Kiến nghị dạy học đại trà qua truyền hình thay vì nghỉ học dài ngày
Gửi kiến nghị lên Thủ tướng, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng nghỉ học quá lâu sẽ tác động xấu nhiều mặt đến giáo dục và xã hội.
Theo Hiệp hội, dịch viêm phổi cấp Covid-19 từ Vũ Hán vẫn đang diễn biến phức tạp với độc tính cao và lan tuyền nhanh. WHO vẫn chưa đánh giá được mức độ thảm họa và thời gian kéo dài đến lúc nào.
Việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học trong mùa dịch Covid-19 là cần thiết, nhưng nếu kéo dài, hơn 20 triệu học sinh, sinh viên nghỉ học quá lâu sẽ tác động xấu nhiều mặt đến giáo dục và xã hội.
Cho nên, “tốt hơn là toàn xã hội cần chung sức với ngành giáo dục triển khai các giải pháp vĩ mô để chủ động đối phó với mọi diễn biến xấu có thể của đại dịch mà không chỉ thụ động cho học sinh, sinh viên nghỉ học chờ hết dịch”.
Trong thời gian cho học sinh, sinh viên nghỉ tránh dịch Covid-19 vừa qua, một số trường phổ thông và đại học đã chủ động thực hiện đào tạo trực tuyến. Hiệp hội cho rằng việc này rất tốt.
“Chỉ có điều, điều kiện để áp dụng việc học trực tuyến bằng công nghệ cao không dễ, bởi đối tượng người học có hoàn cảnh kinh tế khác nhau. Không phải học sinh, sinh viên nào cũng có máy tính, điện thoại thông minh, Ipad… để học, như thế sẽ rất bất tiện khi áp dụng đại trà”.
Giải pháp mà Hiệp hội đề xuất là triển khai đại trà trên toàn quốc việc dạy học trên truyền hình.
“Hiện cả nước có hàng trăm kênh truyền hình từ trung ương đến địa phương. Đây là lợi thế để triển khai giải pháp này. Nhà nước nên huy động các kênh truyền hình cùng tham gia vào hoạt động giảng dạy nhiều giờ trong ngày, thậm chí cả ngày, theo hình thức phi lợi nhuận”, công văn của Hiệp hội viết.
Theo Hiệp hội, khi các kênh truyền hình cùng tham gia, cần có quy định rõ ràng thời khóa biểu cho từng môn học đối với từng khối lớp, áp dụng chung thống nhất trên cả nước hoặc cho từng tỉnh, thành phố.
Các Sở GD-ĐT sẽ lựa chọn giáo viên bộ môn giỏi, tiêu biểu lên dạy trên truyền hình. Học sinh ở nhà hoặc vài ba em học chung một lớp cùng ngồi học trực tuyến, bên cạnh đó có phụ huynh quản lý, theo dõi. Việc theo dõi, hướng dẫn đánh giá kết quả học tập của học sinh vẫn do đội ngũ giáo viên ở các trường đảm nhiệm, chủ yếu qua mạng thông tin truyền thông quốc gia.
Áp dụng giải pháp này, Hiệp hội cũng cho rằng các đài truyền hình phải rút bớt thời lượng dành cho các chương trình khác. Vì vậy, những người đứng đầu ngành, đứng đầu các địa phương cần sớm đưa ra quyết định để các đài truyền hình chủ động phối hợp với các cơ sở giáo dục triển khai việc dạy học.
Nếu có chủ trương từ trên và có sự đồng thuận của các Sở GD-ĐT địa phương, các trường tại địa phương, các đài phát thanh địa phương thì việc dạy học đại trà trên khắp 63 tỉnh/ thành của cả nước, trước hết là cho học sinh phổ thông.
Hiệp hội cho rằng giảng dạy trực tuyến, trong đó có giảng dạy trên truyền hình là xu hướng chung của giáo dục toàn thế giới, các trường Việt Nam cũng nên theo thay vì sử dụng hoàn toàn phương thức dạy học truyền thống như hiện nay.
Chính vì vậy, trong văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng ủng hộ và chỉ thị cho Bộ GD-ĐT, Bộ TT&TT, Truyền hình Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố cùng phối hợp khẩn trương triển khai chuyển sang áp dụng đại trà phương thức dạy học trên truyền hình ở quy mô toàn quốc mà không phải dùng giải pháp nghỉ học dài ngày trong mùa dịch Covid-19.
Thúy Nga/VNN