+
Aa
-
like
comment

Kinh tế Mỹ hứng cú sốc chưa từng có vì dịch Covid-19

31/07/2020 09:16

Nền kinh tế Mỹ trong quý 2-2020 đã giảm đến 32,9% so với cùng kỳ năm trước – mức cao kỷ lục kể từ khi số liệu này bắt đầu được thống kê vào năm 1947.

Mức giảm kỷ lục trên diễn ra vào thời điểm nước Mỹ thực thi các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19). Động thái này khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động và hàng triệu người mất việc làm.

Nếu so với quý 1, nền kinh tế Mỹ trong quý 2 đã giảm đến 9,5%, một con số cao kỷ lục khác.

Kinh tế Mỹ hứng cú sốc chưa từng có vì dịch Covid-19 - Ảnh 1.
Một cửa hàng bán lẻ tại TP New York hôm 9-6. Ảnh: Reuters

Là đơn vị soạn thảo báo cáo về GDP của Mỹ trong quý vừa qua, Cục Phân tích Kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ hôm 30-7 nhận định sự sụt giảm kỷ lục nói trên là do các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được tiến hành trong hai tháng 3 và 4.

Đến tháng 5, hoạt động kinh tế ở Mỹ bắt đầu được nối lại nhưng không đủ bù đắp sự sụt giảm nói trên. Theo báo cáo, chi tiêu tiêu dùng giảm 34,6% trong quý vừa qua. Mức giảm này trong quý 1 là 6,9%.

Trong khi đó, đầu tư kinh doanh giảm đến 27%, cũng là một kỷ lục khác. Dịch bệnh cũng khiến giá dầu lao dốc, từ đó khiến ngành dầu đá phiến ở Mỹ lao đao.

Giờ đây, hy vọng về một sự hồi phục kinh tế nhanh chóng trong quý 3-2020 đã bị dội một gáo nước lạnh khi số ca Covid-19 tăng trở lại khắp nước Mỹ. Ngay cả Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell hôm 29-7 cũng thừa nhận thực trạng u ám của kinh tế đất nước. FED hiện duy trì lãi suất cơ bản ở mức gần 0 và cam kết tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế.

Kinh tế Mỹ hứng cú sốc chưa từng có vì dịch Covid-19 - Ảnh 2.
Một nhà hàng mở cửa lại tại TP New York hôm 22-6. Ảnh: Reuters

Không những thế, sức ép đang gia tăng lên Nhà Trắng và quốc hội trong việc tìm tiếng nói chung về một gói hỗ trợ thứ 2.

“Chúng ta không chỉ cần người Mỹ nghiêm túc hành động để ngăn sự lây lan của dịch bệnh mà còn cần cả quốc hội thông qua một gói kích thích khác và họ cần nhanh chóng làm điều này” – ông Jason Reed, chuyên gia tại Trường ĐH Notre Dame (Mỹ) nhận định.

Giới chuyên gia cho rằng nếu không có gói cứu trợ kinh tế gần 3.000 tỉ USD đầu tiên, nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể còn bị trúng đòn mạnh hơn nữa từ dịch Covid-19.

Trước khi hết hạn vào ngày 31-7, gói cứu trợ này đã giúp các doanh nghiệp có tiền trả lương và hỗ trợ hàng triệu người Mỹ bị thất nghiệp khoản tiền 600 USD/tuần. Một báo cáo của Bộ Lao động Mỹ hôm 30-7 cho biết khoảng 30,2 triệu người đã nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần lễ kết thúc hôm 11-7.

P.Võ/NLĐ

Bài mới
Đọc nhiều