+
Aa
-
like
comment

Kim ngạch thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ tăng 170 lần sau 25 năm

09/10/2020 12:52

Việt Nam đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 27 và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ.

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ sáng nay (9/10), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, cho biết, cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã đưa kim ngạch thương mại hai chiều tăng gần 170 lần kể từ năm 1994 đến nay (450 triệu USD năm 1994, lên đến gần 76 tỉ USD trong năm 2019).

Sau hơn 25 năm, kim ngạch thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ tăng 170 lần. (Ảnh minh họa)

Sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian gần đây đã giúp Việt Nam có bước nhảy vọt từ vị trí thứ 12 lên thứ 9 trong các nước xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ. Nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng gia tăng tính bổ trợ lẫn nhau, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Thực tế trong thời gian qua, Việt Nam có các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ như thủy sản, hạt điều, dệt may, da giày… thì Hoa Kỳ là nguồn cung dồi dào cho các mặt hàng Việt nam có nhu cầu nhập khẩu cao như máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông, năng lượng, khí hóa lỏng hay nông sản nguyên liệu… Việt Nam đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 27 và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ.

Hiện có hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Năm 2019, Hoa Kỳ là quốc gia đứng thứ 2 với tổng giá trị 93,4 triệu USD chiếm 18,4% vốn đầu tư ra nước ngoài. Riêng quý I/2020, Hoa kỳ là nước dẫn đầu với 20,1 triệu USD, chiếm 40,8%.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định: Các dự án đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam đã và đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ diễn ra tại Hà Nội, sáng nay (9/10).
Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ diễn ra tại Hà Nội, sáng nay (9/10).

Theo đánh giá của ông Trần Duy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, ngay sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao và đang đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam, tiêu biểu là các dự án của Cargill, Coca-Cola, Caterpillar, Intel,… “Đây chính là những viên gạch quan trọng để gắn kết mối quan hệ về đầu tư giữa Việt Nam – Hoa Kỳ, qua đó mở đường và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước theo hướng bền vững, phát triển sản phẩm, sản xuất và xây dựng thương hiệu trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Đông nêu rõ.

Về đầu tư vào Việt Nam, Hoa Kỳ đứng thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư với hơn 1.000 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 9,4 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như kinh doanh dịch vụ khách sạn và ăn uống (chiếm 46% tổng vốn đầu tư); công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 31% tổng vốn đầu tư).

Trên thực tế, đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam còn lớn hơn nhiều (có thể lên đến 14-15 tỷ USD) do một số công ty lớn như Intel, Coca Cola, Procter & Gamble, Chevron, ConocoPhillips,… đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh, công ty con của mình đăng ký tại nước thứ ba như British Virgin Islands, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc),… Ngoài ra, một số tập đoàn công nghệ lớn của Hoa Kỳ như Apple, Google, Dell,… đều đầu tư vào Việt Nam thông qua các doanh nghiệp sản xuất ODM/OEM thuộc chuỗi cung ứng của mình.

Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, Hoa Kỳ hiện thuộc tốp 10 trong số 81 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư. Việt Nam có gần 200 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Hoa Kỳ với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 750 triệu USD. Các dự án tiêu biểu có thể kể đến là đầu tư của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), CTCP Vingroup Investment Việt Nam, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty TNHH Phần mềm FPT, CTCP Nhựa An Phát Xanh, Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam (VCB), CTCP Công nghệ Mobifone Toàn cầu,…

Trần Ngọc/VOV

Bài mới
Đọc nhiều