+
Aa
-
like
comment

Kiện toàn lãnh đạo: ‘Không thay người cũ, sao người mới ngồi vào được’

11/03/2021 10:18

Theo ông Nguyễn Đức Hà, kiện toàn sớm lãnh đạo Nhà nước là để tránh tình trạng người không tham gia Trung ương vẫn giữ chức, còn người chuẩn bị giữ chức thì chưa được ngồi vào. 

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương) đồng tình với chủ trương được Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII nhất trí cao tại Hội nghị lần thứ hai, đó là kiện toàn sớm các chức danh lãnh đạo Nhà nước.

Theo dự kiến, việc kiện toàn được thực hiện vào kỳ họp Quốc hội cuối cùng của khóa XIV diễn ra vào cuối tháng 3. Nhân sự ứng cử các chức danh chủ chốt như Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội đã được Trung ương giới thiệu với số phiếu tập trung cao.

kien toan lanh dao khong tai cu Trung uong anh 2
Việc kiện toàn sớm bộ máy lãnh đạo Nhà nước sẽ khắc phục được sự trì trệ và khoảng trống quyền lực.

Vị trí cần gấp kiện toàn trước, chưa gấp làm sau

Theo ông Nguyễn Đức Hà, sau Đại hội Đảng XIII có rất nhiều thay đổi về nhân sự. Với nhân sự bên Đảng, thuộc thẩm quyền của Trung ương, Bộ Chính trị thì có thể kiện toàn ngay. Nhưng với nhân sự lãnh đạo chủ chốt Nhà nước thì liên quan đến quy định của Hiến pháp, pháp luật nên phải thực hiện theo quy trình nhân sự ở Quốc hội.

Nhắc lại thời điểm khóa XI, ông Hà cho biết Đại hội Đảng XI diễn ra vào tháng 1/2011, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội là 23/5/2011 và sau đó hơn một tháng, Quốc hội khóa mới mới họp phiên đầu tiên để kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước.

“Như vậy, chúng ta có độ trễ kéo dài đến 6 tháng. Trong 6 tháng ấy không phân công được công việc cho người đã vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới. Đại hội Đảng đã cơ cấu lại nhân sự nhưng rõ ràng nếu chưa thay được các đồng chí cũ thì làm sao người mới ngồi vào được”, ông Hà nói.

Theo ông, việc những người không tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa mới tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo trong thời gian dài tới nửa năm là không hợp lý.

Đại hội Đảng đã cơ cấu lại nhân sự nhưng rõ ràng nếu chưa thay được các đồng chí cũ thì làm sao người mới ngồi vào được

Ông Nguyễn Đức Hà

Rút kinh nghiệm từ thực tiễn đó, từ khóa XII, các chức danh lãnh đạo Nhà nước đã sớm được kiện toàn. Việc này tiến hành chỉ 2 tháng sau Đại hội Đảng, tức là rút ngắn được 4 tháng so với khóa XI.

“Chúng ta không thể ‘ngâm’ mấy tháng trong khi các chương trình, kế hoạch cần triển khai ngay, quan trọng nhất là thời điểm đầu nhiệm kỳ. Việc kiện toàn sớm là do nhiệm vụ đặt ra phải thế, do lợi ích chung và là việc tốt”, ông Hà nêu quan điểm.

Ông nhấn mạnh điều quan trọng nhất là phải tạo điều kiện để bắt tay vào việc ngay, đưa công việc vào guồng với những kế hoạch, chương trình cụ thể.

Song, theo nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, kỳ họp Quốc hội tới đây chưa kiện toàn xong tất cả chức danh mà ưu tiên vị trí nào gấp, cần thiết thì làm trước.

“Ví dụ một người là ủy viên Trung ương và là bộ trưởng, trong khóa mới không có gì thay đổi thì không ảnh hưởng gì. Nhưng với những chức danh bộ trưởng không tái cử Trung ương thì cần thay ngay”, ông Hà nói.

Theo ông, cần kiện toàn trước hết ở những vị trí lãnh đạo không tái cử Trung ương hoặc được đưa ra bầu nhưng không trúng cử.

Ông Hà nhận định việc kiện toàn sớm bộ máy lãnh đạo sẽ khắc phục được sự trì trệ, độ trễ và khoảng trống quyền lực. Đây là chủ trương đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương.

Ông Nguyễn Đức Hà cho rằng cần ưu tiên kiện toàn chức danh lãnh đạo ở những vị trí không tái cử Ban Chấp hành Trung ương khóa mới.

Nhiều thay đổi trong bộ máy Quốc hội, Chính phủ khóa mới

Theo ông Nguyễn Đức Hà, thông lệ là cứ 10 năm sẽ có sự chuyển đổi một thế hệ cán bộ lãnh đạo, còn sau nhiệm kỳ 5 năm vẫn có sự chuyển tiếp khi một số tái cử, một số thôi nhiệm vụ. Đây là điều “phù hợp với quy luật chung”.

Song, ông cho rằng tốt nhất là giữ được sự chuyển tiếp, có sự giao thoa giữa các thế hệ để đảm bảo tính liên thông của bộ máy.

“Đó cũng là lý do vì sao cần có cơ cấu 3 đội tuổi trong Ban Chấp hành Trung ương”, ông Hà nói.

Sau Đại hội Đảng XIII, cơ cấu nhân sự ở khối Chính phủ và Quốc hội có nhiều thay đổi với việc nhiều thành viên không tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, hoặc có người đủ tuổi tái cử nhưng lại không trúng cử.

Trong khối Chính phủ, đầu nhiệm kỳ khóa XIV có 27 thành viên gồm Thủ tướng, 5 phó thủ tướng (trong đó một phó thủ tướng kiêm nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao) và 21 bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Đến đầu năm 2020, bộ máy Chính phủ còn 26 thành viên sau khi Phó thủ tướng Vương Đình Huệ được phân công giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Sau Đại hội Đảng XIII, 12 thành viên Chính phủ đủ tuổi tái cử và đã đắc cử Ủy viên Trung ương khóa XIII, gồm: Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến.

Hai thành viên Chính phủ lần đầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

8 thành viên Chính phủ nhiệm kỳ XIV hết tuổi công tác và không tham gia Trung ương khóa mới là Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Ngoài ra, một thành viên Chính phủ là ủy viên Trung ương khóa XII đủ tuổi tái cử nhưng không trúng cử vào khóa mới là Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

17 thành viên Chính phủ tái cử sẽ tiếp tục giữ chức vụ hiện tại hoặc được giới thiệu, phân công giữ trọng trách mới.

Những vị trí thành viên Chính phủ không tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII sẽ sớm được kiện toàn tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV (dự kiến khai mạc cuối tháng 3).

kien toan lanh dao khong tai cu Trung uong anh 3

Sự thay đổi nhân sự cơ bản cũng xuất hiện ở khối Quốc hội khi toàn bộ lãnh đạo Quốc hội khóa XIV đều không tái cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, gồm: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, 4 phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ và Phùng Quốc Hiển.

Tốt nhất là giữ được sự chuyển tiếp, có sự giao thoa giữa các thế hệ để đảm bảo tính liên thông của bộ máy. Đó cũng là lý do vì sao cần có cơ cấu 3 đội tuổi trong Trung ương

Ông Nguyễn Đức Hà

Ngoài ra, 8 thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tái cử gồm Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đỗ Ngọc Chiến; Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng Phan Thanh Bình và Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy.

5 thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII gồm Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Lê Thị Nga; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Những người này sẽ tiếp tục nhiệm vụ hoặc có thể được phân công nhiệm vụ khác.

Hoài Thu/ ZF

Bài mới
Đọc nhiều