Kiến nghị mở tiêm dịch vụ để người dân tiếp cận vắc xin
Cần sớm đẩy nhanh thử nghiệm, cấp phép với vắc xin nội và mở thêm loại hình tiêm dịch vụ để người dân được tiếp cận tiêm vắc xin – đại biểu Quốc hội kiến nghị giải pháp để sớm ngăn chặn và đẩy lùi dịch COVID-19.
Phát biểu tại Quốc hội sáng 26-7 trong phiên thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) chia sẻ nỗi sốt ruột khi tình hình dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, biến thể Delta lây lan rất nhanh khiến số lượng ca nhiễm, ca tử vong ngày càng tăng cao.
Việc áp dụng các biện pháp giãn cách, phong tỏa là cần thiết, nhưng ông cho rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời.
“Để giải quyết được chỉ có vắc xin thôi, nếu ta cứ chờ đợi vắc xin nhập về, trong khi các nước tính toán tiêm mũi thứ 3, sẽ càng khó khăn trong tiếp cận vắc xin”, đại biểu Ngân bày tỏ lo ngại và cho rằng cần quan tâm nghiên cứu vắc xin trong nước.
Nhắc đến hai sản phẩm vắc xin trong nước đang được nghiên cứu, thử nghiệm là Nanocovax và Covivac, đại biểu Ngân cho rằng việc này cho thấy “trí tuệ của người Việt Nam rất tuyệt vời”.
Ông xúc động chia sẻ rằng mình đã tìm hiểu qua các nguồn thông tin, hỏi thăm về tiến độ nghiên cứu, sản xuất, thì được biết hiện vắc xin Nanocovax đang tiến hành thử nghiệm với sự tham gia của Hội đồng khoa học, Hội đồng y khoa để đẩy nhanh quá trình này.
Các cấp, ngành cũng tham gia tích cực để sản phẩm được nghiên cứu, thử nghiệm thành công, như việc Thủ tướng trực tiếp đến công ty, động viên thêm nguồn lực để tháo gỡ sản xuất. “Sáng nay tôi hỏi anh Thi – giám đốc Khu công nghệ cao TP.HCM [ông Nguyễn Anh Thi – NV], anh có nói là khả năng sản xuất có thể lên tới 7-7,2 triệu liều/tháng”, ông Ngân chia sẻ.
Do đó, ông cho rằng cùng với ý kiến của Hội đồng khoa học, Hội đồng y khoa, cần mời thêm chuyên gia nước ngoài để thẩm định, trường hợp vắc xin đảm bảo an toàn rồi thì có thể bỏ qua một số công đoạn trong quy trình phê duyệt để sớm có vắc xin của Việt Nam, sớm đạt dược miễn dịch cộng đồng.
“Cần có vắc xin Việt Nam, chúng ta phải tự chủ vắc xin, để bảo vệ tính mạng nhân dân an toàn, tạo miễn dịch cộng đồng, giảm cách ly, phong tỏa, những vấn đề sang chấn tâm lý trong dân. Khi đạt miễn dịch cộng đồng thì kinh tế của ta sẽ sớm hồi phục và phát triển, tỉ lệ người dân tiêm vắc xin tăng thì ca nhiễm giảm và cũng giảm tối đa ca tử vong”, ông Ngân cũng đề nghị quan tâm hơn đến việc triển khai tiêm chủng, mở thêm loại hình tiêm dịch vụ để mở rộng kênh giúp người dân tiếp cận vắc xin.
N.AN