+
Aa
-
like
comment

Kinh tế năm qua: Cơn sốt đầu tư vào Việt Nam, lượng tiền khổng lồ làm “nghẽn” sàn chứng khoán

01/01/2021 19:22

Covid-19 gây ra nhiều khó khăn nhưng đồng thời lại là động lực tạo cơ hội cho Việt Nam tỏa sáng trên trường quốc tế.

Kinh tế năm qua: Cơn sốt đầu tư vào Việt Nam, kỳ lân thứ 2 và lượng tiền khổng lồ làm "tắc đường" sàn chứng khoán

VNPAY chính thức trở thành Kỳ lân thứ 2 của Việt Nam

Trong năm 2020, VNPay chính thức trở thành kỳ lân công nghệ thứ 2 tại Việt nam sau VNG, tức là startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên.

VNPay vốn được nhiều người biết đến với mạng lưới thanh toán bằng mã QR, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Ứng dụng này hợp tác với 22 ngân hàng tại Việt Nam, bao gồm những nhà băng lớn như Agribank, Vietcombank, VietinBank, và BIDV.

Thông qua các ứng dụng ngân hàng, VNPay thu hút hơn 15 triệu người dùng hoạt động hàng tháng với các chức năng như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đặt vé xe buýt và mua thực phẩm tươi sống hàng ngày.

Kinh tế năm qua: Cơn sốt đầu tư vào Việt Nam, kỳ lân thứ 2 và lượng tiền khổng lồ làm tắc đường sàn chứng khoán - Ảnh 1.

VNPay được cho là chính thức đạt trạng thái “kỳ lân” sau vòng gọi vốn năm ngoái từ Softbank Vision Fund và quỹ đầu tư nhà nước GIC. Vậy là sau VNG, Việt Nam đã có Kì lân thứ hai. Trước đó, VNG là “kì lân” đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực Internet, dựa trên nền tảng công nghệ cung cấp dịch vụ tới người dùng đầu cuối.

Trong toàn khu vực Đông Nam Á, VNPay và VNG hiện xếp cùng hàng ngũ với 11 kỳ lân công nghệ gồm: Bigo, Bukalapak, Gojek, Grab, Lazada, Razer, OVO, Sea Group, Traveloka và Tokopedia. Trong số này, chỉ mới có Grab và GoJek được gọi là “siêu kì lân” khi được định giá trên 10 tỉ USD.

Viettel khai trương kinh doanh thử nghiệm 5G

Cuối tháng 11 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội Viettel vừa công bố chính thức khai trương kinh doanh thử nghiệm 5G tại Hà Nội. Hiện, Viettel có số lượng trạm phát sóng 5G lớn nhất từ trước đến nay tại Hà Nội.

Theo đó, các khách hàng sử dụng điện thoại hỗ trợ 5G ở những khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng có thể trải nghiệm dịch vụ 5G mà không cần phải nâng cấp sim. Đặc biệt, trong thời gian thử nghiệm, Viettel sẽ miễn phí data 5G với dung lượng không giới hạn giúp khách hàng trải nghiệm những ưu điểm về tốc độ và khả năng kết nối của công nghệ di động thế hệ thứ 5.

Kinh tế năm qua: Cơn sốt đầu tư vào Việt Nam, kỳ lân thứ 2 và lượng tiền khổng lồ làm tắc đường sàn chứng khoán - Ảnh 2.

Công nghệ 5G với khả năng hỗ trợ tốc độ cao vượt trội (lên đến 10 Gbps), mật độ kết nối đông sẽ thay thế cơ bản cách thức vận hành của xã hội trong tương lai, đặc biệt những ngành như công nghiệp cao, y tế, giao thông, giáo dục…

Sau Hà Nội, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới để sớm kinh doanh thử nghiệm 5G tại Đà Nẵng và TPHCM.

Chứng khoán bùng nổ, sàn HOSE “tắc nghẽn”

Ngày 25/11, chỉ số chứng khoán VN-INdex chính thức vượt mốc 1.000 điểm, sau đó tiếp tục tăng bứt phá.

VN-Index bắt đầu năm 2020 với 960,99 điểm và kết thúc năm tại 1.103,87 điểm.

Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán dẫn đến một vấn đề: trong những phiên giao dịch cuối tháng 12/2020, thanh khoản thị trường liên tục ở mức 15.000 tỷ đồng/phiên, con số kỷ lục từ trước tới nay và việc thanh khoản tăng quá mạnh đã dẫn tới hiện tượng nghẽn lệnh trên sàn HoSE.

Cơn sốt đầu tư vào Việt Nam

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/10/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,48 tỷ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện ước đạt 15,8 tỷ USD, bằng 97,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, có 2.100 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 32,1% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt 11,66 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Về vốn điều chỉnh, có 907 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 20,8% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 5,71 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ.

Dù FDI không đạt 100% như năm 2019 nhưng vẫn là kết quả khá tích cực trong bối cảnh Covid-19.

Đóng góp lớn trong bức tranh chung của FDI là sự đầu tư của các công ty “siêu to khổng lồ” vào nhiều lĩnh vực như Foxconn, Dự án Tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại Bà Rịa – Vũng Tàu, dự án Trung tâm nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu (Dự án điện khí Bạc Liêu)…

Thành lập thành phố Thủ Đức

TP Thủ Đức trực thuộc TP HCM là “thành phố trong thành phố” đầu tiên ở Việt Nam được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định thông qua hôm 9/12. Trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 3 quận 2, 9 và Thủ Đức, TP Thủ Đức rộng 211 km2, hơn một triệu người (chiếm 1/10 diện tích và dân số TP HCM) với tổng cộng 34 phường.

Kinh tế năm qua: Cơn sốt đầu tư vào Việt Nam, kỳ lân thứ 2 và lượng tiền khổng lồ làm tắc đường sàn chứng khoán - Ảnh 3.

Đây được kỳ vọng là hạt nhân dẫn đầu, thúc đẩy thành phố và vùng Đông Nam Bộ phát triển. Dự kiến TP Thủ Đức góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước, chỉ sau GRDP của Hà Nội và lớn hơn Bình Dương, Đồng Nai.

Các hiệp định thương mại tự do

2020 là một năm Việt Nam gặt hái nhiều thành công về kinh tế đối ngoại, đặc biệt với dấu ấn đàm phán thành công Hiệp định Thuơng mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sau 9 năm. Đây được xem là hiệp định thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2020 và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví như “đường cao tốc” nối liền Việt Nam và châu Âu.

EVFTA có hiệu lực từ 1/8, khởi động quá trình loại bỏ gần 99% dòng thuế và rào cản thương mại trong vòng 10 năm tới, giúp Việt Nam tiếp cận gần hơn với thị trường EU có GDP trị giá 15.000 tỷ USD. Theo tính toán của HSBC, EVFTA có thể đóng góp trung bình 0,1% vào tăng trưởng thực của GDP mỗi năm.

Cũng trong năm 2020, Việt Nam cùng các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand đã ký kết trực tuyến Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN do Việt Nam làm chủ tịch. RCEP có nhiều ý nghĩa, giúp Việt Nam tiếp cận thị trường quy mô lớn nhất thế giới khi chiếm 30% dân số thế giới, GDP xấp xỉ 26.200 tỷ USD, chiếm 30% GDP toàn cầu.

Tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực

Trong khi nhiều quốc gia đã phải đóng cửa, giãn cách xã hội thời gian dài, khiến hàng loạt nền kinh tế suy thoái, tăng trưởng âm hai quý liên tiếp thì Việt Nam thực hiện được mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa phát triển, phục hồi kinh tế.

Kinh tế năm qua: Cơn sốt đầu tư vào Việt Nam, kỳ lân thứ 2 và lượng tiền khổng lồ làm tắc đường sàn chứng khoán - Ảnh 4.

Mục tiêu tăng trưởng cả năm là 2,5-3% của Chính phủ là trong tầm tay.

Năm 2020, theo đánh giá của IMF, tăng trưởng GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới với mức tăng 2,4% trong khi toàn cầu sụt giảm 4,4%. ADB và WB cùng nhận định Việt Nam là điểm sáng của kinh tế toàn cầu với mức tăng trưởng được dự báo 2,3-2,8% – cao nhất khu vực.

Ngành hàng không điêu đứng vì COVID-19

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, hàng không là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi biện pháp hạn chế đi lại do các chính phủ áp đặt để giảm sự lây lan của dịch bệnh.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính, năm 2020 lưu lượng đi lại giảm khoảng 66% và doanh thu của các hãng hàng không giảm khoảng 50%, xuống còn 419 tỷ USD.

Ở Việt Nam, các hãng hàng không cũng bị thiệt hại nặng nề khiến Chính phủ phải cứu trợ 16.000 tỷ đồng đối với Vietnam Airlines.

Bùng nổ năng lượng tái tạo

Sự ủng hộ của cơ chế chính sách, nguồn lực từ quốc tế đang giúp năm 2020 trở thành một năm tăng tốc cho phát triển năng lượng tái tạo.

Tính đến hết tháng 9/2020, theo EVN, điện sản xuất từ điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối đã chiếm khoảng 4,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn quốc. So với cùng kỳ, con số này chỉ ở mức 1,54%.

Các dự án điện mặt trời, điện gió không ngừng xin bổ sung quy hoạch điện, xin cơ chế đặc thù để hưởng giá FIT toàn phần dù đã quá công suất quy hoạch. Tuy nhiên, việc phát triển lưới điện đang chưa theo kịp với nguồn điện, khiến các dự án điện bị cắt giảm công suất.

DN

Bài mới
Đọc nhiều