+
Aa
-
like
comment

Kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ có hành vi trái, không đúng chuẩn mực

Thành Nhân - 15/11/2019 09:29

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những “sự cố ứng xử nơi công cộng” của một số cán bộ, công chức, viên chức, nổi cộm gây bức xúc rất lớn trong dư luận. Đây là những bài học đắt giá để không chỉ ngành Công an mà tất cả các bộ, cơ quan, địa phương phải soi xét lại vấn đề rèn luyện đạo đức công vụ của cán bộ, nhân viên và đưa đạo đức công vụ vào lối sống thường ngày. Điều này cũng buộc chúng ta phải siết lại việc áp dụng trên thực tế Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa XII) về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”.

Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm cho biết sẽ yêu cầu các đơn vị trong ngành chấn chỉnh sau liên tiếp các hành vi gây bức xúc dư luận của một số chiến sỹ công an.
Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm cho biết sẽ yêu cầu các đơn vị trong ngành chấn chỉnh sau liên tiếp các hành vi gây bức xúc dư luận của một số chiến sỹ công an.

Phải xử nghiêm để làm gương

Thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra những vụ cán bộ, chiến sĩ công an vi phạm quy tắc ứng xử, tác phong không đúng chuẩn mực ở nơi công cộng. Các vụ việc này được đăng tải lên mạng xã hội khiến người dân bức xúc.

Đoạn clip mới được đăng tải lên mạng xã hội ghi lại hình ảnh vào sáng 10-11 ở trạm nghỉ Hải Đăng, xã Tân Phú, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, một người đàn ông chỉ tay bảo một đứa trẻ đi vào cửa hàng ở trạm lấy đồ ăn. Khi đứa trẻ lấy một gói xúc xích đi ra phía quầy thu tiền thì 2 nhân viên gồm 1 nam, 1 nữ có ý nói cậu bé phải tính tiền nhưng ông này ra hiệu cho cậu bé cứ mang gói xúc xích đi ra. Trong lúc cậu bé lưỡng lự chưa biết nghe lời ai thì ông này nhảy đến giật gói xúc xích từ tay cậu bé rồi bóc vỏ ném vào mặt nhân viên nữ đứng ở quầy, sau đó tiến tới tát vào mặt nam nhân viên trước sự chứng kiến của nhiều người. Nhiều người xem đoạn clip đã lên tiếng phản đối, thể hiện thái độ bất bình đối với hành động của người đàn ông (sau đó được biết là thượng úy Nguyễn Xô Việt, cán bộ Công an thị xã Phổ Yên).

Bộ Công an quyết xử nghiêm cán bộ, chiến sĩ có hành vi sai quấy - Ảnh 1.
Hình ảnh người đàn ông ném xúc xích, tát nhân viên trạm nghỉ được camera an ninh ghi lại. (Ảnh chụp màn hình)

Trước đó, ngày 11-8, hình ảnh nữ hành khách Lê Thị Hiền (đại úy, công tác tại Đội Cảnh sát giao thông – Trật tự – Phản ứng nhanh, Công an quận Đống Đa, TP Hà Nội) gây náo loạn tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) dư luận bất bình. Sau đó, bà Hiền đã bị xử phạt vi phạm hành chính 200.000 đồng về hành vi gây mất trật tự ở khu vực cảng hàng không. Cục Hàng không Việt Nam cũng ra quyết định cấm bay 1 năm đối với bà Hiền.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa

Bày tỏ quan điểm về vụ việc thượng úy Nguyễn Xô Việt, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng đây là những vụ việc “con sâu làm rầu nồi canh”, những cán bộ này cần phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của ngành để làm gương phòng ngừa ngăn chặn các cán bộ chiến sĩ khác. “Trong ngành công an, Bộ trưởng Bộ Công an đã quán triệt rất sâu sắc và chặt chẽ trong khi thi hành công vụ, đặc biệt là đối với dân. Từ những lời dạy của Bác Hồ đối với ngành công an nhân dân, mỗi cán bộ chiến sĩ cần phải thực thi cho tốt” – ông Hòa nói.

Về việc xử lý thượng úy Nguyễn Xô Việt, bên hành lang Quốc hội ngày 13-11, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trần Quốc Tỏ cho biết cơ quan công an tỉnh đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác 1 tháng đối với thượng úy Việt để làm rõ hành vi liên quan. “Tôi đã chỉ đạo với quan điểm là phải xử lý nghiêm hành vi vi phạm” – ông Tỏ nói.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trần Quốc Tỏ.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trần Quốc Tỏ.

Tại cuộc họp báo Chính phủ hôm 5-11, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết trong báo cáo mới đây gửi bộ, Công an TP Hà Nội dự kiến hạ cấp bậc bà Hiền từ đại úy xuống trung úy và điều động xuống nhận công tác ở vị trí không tiếp dân.

Liên quan 2 vụ việc này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thông tin về đạo đức công vụ, Chính phủ đã phê duyệt Đề án văn hóa công vụ và giao cho từng cơ quan, đơn vị xây dựng đạo đức, văn hóa công vụ của từng cơ quan, tùy theo vị trí công tác. “Nếu ai làm sai, theo quy định phải xem xét xử lý. Văn hóa công vụ là chung nhưng đạo đức nghề nghiệp, xử lý của từng vấn đề là từng cơ quan, đơn vị thực hiện. Đặc biệt lực lượng vũ trang, thường xuyên tiếp xúc với dân thì càng phải giữ lối sống, sinh hoạt gương mẫu” – Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhìn nhận.

“Đặc biệt lực lượng vũ trang, thường xuyên tiếp xúc với dân thì càng phải giữ lối sống, sinh hoạt gương mẫu”- Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân chia sẻ.
“Đặc biệt lực lượng vũ trang, thường xuyên tiếp xúc với dân thì càng phải giữ lối sống, sinh hoạt gương mẫu”- Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân chia sẻ.

Thiếu tướng Tô Ân Xô – Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an – cho biết hiện sự việc thượng úy Nguyễn Xô Việt vẫn đang được Công an tỉnh Thái Nguyên tìm hiểu, làm rõ. “Quan điểm nhất quán của Bộ Công an là xử lý nghiêm những sai phạm (nếu có). Cơ quan công an sẽ kiên quyết làm rõ mức độ sai phạm và có hình thức xử lý, không bưng bít, bao che” – Thiếu tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.

Cũng bên hành lang Quốc hội ngày 13-11, trả lời về 2 vụ việc nêu trên, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết Bộ sắp tới sẽ có chỉ đạo nhằm chấn chỉnh trong toàn lực lượng Công an nhân dân.

Đại úy Lê Thị Hiền, Thượng úy Nguyễn Xô Việt
Đại úy Lê Thị Hiền, Thượng úy Nguyễn Xô Việt

Cán bộ phải là “tấm gương sống” ngoài xã hội

Đạo đức công vụ nói theo cách dễ hiểu nhất là đạo đức của đội ngũ công chức khi thực thi công vụ. Đạo đức của lực lượng công chức, viên chức không chỉ được hình thành, rèn luyện tại nơi làm việc mà còn xuất phát, tiến triển từ một nền tảng quan trọng là đạo đức cá nhân, đạo đức xã hội của công chức bởi vì trước khi, trong khi thực thi công vụ họ là những con người cụ thể. Trong con mắt của người dân thì công chức phải là tấm gương về chuẩn mực đạo đức cá nhân, xã hội, vì cái thiện, chống cái xấu, cái ác.

Đạo đức xã hội được hiểu là chuẩn mực, những giá trị của các giai đoạn phát triển nhất định của xã hội.

Bộ trưởng Tô Lâm ân cần thăm hỏi người dân ở tỉnh Đắk Nông.
Bộ trưởng Tô Lâm ân cần thăm hỏi người dân ở tỉnh Đắk Nông.

Theo giáo trình của Học viện Hành chính quốc gia, đạo đức thực thi công việc của công chức là “trong lòng mỗi một công chức phải nhận thức đúng ba yếu tố: đạo đức cá nhân, xã hội; đạo đức nghề nghiệp; những quy định pháp luật riêng cho hoạt động công vụ. Muốn có đạo đức công vụ, công chức thực thi công vụ phải có đạo đức xã hội mang tính tự giác cao. Nếu chỉ có pháp luật, khó có thể hình thành đạo đức công vụ một cách tự giác”.

Trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình mà công chức vi phạm chuẩn mực đạo đức công vụ thì hệ quả gây ra đối với xã hội là rất lớn. Nhưng khi rời vị trí công việc, bước vào cuộc sống thường ngày mà họ vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội thì tác hại cũng nghiêm trọng không kém, dễ thấy nhất là làm giảm niềm tin của người dân đối với một ngành, cơ quan cụ thể và đối với nhà nước nói chung. Điều này được thể hiện rất rõ qua những “rung chấn” trên mạng xã hội và dư luận trong nước sau những hành vi “lệch chuẩn” của Đại úy Lê Thị Hiền và Thượng úy Nguyễn Xô Việt. Những hành vi đó gây bức xúc dư luận bởi nó không chỉ vi phạm các quy định về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, mà còn trái ngược với các chuẩn mực đạo đức xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, trò chuyện với người dân (Tại Khu đô thị Đặng Xá).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, trò chuyện với người dân (Tại Khu đô thị Đặng Xá).

Một trong 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân là: “Đối với nhân dân phải: Kính Trọng Lễ Phép”. Đối với cán bộ, chiến sỹ ngành công an – một cơ quan quyền lực của Nhà nước, yêu cầu, đòi hỏi phải có chuẩn mực đạo đức xã hội cao hơn bình thường, người dân soi xét kỹ hơn. Trong công việc phục vụ người dân, họ không thể hành xử với thái độ “bề trên”, “ban ơn”… Khi ra ngoài xã hội, cởi bỏ bộ cảnh phục, họ tuyệt đối không được “hống hách”, tự cho mình quyền xúc phạm, sỉ nhục, thậm chí hành hung những người “dám” phản ứng trước hành động “lệch chuẩn” của họ.

Ở một xã hội hiện đại với nền dân chủ và dân trí ngày càng được nâng cao thì việc quản lý công không thể áp đặt công cụ cai trị cực đoan mà cần đề cao sứ mệnh phục vụ công chúng. Quan điểm “Nhà nước phục vụ” được khái quát trong mô hình tương tác: nhà nước (người cung ứng) – công dân (khách hàng tiêu dùng).

Một trong những biểu hiện của tình trạng đạo đức cá nhân, đạo đức xã hội của công chức, viên chức chưa được soi xét kỹ là ở khâu tuyển dụng công chức và bổ nhiệm cán bộ. Điều kiện về năng lực đã được cụ thể hóa bằng quy định phải có các chứng chỉ, các bằng cấp tương ứng. Đây là điều kiện “cần”, chưa phải điều kiện “đủ” gồm cả đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì khía cạnh đạo đức nặng về “định tính” mà khó “định lượng” chính xác chỉ qua xét lý lịch, nhận xét của nhà trường, đơn vị, địa phương…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dù bận trăm công nghìn việc vẫn dành thời gian xuống đường chúc tết bà con nhân dân (tết Nguyên đán 2019).
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dù bận trăm công nghìn việc vẫn dành thời gian xuống đường chúc tết bà con nhân dân (tết Nguyên đán 2019).

Hiện nay, việc rèn luyện đạo đức cá nhân, đạo đức xã hội của cán bộ, công chức tại nhiều cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức. Khi cán bộ, nhân viên vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội thì biện pháp xử lý phổ biến là “kiểm điểm”, “rút kinh nghiệm”, nặng hơn là kỷ luật hành chính. Các trường hợp được dư luận chú ý thì được “đề xuất hình thức kỷ luật nghiêm khắc”. Tuy nhiên, từ việc đề xuất đến quyết định kỷ luật còn có một khoảng cách khá xa. Điển hình là vụ việc Đại úy Lê Thị Hiền bị đề nghị giáng cấp, điều chuyển công tác nhưng sau hơn hai tháng, quyết định chính thức vẫn chưa được công bố. Đối với trường hợp của Thượng úy Nguyễn Xô Việt, người dân đang chờ đợi sau một tháng bị đình chỉ công tác để xác minh làm rõ thì sẽ là hình thức kỷ luật như thế nào.

Những trường hợp vi phạm đạo đức xã hội của cán bộ, công chức liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây đặt ra vấn đề cần soi xét lại trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa XII) về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên: Trước dân chúng, không phải chúng ta cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” là được người ta tôn trọng, mà muốn lãnh đạo nhân dân “phải làm mực thước cho nhân dân bắt chước, phải làm gương, nêu gương trong công tác, trong lối sống, trong mọi hoàn cảnh để quần chúng noi theo. Soi vào những điều Bác dạy thì các trường hợp như Đại úy Lê Thị Hiền, Thượng úy Nguyễn Xô Việt không thể để “xử lý nội bộ” mà cần có hình thức kỷ luật nghiêm khắc bởi họ đã vi phạm thô thiển trách nhiệm nêu gương, làm méo mó hình ảnh cán bộ Công an nói riêng và hình ảnh cán bộ, đảng viên nói chung trong con mắt quần chúng.

Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Bác Hồ đã có câu nói giản dị mà vô cùng sâu sắc: “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Tiêu Điểm

Bài mới
Đọc nhiều