Kiên quyết loại trừ tham vọng quyền lực cá nhân
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khuyến khích người tài đức, có khát vọng ra gánh vác việc nước, việc dân, cho đất nước hưng thịnh, nhân dân hạnh phúc. Nhưng Bác cũng hết sức nghiêm khắc và luôn kiên quyết đấu tranh với mọi tư tưởng, hành vi tham vọng quyền lực vì danh lợi cá nhân.
Chúng ta biết rằng con người là sự kết hợp tổng hòa của giá trị riêng và chung, cả tích cực và chưa tích cực. Vì thế ham muốn trong mỗi con người cũng đan xen cả hai mặt. Khi ham muốn hướng tới giá trị chung của cả cộng đồng, mong muốn những điều lớn lao, tốt đẹp với một sức thôi thúc mạnh mẽ ấy là ham muốn rất chính đáng, đồng nghĩa với khát vọng. Ngược lại nếu ham muốn chỉ hướng về mục tiêu riêng cho bản thân hoặc ham muốn quá lớn bất chấp hoàn cảnh thực tại thì đó là những ham muốn không chính đáng, làm tham vọng.
Với cá nhân con người, ai cũng có tham vọng, có tham vọng tốt, có tham vọng xấu. Bác Hồ có một câu nói nổi tiếng: Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao để nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Và chính từ ham muốn tột bậc không gợn chút riêng tư đó, Người trở thành một vị Chủ tịch nước một cách tự nhiên, không ai mảy may có ý nghĩ Người ham muốn quyền lực. Nhân cách vĩ đại đó thật hiếm có. Cho nên mấu chốt của vấn đề là phải phân loại được tham vọng quyền lực với mục đích cá nhân hay quyền lực với mục đích phục vụ nhân dân.
Thực tiễn việc nhận xét, đánh giá một con người dễ bị tình cảm cá nhân chi phối, tác động. Cùng một hoạt động nhưng thích thì bảo năng động, có chí tiến thủ, còn không ưa thì bảo là chơi trội và tham vọng quyền lực.
Cuộc đời mỗi con người đều có những tham vọng, ước mơ để hướng cá nhân mình phấn đấu. Rất nhiều người có tham vọng quyền lực để phục vụ nhân dân, nhưng cũng đã và đang chuyện nơi này, nơi kia do tham vọng quyền lực và một số nhân vật bằng mọi giá có thể dùng tiền, dùng mối quan hệ để có được chức quyền cao hơn so với năng lực, đạo đức của họ, nhằm phục vụ lợi ích nhóm hoặc cho cá nhân họ. Những người tham vọng quyền lực với mục đích cá nhân thường gắn với các biểu hiện của chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy phiếu bầu, luồn cúi và các hành vi gian dối để đạt được quyền lực, đạt được tham vọng. Khi quyền lực rơi vào tay những cá nhân kém đức, kém tài này thì quyền lực ấy sẽ bị tha hóa, bị sử dụng để phục vụ cho lợi ích cá nhân, phe nhóm và bỏ qua lợi ích quốc gia dân tộc. Họ dùng chính quyền lực đó để trục lợi kinh tế và trục lợi chính trị. Khi có quyền lực, họ đưa con cháu, họ hàng vào các vị trí trong bộ máy.
Việc nhận diện cán bộ tham vọng quyền lực trên thực tế không phải dễ, bởi họ hay dấu mình nhưng không phải không thể nhận diện được nếu chúng ta biết dựa vào cơ quan, đơn vị, địa phương – nơi cán bộ đó làm việc, sinh sống; qua thăm dò ý kiến, lấy phiếu tín nhiệm của đồng nghiệp, của nhân dân.
Thông qua các kênh giám sát này, người dân sẽ phát hiện, báo cáo với Đảng về những cán bộ không đủ điều kiện, từ đó các cơ quan chức năng sẽ thanh tra, kiểm tra, điều tra thì có thể sàng lọc được những kẻ tham vọng quyền lực, cơ hội chính trị. Hơn nữa, việc nhận diện những cán bộ có ham muốn quyền lực để phục vụ nhân dân hay những cán bộ tham vọng quyền lực vì mục đích cá nhân, lợi ích nhóm phụ thuộc vào người đứng đầu, vào cấp trên, bởi vì họ có con mắt nhìn cán bộ. Người đứng đầu tốt, trong sáng thì chắc chắn sẽ chọn được những phụ tá, cấp dưới tốt. Nếu thực hiện đúng và tốt những quy định rõ như ban ngày ấy chắc không phải lo ngại gì về cái gọi là tham vọng quyền lực.
Vẫn biết giữa yêu cầu mong muốn và thực tế là một khoảng cách không hề nhỏ. Mong sao các Đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương tiến tới Đại hội XIII của Đảng thực sự sáng suốt, loại bỏ những người kém đức, kém tài và tham vọng quyền lực ra khỏi bộ máy lãnh đạo của Đảng. Mong lắm dù biết là không đơn giản.
Diệu Hương
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả