+
Aa
-
like
comment

Kinh tế đạt nhiều dấu hiệu tích cực sau khi địa phương bỏ “ngăn sông, cấm chợ”

06/12/2021 10:55

Những dấu hiệu tích cực dần xuất hiện trở lại trong nền kinh tế sau 2 tháng dỡ phong tỏa nhờ nghị quyết 128, nhiều tỉnh chấm dứt các biện pháp “ngăn sông, cấm chợ”.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số CPI 11 tháng tăng 1,84% so cùng kỳ, thấp nhất từ 2016. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất tiếp tục duy trì mặt bằng thấp; tăng trưởng tín dụng đạt 9,65%. Hết tháng 11, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 100% dự toán năm.

Những số liệu này cho thấy, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đang được dành ưu tiên cao nhất theo tinh thần của nghị quyết Đại hội 13 và nghị quyết phát triển kinh tế xã hội 2021 của Quốc hội. Có lẽ vì vậy, liều lượng của gói hỗ trợ và phục hồi vẫn đang được Chính phủ cân nhắc kỹ mà chưa đưa ra ngay do lo ngại lạm phát ngóc đầu dậy dưới tác động của lạm phát thế giới.

Bên cạnh đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tiếp tục “khởi sắc” với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 5,6% so với cùng kỳ; tính chung 11 tháng đầu năm, chỉ số này tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Công thương cho biết thêm, hoạt động sản xuất, nhất là tại các tỉnh, thành phố tập trung các doanh nghiệp công nghiệp quan trọng như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Hà Nội… đã có “những chuyển biến tích cực”.

Tại hầu hết các địa phương, đặc biệt là tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, sản xuất đã được khôi phục, các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất để kịp giao hàng theo các hợp đồng đã ký kết. Chỉ số IIP tháng 11 của Quảng Ninh ước tăng hơn 19%; Thanh Hóa tăng 15%; Quảng Ngãi tăng 16%; Thừa Thiên Huế tăng 9%; Cần Thơ tăng 6,8%; Đồng Nai tăng 6,9%… đã góp phần vào sự phục hồi sản xuất công nghiệp của cả nước.

Các doanh nghiệp đang tiếp tục tăng tốc, thích ứng với trạng thái “bình thường mới”. (Ảnh minh hoạ: Danh Lam/TTXVN)

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng tăng 22,3%, trong đó xuất khẩu tăng 17,5%; tháng 11 là tháng thứ 3 liên tiếp xuất siêu góp phần vào kết quả 11 tháng xuất siêu 225 triệu USD.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11 tăng 44,6% và tăng 38% về vốn, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng 10; 11 tháng có 146.100 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11 tăng gần 15% so tháng trước, đạt gần 74% kế hoạch năm. Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm 11 tháng tăng 11%; vốn thực hiện đạt hơn 17 tỷ USD, cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

Những số liệu trên cho thấy, cứ mở cửa ra là nền kinh tế và người dân sẽ hoạt động sôi động trở lại. Đây là tinh thần cần nhất quán khi Việt Nam đã đẩy rất nhanh tiêm chủng, trở thành một trong 20 nước trên thế giới có số liều vắc xin tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia, đứng thứ 7 trong châu Á và là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần.

Như vậy, tinh thần của nghị quyết 128 là vô cùng quan trọng để thực hiện mục tiêu kép, vừa thực hiện phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Các tỉnh nào còn thực hiện các biện pháp chống dịch cực đoan, chia cắt nền kinh tế, đe dọa sản xuất của doanh nghiệp và sinh kế của người dân cần phải tuân thủ tuyêt đối các quy định trong nghị quyết này.

Sau 2 tháng dỡ phong tỏa nhờ nghị quyết 128, nhiều tỉnh chấm dứt các biện pháp “ngăn sông, cấm chợ”, những dấu hiệu tích cực dần xuất hiện trở lại trong nền kinh tế.

Rủi ro đang chập chờn

Kinh tế thế giới vấn tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tuy mức độ vẫn không đồng đều. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2022 kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng 5,2%; EU tăng 4,3%; Nhật 3,2%; Trung Quốc 5,6%; Ấn Độ 8,5%….

Nền kinh tế mở như Việt Nam sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ đà phục hồi của các thị trường, đặc biệt qua luồng xuất nhập khẩu. Ở góc độ này, Bộ Công thương nhận xét, tuy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã từng bước phục hồi nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp nằm ngoài các khu công nghiệp.

Ví dụ, ở Đồng Nai, tỷ lệ doanh nghiệp trở lại hoạt động ngoài khu công nghiệp chỉ đạt 83,5% và tỷ lệ người lao động trở lại làm việc đạt 65,5%, thấp hơn tỷ lệ tương ứng là 99% và 88% ở các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Điều này cho thấy sự trở lại hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài khu công nghiệp đang rất khó khăn. Từ thực tế đó, khả năng năm nay chỉ số IIP chỉ tăng khoảng 4-5%, bằng một nửa so với mục tiêu tăng 8-9%.

Bức tranh này cho thấy, cần tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất để bắt kịp nhu cầu của thế giới.

Hơn nữa, theo IMF, giá nguyên, nhiên liệu và lạm phát thế giới vẫn ở mức cao đang gây sức ép lên các ngân hàng trung ương giảm dần nới lỏng tiện tệ, tăng dần lãi suất để phòng rủi ro vĩ mô. Xu thế này đi ngược với tình thế hiện nay ở nước ta, khi lạm phát vẫn chỉ tăng 1,84%, thấp nhất trong 5 năm. Vì sao lại có tình trạng này?

Đó là do cầu trong nước quá yếu do doanh nghiệp và người dân đã kiệt quệ dưới tác động của gần 4 tháng phong tỏa. Điều này thể hiện rõ khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng rơi “xuống đáy” ở mức -19,8%, -31,3%, -28,4%, -19,5% và -12,2% tương ứng trong các tháng 7, 8, 9, 10 và 11. Sức mua suy giảm trầm trọng, doanh nghiệp giải thể phá sản tăng cao, đầu tư teo lại trong khi lạm phát thế giới tăng cao giải thích, vì sao CPI trong 11 tháng thấp nhất trong 5 năm.

Rủi ro lạm phát là có do chi phí đẩy, song cầu tiêu dùng trong nước vẫn đang quá yếu và phục hồi chậm. Nếu không có gói tài khóa đủ lớn, đủ nhanh và hiệu quả để phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, không hỗ trợ doanh nghiệp đang thoi thóp và những người dân đói nghèo, chúng ta sẽ lại lạc điệu so với đà của thế giới, như chúng tôi cảnh báo trong bài trước.

Theo Tổng cục Thống kê, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ tư tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế đã khiến tình hình lao động việc làm quý 3 tồi tệ hơn. Số người có việc làm giảm sâu so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức cao nhất chưa từng thấy. Thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, thị trường chứng khoán và bất động sản đang phình to, tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là thể hiện kỳ vọng của thị trường. Điều này phải được đặc biệt quan tâm nếu muốn tiếp tục giữ ổn định vĩ mô.

Các nhà kinh tế dự kiến, tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ khoảng hơn 2%. Như vậy, để đạt mục tiêu tối thiểu của nhiệm kỳ về tăng trưởng GDP là 6,5%, thì tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của 4 năm còn lại phải là hơn 7,5%. Nếu không bắt đầu chương trình hồi phục sớm, có lẽ mặt trận kinh tế sẽ phải xa rời nhiều mục tiêu phát triển đã đề ra.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều