Kiến nghị bổ sung quyền xử phạt karaoke ‘hung thần’ cho chủ tịch xã, tăng mức phạt
Sở Tài nguyên – môi trường TP.HCM kiến nghị Bộ Tài nguyên – môi trường trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung nghị định 155 theo hướng bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chủ tịch UBND cấp xã đối với các hành vi vi phạm về tiếng ồn.
Sở Tài nguyên – môi trường (Tài nguyên – môi trường) TP.HCM vừa kiến nghị bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho chủ tịch UBND cấp xã đối với các hành vi vi phạm về tiếng ồn, nhằm đảm bảo tính kịp thời trong việc xử lý vi phạm đối với karaoke “hung thần”.
Ngày 4-3, trong văn bản gửi UBND TP.HCM về việc xử lý vi phạm tiếng ồn (karaoke), Sở Tài nguyên – môi trường cho biết việc xử lý vi phạm về tiếng ồn được thực hiện theo nghị định số 155 và nghị định số 167 của Chính phủ. Tuy nhiên, một số quy định trong hai nghị định này còn bất cập.
Tăng mức phạt, bỏ đóng khung thời gian xử phạt
Tại nghị định số 155 quy định việc đo đạc tiếng ồn phải được thực hiện bởi đơn vị có chức năng (được Bộ Tài nguyên – môi trường cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường), không đề cập đến phương tiện đo đạc khác, đồng thời không giao chủ tịch UBND cấp xã được xử phạt hành vi này.
Trong khi đó, nguồn gây ồn như hát karaoke từ sinh hoạt của người dân phát sinh có thời điểm nhất định, tức thời nên cơ quan chức năng khó khăn trong việc phối hợp kiểm tra, đo đạc, xác định vi phạm; người vi phạm cũng chủ động chấm dứt hành vi vi phạm khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.
Nghị định 167 quy định mức phạt tiền thấp từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng nên chưa đủ sức răn đe. Nghị định này cũng chỉ giới hạn việc xử lý vi phạm trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, nếu vi phạm ngoài khung giờ thì không thể xử phạt.
Từ đó, Sở Tài nguyên – môi trường TP.HCM kiến nghị Bộ Tài nguyên – môi trường trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung nghị định 155 theo hướng bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chủ tịch UBND cấp xã đối với các hành vi vi phạm về tiếng ồn nhằm đảm bảo tính kịp thời trong việc xử lý vi phạm.
Sở cũng kiến nghị giao thêm thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho công an và chủ tịch UBND các cấp đối với nguồn gây ồn từ sinh hoạt của người dân.
Bổ sung thêm các thiết bị đo tiếng ồn
Sở Tài nguyên – môi trường cũng kiến nghị sửa đổi bổ sung theo hướng cho phép sử dụng phương tiện đo đạc tiếng ồn như phần mềm điện thoại di động (app) hoặc các phương tiện cầm tay hợp chuẩn do sở khoa học – công nghệ tỉnh, thành phố công bố.
Kiến nghị Bộ Công an trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung nghị định 167 theo hướng tăng mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng. Đồng thời không giới hạn thời gian để xử lý vi phạm, nhằm xử lý triệt để hành vi vi phạm.
Sở cũng kiến nghị UBND TP xem xét, chỉ đạo, bổ sung nội dung giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn đô thị là một trong các vấn đề trọng tâm trong kế hoạch thực hiện chương trình giảm thiểu ô nhiễm các giai đoạn tiếp theo.
Trước mắt, sở này kiến nghị UBND TP giao Sở Khoa học – công nghệ công bố, giới thiệu các phần mềm điện thoại di động (app) hoặc các phương tiện cầm tay đang lưu hành hợp chuẩn, để trang bị cho các lực lượng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, và cho ban điều hành khu phố, tổ dân phố để thực hiện quy ước tổ dân phố.
Lập đường dây nóng xử lý karaoke “hung thần” tại UBND cấp quận, xã
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên – môi trường TP.HCM, giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là đối với các hộ gia đình, cá nhân lạm dụng việc sử dụng loa để hát hò, gây ồn. Do đó, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân phải gắn với công tác vận động xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa.
Việc thực hiện hương ước, quy ước là một trong những tiêu chí xét danh hiệu. Cũng theo Sở, hiện nay việc người dân phản ảnh về tiếng ồn, karaoke “hung thần” qua đường dây nóng của Sở Tài nguyên – môi trường; sau khi tiếp nhận thông tin, sở này phải kiểm tra, xác minh thông tin từ địa phương nên có chậm trong công tác xử lý.
Do đó, theo Sở, cần thiết lập đường dây nóng về xử lý tiếng ồn tại UBND cấp quận, cấp xã và ban điều hành khu phố để kịp thời chủ động xử lý, nhắc nhở khi có thông tin phản ảnh của người dân.
TIẾN LONG