Kiếm tiền bằng cổ xúy coi bói, “người nổi tiếng” đang quá coi thường dư luận!
Thời buổi mạng xã hội và các kênh truyền thông bùng nổ chứng kiến sự “nổi tiếng” nhanh chóng của một bộ phận người làm trong ngành giải trí với danh xưng “nghệ sĩ”. Sự nổi tiếng cùng lượng người hâm mộ đông đảo mang lại cho họ nhiều giá trị về vật chất và tinh thần, nhưng có không ít nghệ sĩ thay vì tri ân những tình cảm đó, lại đi lợi dụng để kiếm chác dựa trên lòng tin của những người đã hết lòng vì mình.
Dư luận xã hội vài ngày qua đang xôn xao vì câu chuyện một số nghệ sĩ nổi tiếng đi “lùa gà” người hâm mộ bằng cách dùng trang cá nhân quảng cáo hoạt động “bói tử vi”. Trên thực tế, đây chỉ là hình thức trá hình cho việc bán vật phẩm phong thủy như vòng tay, ấn rồng, bi cầu, cây tài lộc… Những sản phẩm phong thủy kể trên thường có giá cao ngất ngưởng, trong khi chất lượng và nguồn gốc chưa được kiểm chứng. Không ít người vì tin tưởng danh tiếng của những nghệ sĩ này đã vào tìm hiểu thông tin và bị dụ dỗ mua những sản phẩm lên đến hàng chục triệu kèm theo yêu cầu “dâng lễ giải hạn”. Không chỉ quảng cáo quá lố và sai sự thật, hành vi của các nghệ sĩ này còn có dấu hiệu của việc “truyền bá mê tín dị đoan” và có nguy cơ bị xử phạt.
Dễ thấy đây là câu chuyện không mới và nó chỉ diễn ra trong khoảng thời gian vài năm gần đây. Thời trước, để một nghệ sĩ trở nên nổi tiếng không hề dễ, mà họ phải trải qua rất nhiều năm tập trung chuyên tâm cống hiến cho nghề và cho khán giả bằng những sản phẩm chất lượng.
Từng có thời gian nhiều nghệ sĩ bị cảnh cáo vì hành vi quảng bá cho thuốc đông ý trị bách bệnh, sai sự thật. Và nay, “sản phẩm” mới của họ là “bói tử vi”, “bùa chú”, “tâm linh” nhằm tiếp tay cho những kẻ trục lợi fan hâm mộ của chính mình. Không có fan thì không có nghệ sĩ không có khán giả thì nghệ sĩ chỉ là con số không. Thế nhưng, có lẽ các nghệ sĩ cảm thấy điều đó là chưa đủ, và họ cần “tận dụng” thêm nữa. Đương nhiên, không ai cấm nghệ sĩ quảng cáo hay tiếp thị để kiếm thêm thu nhập, nhưng đó phải là những sản phẩm thực sự chất lượng, và tử tế.
Có lẽ đã đến lúc cần xem xét một chế tài thật nghiêm khắc với các nghệ sĩ trên phương diện đạo đức xã hội, để “những người của công chúng” không lan truyền, phát tán những nội dung phản cảm và sai sự thật. Có những khía cạnh vô hình trong xã hội mà pháp luật chưa đề cập đến, nhưng có thể gây ra nhiều tác hại tiêu cực về tinh thần nếu cứ để cho những người nắm trong tay “quyền lực” truyền thông tương đối lớn nhưng lại vô trách nhiệm và thiếu đạo đức với những hành vi, ứng xử của mình. Nếu họ không biết trân trọng “quyền lực”, thì nó cần phải bị tước bỏ, bằng nhiều hình thức, trong đó có “cấm sóng”, và tẩy chay từ phía khán giả.
An Diễm