+
Aa
-
like
comment

Kinh tế làng nghề bất cập về quy hoạch, đất đai và ô nhiễm môi trường

28/12/2019 10:46

Theo ông Nguyễn Văn Bình, kinh tế làng nghề có nhiều đóng góp tích cực nhưng đã bộc lộ nhiều vấn đề từ quy hoạch, đất đai, ô nhiễm môi trường, khó khăn trong tiếp cận công nghệ…

Ngày 27/12, Tỉnh ủy Bắc Ninh và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh này phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp, doanh nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế làng nghề.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện Cuộc vận động Cuộc vận động nhằm phổ biến, quán triệt và thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường.

Kinh te lang nghe bat cap ve quy hoach, dat dai va o nhiem moi truong hinh anh 1 80369141_804247903357019_7499435729756356608_n.jpg
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn. Ảnh: Thành Trung.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình – Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động khẳng định trong hơn 30 năm đổi mới, kinh tế làng nghề đã có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của đất nước.

Các làng nghề đã giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nhưng ông cũng thẳng thắn chỉ ra kinh tế làng nghề đã bộc lộ nhiều vấn đề từ quy hoạch, đất đai, ô nhiễm môi trường, khó khăn trong tiếp cận khoa học công nghệ, vốn và hỗ trợ tài chính của nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá sản phẩm và phát triển bền vững…

Trong bối cảnh các điều kiện, môi trường và hoàn cảnh có nhiều thay đổi, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị tới đây, Hiệp hội và các cơ quan quản lý cần hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp tại các ngành nghề, làng nghề ở nông thôn nắm bắt được các cơ chế chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Chính quyền các địa phương cần quan tâm lắng nghe, chỉ đạo để phát triển kinh tế làng nghề lành mạnh; quan tâm phát triển kinh tế hợp tác để liên kết trong sản xuất giúp giải quyết các khó khăn của nhân dân.

Các cơ quan quản lý cần tách biệt giữa ngành nghề ở nông thôn với các làng nghề truyền thống để từ đó hoạch định lại, có cơ chế chính sách để giúp nhân dân định hình được hướng đi phù hợp.

Kinh te lang nghe bat cap ve quy hoach, dat dai va o nhiem moi truong hinh anh 2 1.jpg
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình thăm làng gỗ Đồng Kỵ. Ảnh: Thành Trung.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành ghi nhận làng nghề có đóng góp rất lớn cho kinh tế tỉnh, vì vậy tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ tốt như tạo ra quy hoạch mặt bằng cho sản xuất; hỗ trợ về kết cấu hạ tầng, đường giao thông, điện và hỗ trợ về chính sách vay vốn…

Song vấn đề khó khăn nhất, theo ông Thành, đó chính là nguồn cung ứng sản phẩm và phối hợp để xử lý về mặt môi trường. Bởi đây là những vấn đề cần nguồn kinh phí rất lớn, trong khi đó, ngân sách của tỉnh phải đầu tư cho nhiều lĩnh vực khác về mặt an sinh xã hội, kết cấu hạ tầng…

Ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Bắc Ninh thì nêu thực tế các làng nghề hiện nay đang phát triển tự phát, nên chất thải tại các khu này “muốn xả ra đâu thì xả”, gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường.

Nhưng với chủ trương xây dựng một làng nghề hiện đại dưới sự quản lý của Nhà nước và chủ đầu tư, ông Anh cho rằng nhiều người lại rất hoang mang nếu vào đó thì tiền ở đâu để đầu tư công nghệ, xử lý chất thải. Và có thể họ sẽ chống đối vì không muốn dưới sự quản lý của Nhà nước về môi trường và sự quản lý của doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng.

Theo ông Anh, bài toán cần giải là Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ ưu đãi cho họ tiếp cận nguồn vốn, lãi suất, hỗ trợ về giảm tiền thuê đất… Làm sao để xây dựng một môi trường trong sạch, lành mạnh, bảo vệ sức khỏe và sự phát triển bền vững cho các làng nghề.

Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam và Bộ NN&PTNT, hiện nay cả nước có trên 5.400 làng nghề và làng có nghề, trong đó có khoảng gần 2.000 làng nghề truyền thống, với 115 nghề truyền thống đã được công nhận, thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia.

Các sản phẩm làng nghề của cả nước đã xuất khẩu sang khoảng 160 quốc gia, vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD/năm.

H.Vũ/ZN

Bài mới
Đọc nhiều