+
Aa
-
like
comment

‘Kinh nghiệm ai cũng rút, năm nào cũng rút, khổ lắm, nói mãi’

03/11/2020 15:03

 ĐB Nguyễn Tuấn Anh nói về tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công và cho rằng đây là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi…”

Một trong những vấn đề được đề cập tại phiên thảo luận về kinh tế – xã hội ngày 3-11 ở Quốc hội là chậm giải ngân vốn đầu tư công.

ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) phát biểu: “Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công trở thành vấn đề “trầm kha” khi đến quý 3 hàng năm lại tiếp tục nêu ra và trở thành câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Ở đây tôi muốn đề cập, tại sao “biết rồi” mà năm nào cũng chậm, năm nào Thủ tướng cũng chỉ đạo trong khi đây là nhiệm vụ thường niên của các bộ, ngành và địa phương. Và đến thời điểm này đã có ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này hay chỉ tổng kết nguyên nhân khách quan còn chủ quan thì rất ít”.

Trích dẫn phát biểu trước đây của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ĐB Nguyễn Tuấn Anh cho rằng: “Sợi dây dài nhất là sợi dây kinh nghiệm, rút hoài không hết, ai cũng rút, năm nào cũng rút…”.

Theo ông, nguyên nhân chính của tình trạng này chậm giải ngân vốn đầu tư công, nhiều báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương cho rằng do COVID-19 nhất là đối với nguồn vốn vay đầu tư nước ngoài và diễn biến thiên tai xấu tại miền Trung… Tuy nhiên, thực tế các địa phương cho thấy nhiều nguyên nhân chủ quan khác cần được thẳng thắn thừa nhận trong thời gian tới.

'Kinh nghiệm ai cũng rút, năm nào cũng rút, khổ lắm, nói mãi' - ảnh 1
ĐB Nguyễn Tuấn Anh nói đừng đá qua đá lại quả bóng trách nhiệm trong chậm giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: QH

“Theo tôi nguyên nhân chủ yếu chính là công tác lập kế hoạch, nhiều bộ ngành, địa phương lập kế hoạch dành cho bằng được nguồn vốn về cho mình mà không căn cứ vào tình hình thực tế rất khó, chậm, không giải ngân được”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

ĐB của tỉnh Bình Phước dẫn dự án Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục làm ví dụ. Theo đó, dự án này được UBND Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch từ tháng 10-2018 dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2018 – 2020. Nhưng thực tế việc đo, kiểm đếm đất, tài sản của các hộ dân trong quy hoạch vẫn chưa thực hiện xong. Ngay cả 2 hạng mục cần làm trước là cầu nút giao Giảng Võ – Đê La Thành; Nguyễn Chí Thanh – Đê La Thành vẫn chưa có mặt bằng thi công.

Đáng lo ngại nhất là việc giải ngân vốn đầu tư ODA như dự án đường sắt đô thị. Đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn – ga Hà Nội mới giải ngân được gần 43% số vốn năm 2020. Tuyến đường sắt số 2 Nam Thăng Long – ga Hà Nội đã được cấp nhưng không thể giải ngân kịp trong năm nay.

“Qua tìm hiểu thực tế, nhiều chủ đầu tư cho rằng, khâu chuẩn bị đầu tư, thẩm định đầu tư, phê duyệt đầu tư, lựa chọn nhà thầu hiện nay rất khó khăn, không loại trừ sự nhũng nhiễu, tiêu cực. Nhiều dự án kéo dài khâu này đến vài tháng, một dự án đầu tư công khi giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến thực hiện triển khai và hoàn thành phải trên 10 bước, mỗi bước mất rất nhiều thời gian và tốn kém, có cả những chi phí không chính thức”, ông Nguyễn Tuấn Anh thông tin.

Về giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, ông Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Chính phủ có giải pháp hữu hiệu hơn lựa chọn, phân bổ vốn đầu tư công, tránh cào bằng chủ nghĩa bình quân theo từng bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, Chính phủ cần kiên quyết thu hồi, chuyển vốn các dự án chậm triển khai, xử lý nghiêm người đứng đầu khi tỷ lệ giải ngân chậm do yếu tố chủ quan.

Hai giải pháp tiếp theo được đề xuất là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, có cơ chế kiểm tra giám sát đối với các cán bộ thực thi công vụ và xử lý nghiêm minh khi phát hiện nhũng nhiễu, tiêu cực; các bộ ngành cần có sự chỉ đạo sát sao chặt chẽ, nhằm giải quyét những vướng mắc thuộc thẩm quyền của bộ ngành mình để phân định trách nhiệm trong quá trình triển khai.

“Đừng để trái bóng trách nhiệm đá qua đá lại và việc chậm giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục kéo dài với điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi””, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

(Theo PLO)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều