Kinh doanh online nợ thuế bị cấm xuất cảnh
Trong cuộc họp báo của Tổng cục Thuế cuối tuần qua, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết cơ quan này sẽ siết quản lý thu thuế từ thương mại điện tử (TMĐT). Đáng chú ý, những người bán hàng online nợ thuế sẽ bị công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế như cấm xuất cảnh.
Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định hiện hành, các cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm sẽ đóng lệ phí môn bài từ 300.000 đến 1 triệu đồng, tùy thuộc doanh thu từ 100 triệu hay trên 500 triệu đồng.
Ngoài ra, luật cũng quy định các cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng trên mạng xã hội như TikTok, Facebook, Zalo và các sàn TMĐT có nghĩa vụ đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 0,5% và thuế giá trị gia tăng (VAT) 1% trên doanh thu.
Hành vi trốn thuế từ 100 triệu đến dưới 300 triệu đồng sẽ bị xử phạt 100-500 triệu đồng và có thể bị phạt từ 3 tháng đến 1 năm.
Cũng theo quy định, sàn giao dịch thương mại điện tử phải cung cấp thông tin về người bán. Ngành thuế cũng đã có cổng thông tin thương mại điện tử để hỗ trợ các sàn trong việc khai thuế thay người bán. Đây là nơi để các bên cung cấp thông tin người bán và hỗ trợ họ trong việc khai thay cá nhân kinh doanh. Thậm chí, cá nhân bán hàng cũng có thể khai trực tiếp trên cổng.
Thực tế hiện nay cho thấy kinh doanh online ngày càng phát triển, nhiều người nổi tiếng, “hotgirl” và các TikToker, Facebooker… trở thành “chiến thần chốt đơn” nhờ livestream bán hàng. Nhiều nghệ sĩ công bố doanh số từ các buổi livestream này lên đến hàng nhìn đơn hàng, thu về hàng tỉ đồng nhưng ít ai nói về nghĩa vụ thuế của mình.
Quản lý thuế người nổi tiếng hiện ra sao?
Được biết, trước đây việc đóng thuế của các nghệ sĩ nổi tiếng được công bố công khai và những người không thực hiện nghĩa vụ thuế bị cũng bị nêu tên. Tuy nhiên, hiện nay thông tin này ít ai được biết. Theo một cán bộ thuế, nguyên nhân vì trước đây dữ liệu thuế được tập trung tại Cục Thuế. Nhưng từ nhiều năm nay, các chi cục thuế quản lý cá nhân, hộ kinh doanh, trong đó có cả các văn nghệ sĩ. Do đó, muốn nắm được thông tin nộp thuế của giới văn nghệ sĩ phải hỏi từng chi cục thuế quản lý.
Vị này cho biết, “Điều này không phải không làm được mà cần thời gian tổng hợp vì các cá nhân ở các quận, huyện hay tỉnh, thành khác nhau. Trong khi dữ liệu giới văn nghệ sĩ phân tán chứ không còn tập trung như trước. Bên cạnh đó, việc công khai dữ liệu cá nhân, hộ kinh doanh hay các văn nghệ sĩ, người nổi tiếng, các ‘chiến thần bán hàng’ trong thời gian qua chỉ được phép khi họ vi phạm, chây ì nộp thuế theo quy định.
Thông thường khi cơ quan thuế có dữ liệu của người nộp thuế và mời lên làm việc, những người này sẽ thực hiện việc nộp thuế, chưa vi phạm đến mức độ công bố công khai theo quy định. Điều này cũng dễ hiểu vì nó liên quan đến tên tuổi của họ. Đó là lý do vì sao thời gian qua tình trạng công bố danh sách cá nhân, hay cụ thể là giới văn nghệ sĩ không còn như trước.”
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng dữ liệu cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng TMĐT cần được tập trung quản lý để tăng hiệu quả thu thuế hơn. Sau khi Tổng cục Thuế tập hợp dữ liệu TMĐT thì giao xuống cho các cục thuế để thực hiện. Đồng thời, thông tin công khai những cá nhân nợ thuế, hay cấm xuất cảnh trong thời gian qua để làm gương.
Chuyên gia nói gì về việc cấm xuất cảnh?
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, việc bán hàng online trên mạng xã hội cũng đang phát triển rất mạnh nhưng hầu hết đều khó xác định việc kê khai và nộp thuế.
Ông cho biết, quy định công khai hay cấm xuất cảnh đối với người nợ thuế thực ra là biện pháp được áp dụng từ nhiều năm nay. Đơn vị Luật Quản lý thuế năm 2019 hay Nghị định 126/2020 đã quy định tạm hoãn xuất cảnh với người nộp thuế đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
Tuy nhiên, khó khăn chính là việc xác định doanh số của người bán hàng trên sàn TMĐT. Các cá nhân có thể dễ dàng lách thuế, né thuế vì người mua hàng online trên mạng xã hội hay trên các sàn thương mại điện tử đều không lấy hóa đơn.
Cùng quan điểm, Luật sư Trần Xoa – Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, đánh giá trong khi TMĐT ngày càng phát triển, xu thế khuyến khích và nhiều người thực hiện bán hàng online để giảm chi phí thì số thu từ lĩnh vực này còn quá khiêm tốn, “Cơ quan thuế làm sao tìm được doanh số của người bán hàng mới là vấn đề, mới giải quyết được chống thất thu thuế TMĐT.”
Ông Nguyễn Ngọc Tú – chuyên gia thuế – cũng nhận định quy định cấm xuất cảnh người bán hàng online nợ thuế đã có từ vài năm nay và phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều này, theo ông Tú sẽ đảm bảo thu được thuế cho ngân sách Nhà nước, tức quyền lợi của Nhà nước được đặt lên hàng đầu để không thất thoát ngân sách.
Tuy nhiên, ông Tú cho rằng cần có quy định cụ thể hơn về việc nợ thuế ở mức bao nhiêu thì cấm xuất cảnh để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi, uy tín, công việc của doanh nghiệp.
“Có người nợ thuế nhưng tài khoản còn tiền, thể hiện trên sổ sách và tài sản hiện hữu thì doanh nghiệp vẫn đủ điều kiện để nộp thuế cho Nhà nước. Có những trường hợp họ xuất cảnh là để hợp tác kinh doanh”, ông Tú nói.
Ông Tú cũng đánh giá trong khi thương mại điện tử ngày càng phát triển, số thu từ lĩnh vực này chưa tương xứng. Đến hết năm 2023, số thu từ thương mại điện tử với các tổ chức, cá nhân trong nước đạt hơn 536 tỷ đồng. Còn theo Bộ Công Thương, năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt khoảng 20,5 tỷ USD.
Ông Tú đề cập đến việc xác định đầy đủ các nguồn thu, xác định đối tượng nộp thuế, căn cứ tính thuế, phân biệt rõ loại thu nhập, kiểm soát giao dịch kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Ông Tú đề xuất giải pháp Chính phủ cần vào cuộc thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt, đưa dần đến bắt buộc thanh toán qua tài khoản để quản lý (trừ các chợ truyền thống).
Ngoài ra, theo ông, các sản phẩm phải niêm yết giá và đăng ký với cơ quan chức năng. “Phía cơ quan thuế cũng phải tăng cường hơn nữa việc sử dụng công nghệ cao để quản lý thuế”, ông Tú nhấn mạnh.
Hạnh Văn