05% so với cuối tháng 11.
Nhờ diễn biến tích cực này, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những chỉ số có mức tăng trưởng cao nhất thế giới.
Cụ thể, theo trang thống kê IndexQ, Việt Nam xếp thứ 5 trong top những thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới trong vòng 1 tuần qua (với mức tăng 3,41%).
Tháng 12 vừa qua cũng chứng kiến sự thăng hoa của các thị trường chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ (tăng 15,05%); Ai Cập (13,63%); “sàn Nasdaq của Trung Quốc” (ChiNext – 12,7%), Bồ Đào Nha (11,13%) và Hàn Quốc (10,89%).
Nhìn lại diễn biến của VN-Index trong một năm qua thấy rằng, chứng khoán Việt đã thể hiện rõ vai trò “hàn thử biểu” của nền kinh tế. Thị trường phản ánh rõ nét tâm lý, sự kỳ vọng của nhà đầu tư trên thị trường trước những biến động của nền kinh tế.
Nếu như giai đoạn đầu năm, VN-Index suy giảm, phần lớn cổ phiếu trên thị trường đều giảm giá và bị bán mạnh do những lo ngại về diễn biến khó lường của dịch Covid-19 thì sau khi các chính sách ứng phó của Chính phủ bắt đầu cho thấy sự hiệu quả thì tâm lý nhà đầu tư trở nên vững vàng hơn, giá cổ phiếu tăng, chỉ số hồi phục mạnh.
Chỉ số VN-Index có hai giai đoạn bứt phá mạnh mẽ là từ đầu tháng 4 đến đầu tháng 6 và từ cuối tháng 8 đến hết năm, tương ứng với hai đợt kiểm soát dịch thành công, không cho dịch lây lan rộng.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP năm 2020 tăng 2,91%, tuy là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ gần đây nhưng là thành công lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.
Ngân hàng Thế giới (WB) trong Báo cáo Ðiểm lại công bố cuối tháng 12/2020 đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên gần 2,8%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng lên 2,4% thay vì mức 1,6% đưa ra hồi quý 3/2020. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 1,8% lên 2,3%…
Còn theo tính toán của IMF, quy mô kinh tế Việt Nam hiện đã đạt hơn 340 tỷ USD, đứng trong Top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương hoặc vượt qua một số nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong khu vực.
Tạp chí Nhà Kinh tế của Anh xếp Việt Nam trong Top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới…
Tại thời điểm kết thúc năm 2020, tương ứng với giá trị index là 1103,87 điểm, giá trị vốn hóa (marketcap) của sàn HSX đã đạt trên 4 triệu tỷ đồng (4.080.757 tỷ đồng). Trong năm, sàn HSX có 301 mã tăng giá và 96 mã giảm.
Tuy vậy, do có 3 tháng đầu giao dịch bất lợi, VN-Index cắm đầu giảm nên mặc dù đạt được mức tăng trưởng gần 15% trong cả năm nhưng chỉ số sàn HSX vẫn chưa thể đưa chứng khoán Việt Nam vào top tăng mạnh nhất thế giới năm 2020.
Tính chung trong năm 2020, bên cạnh VN-Index, các chỉ số khác của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có mức tăng ấn tượng. HNX-Index tăng 100,61 điểm tương ứng 98,15% lên 203,12 điểm; sàn HNX có 234 mã tăng và 122 mã giảm. UPCoM-Index cũng tăng 31,6%.
Vốn hóa thị trường sàn HNX tăng 10,6% so với cuối năm 2019 lên 212.320 tỷ đồng. Trong tháng, các cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn này là ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu và VCG của Vinaconex đã chuyển sang giao dịch trên sàn HSX.
Theo Quyết định số 37/2020 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 20/2/2021 tới, Việt Nam sẽ có Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) trên cơ sở sắp xếp lại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX).
Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam là công ty mẹ được tổ chức theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có tư cách pháp nhân… Vốn điều lệ của VNX là 3.000 tỷ đồng và nắm giữ 100% vốn điều lệ của HNX và HSX.
Mai Chi