Kiên quyết đẩy lùi “bệnh thành tích” trong Đảng
Biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đặc biệt là “bệnh” thành tích, háo danh đã, đang đe dọa tới sự tồn vong của Đảng và chế độ, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng.
“Bệnh” thành tích, háo danh nguy hiểm đến mức nào?
“Mắc bệnh “thành tích”, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi, thích được đề cao, ca ngợi, “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”” là một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ.
Không phải đến nay “Bệnh” thành tích, háo danh mới xuất hiện. Cách đây hơn 90 năm, khi Nguyễn Ái Quốc viết tác phẩm “Đường Kách mệnh” (năm 1927), Người đã dành những trang đầu tiên để nói về tư cách của người cách mạng.
Người chỉ ra 14 tiêu chuẩn cần có của một người cách mạng, trong đó có một tiêu chuẩn là “Không hiếu danh. Không kiêu ngạo”. Và sau đó 20 năm, khi viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận diện, chỉ ra và cảnh báo những sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên dễ mắc phải.
Theo Người, những cán bộ, đảng viên mắc phải “căn bệnh” này đều có chung đặc điểm như: Ham địa vị, hay lên mặt, ưa người khác tâng bốc, khen ngợi mình; hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang, vênh váo, cho ai cũng không bằng mình; tự cho mình là anh hùng, vĩ đại, có khi vì cái tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm; chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực…
Việc thổi phồng thành tích, háo danh, phô trương đã và đang tiếp tục trở thành “căn bệnh” của không ít cá nhân, tập thể trong thời gian qua. Điều đáng nói là “bệnh” này đang có chiều hướng lây lan ngày càng rộng và diễn ra ở mọi lĩnh vực: kinh tế, giáo dục – đào tạo, văn học – nghệ thuật, thi đua khen thưởng… Điều đáng lo ngại nhất là nó đang diễn ra trong lĩnh vực xây dựng Đảng và ở không ít cán bộ, đảng viên; trong đó, có cán bộ có chức, có quyền, cán bộ chủ chốt, đứng đầu đơn vị, địa phương.
“Bệnh” thành tích được sinh ra từ háo danh và từ thành tích gian dối có được càng thúc đẩy sự háo danh nảy nở, phát triển. “Bệnh” thành tích là mặt trái của thành tích. Đó là thành tích giả, thành tích ảo, thành tích ngụy tạo, thành tích do tô hồng, thổi phồng mà có; hoặc có thể là thành tích “thật một nửa” nhưng cá nhân, tập thể đạt được không phải do sự nỗ lực, cố gắng trong thi đua mà “cố đấm ăn xôi” để đạt được bằng mọi giá thông qua sự bắt tay giữa các “nhóm lợi ích”.
“Bệnh thành tích” là một trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của đảng viên và tổ chức Đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra. Mắc “bệnh thành tích” trong lĩnh vực nào cũng nguy hiểm, nhưng trong công tác xây dựng Đảng là nguy hiểm hơn cả, vì đây là công tác then chốt.
Không những thế, “bệnh thành tích” trong xây dựng Đảng về chính trị và tư tưởng đang “bám rễ” vào cả công tác lý luận. Không ít cấp ủy chi tiêu tốn kém cho những công trình, đề tài lý luận “đao to, búa lớn” nhằm lấy thành tích cho người đứng đầu mà không tìm ra cái mới, cái thiết thực cho công tác lãnh đạo…
Điều nguy hại là “bệnh” thành tích, háo danh suy cho cùng chính là sự giả dối, gian dối nhằm mục đích vụ lợi. “Bệnh thành tích” trong xây dựng Đảng hiện nay gây bức xúc dư luận nhiều nhất là việc lợi dụng các quy định của Đảng để “bổ nhiệm thần tốc” những người thân quen của người đứng đầu. Tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” trong đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ đang là vấn nạn nhức nhối hiện nay.
Phải điều trị triệt để “bệnh” thành tích, háo danh
Thời gian qua đã có những phần thưởng, danh hiệu cao quý được trao trên cơ sở căn cứ vào những báo cáo thành tích gian dối, tạo cơ hội cho người được khen thưởng sớm tăng lương trước thời hạn, có điều kiện thăng chức, bổ nhiệm. Có những cán bộ bị truy tố trước pháp luật thời gian qua đã minh chứng rất rõ điều này. Họ đã đi lên bằng việc che giấu những sai phạm nghiêm trọng, bằng những thành tích hào nhoáng, không có thật, nhưng lại được hợp thức hóa bằng những phần thưởng cao quý.
Còn nhớ vụ án gây xôn xao dư luận cách đây 8 năm, việc UBND một thành phố lớn đã quyết định khen thưởng cho gần 11.000 cá nhân trong năm, trong đó số cán bộ lãnh đạo quản lý chiếm khoảng 90%, còn lại là nhân dân và người lao động. Nói một cách dễ hiểu, ở địa phương này, cứ 10 người được khen thì có 9 người là cán bộ.
Nổi cộm nhất là vụ “chạy danh hiệu” của Trịnh Xuân Thanh. Đứng đầu Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC), nhưng Trịnh Xuân Thanh để xảy ra nhiều sai phạm rất nghiêm trọng khiến doanh nghiệp này thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng. Thế nhưng, Trịnh Xuân Thanh vẫn tìm mọi cách luồn lọt “chạy thành tích” để được ưu ái tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba của Nhà nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và được tặng Bằng khen của lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Xây dựng… Còn PVC thì được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã hủy bỏ quyết định về việc tặng Bằng khen của Thủ tướng đối với Trịnh Xuân Thanh. Trước đó ít lâu, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chủ tịch nước xem xét hủy quyết định khen thưởng danh hiệu đã từng trao cho Trịnh Xuân Thanh và PVC.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần yêu cầu ngành tổ chức – cán bộ trả lời câu hỏi về các hiện tượng “chạy ai, ai chạy”, “thứ nhất hậu duệ, thứ nhì phả hệ, thứ ba quan hệ, thứ tư tiền tệ, thứ năm trí tuệ”…Tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” trong đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ đang là vấn nạn nhức nhối hiện nay.
Phát biểu củaTổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi chủ trì phiên họp của Bộ Chính trị hồi tháng 3 vừa qua. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh cần tiếp tục cải tiến hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến, học tập các nghị quyết, chỉ thị.
“Do nhận thức chưa thật sâu sắc, chưa hiểu thấu hết yêu cầu nhiệm vụ, tính chất quan trọng của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, cho nên hoạt động vẫn còn hình thức, nhiều nơi có tính chất đối phó, học qua qua báo cáo thế thôi. Thực tế vẫn còn hiện tượng nể nang, anh nào vướng vào khuyết điểm rồi thì không muốn làm, không quyết tâm làm, thậm chí né tránh, bệnh thành tích, sợ trách nhiệm, sợ khuyết điểm, đổ cho người khác. Một điểm chung là con người thường thấy mình tốt hơn, giỏi hơn, nhưng thiệt thòi hơn, nên có cái gì đụng đến là giãy nảy lên. Bởi vậy, xây dựng Đảng trước hết là xây dựng con người.”
“Bệnh thành tích” còn có cả trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Biểu hiện trong lĩnh vực này tuy ít, nhưng vô cùng nguy hiểm. Như việc một số cấp ủy chạy theo thành tích xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra dàn trải, tràn lan để báo cáo nhưng không thực hiện hoặc kiểm tra qua loa, đại khái, trở thành “tấm khiên” che đỡ cho các tập thể, cá nhân vi phạm hoặc tình trạng chọn những điển hình tiên tiến để kiểm tra nhằm tạo vẻ đoàn kết, bình yên giả tạo hoặc đánh bóng tên tuổi cho cá nhân, tổ chức cấp trên.
Hậu quả của “bệnh thành tích” trong công tác xây dựng Đảng là vô cùng lớn, liên quan đến sự sống còn của Đảng và chế độ ta. Từng cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ ràng rằng, đây là một hiện tượng xã hội nguy hại, cần có cách thức phòng, chống phù hợp với những bước đi, việc làm kiên trì và kiên quyết trong từng giai đoạn.
Phạm Minh Hà