Kích cầu tiêu dùng mùa Tết để vực dậy nền kinh tế
Kinh tế thế giới đang tăng tốc, trong khi tăng trưởng của Việt Nam bị chậm lại. Chính vì thế, kích cầu mua sắm cuối năm 2021 và dịp Tết nguyên đán 2022 chính là mục tiêu quan trọng để vực dậy nền kinh tế nội địa vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19.
Hỗ trợ chưa đủ liều
Nền kinh tế Việt Nam với 98% là các DN nhỏ và vừa, đóng góp trên 40% GDP cả nước hàng năm và tạo ra hơn 5 triệu việc làm, đang trong tình cảnh rất khó khăn. Trong đại dịch Covid, khu vực này trở nên yếu thế, vốn liếng tích cóp được bị cuốn đi tất cả. Dù hoạt động sản xuất kinh doanh đã được khôi phục trở lại, nhưng nhiều DN cho biết doanh thu giảm mạnh, trong khi chi phí phòng chống dịch, nguyên liệu đầu vào, logistics,… tăng, nên bị thua lỗ. Khó khăn nhất là thiếu dòng tiền, thiếu đầu ra cho sản phẩm.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các chương trình hỗ trợ DN thời gian qua có vấn đề cốt lõi là khả năng thiết kế và thực thi của bộ máy. Các chương trình đều rất tích cực, nhưng năng lực thực thi và cách thức tổ chức không tốt, đã không mang lại hiệu quả mong muốn.
Khảo sát nhanh của VCCI với trên 500 DN vào tháng 8/2021 cho thấy, các gói hỗ trợ đa số chưa phát huy hiệu quả, còn mang tính hình thức, thậm chí không khả thi.
Với gói hỗ trợ về thuế, bao gồm hoãn và giảm thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế và phí khác, chỉ có 35,3% số DN tham gia khảo sát cho biết đã tiếp cận được. Tỷ lệ DN không tiếp cận được gói hỗ trợ về thuế cao, phản ánh những khó khăn và bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong số các DN tiếp cận được với gói hỗ trợ về thuế, chỉ 15,69% cho là dễ dàng, còn gần 20% cho là khó và rất khó. Chỉ có 9,3% số DN tiếp cận được gói hỗ trợ về thuế cho rằng đáp ứng được toàn bộ yêu cầu, còn 21,57% cho biết chỉ mới đáp ứng được một phần và 10,46% cho biết chỉ đáp ứng được rất ít. Trên 24% DN đã tiếp cận được nhận xét mức độ tác động của gói hỗ trợ về thuế đối với họ ở mức trung bình, còn 7,84% nói có mức tác động thấp, chỉ có 3,27% có mức tác động cao.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Kinh tế Việt Nam, việc miễn giảm thuế, nhất là thuế thu nhập DN, trong bối cảnh DN khó khăn, sản xuất kinh doanh không có lãi, chưa phát huy tác dụng nhiều. Số DN được hưởng không lớn. Nếu giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tác động ngay lập tức trên diện rộng, bởi giúp kích cầu tiêu dùng, qua đó giảm khó khăn cho DN.
Ông Jay Roop, chuyên gia kinh tế chính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Thái Lan, cho biết, cũng giống như Việt Nam, Thái Lan có tới 98% là DN nhỏ và vừa, tạo ra khoảng 40% GDP hàng năm. Đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch. Để hỗ trợ, Chính phủ Thái Lan thực thi nhiều giải pháp, trong đó có điều chỉnh giảm thuế giá trị gia tăng và thực hiện chương trình đồng thanh toán cho người tiêu dùng. Khi người dân mua sắm hay đi du lịch… Chính phủ sẽ đứng ra thanh toán một phần. Chương trình này đã kích cầu cho nền kinh tế, hỗ trợ tạo đầu ra cho nhiều sản phẩm, giúp DN không bị sụt giảm doanh thu và đứt gãy dòng tiền, vượt qua khó khăn.
Giảm thuế kích cầu
Ông Đậu Anh Tuấn cho hay, trong quá trình thảo luận về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, VCCI đã khuyến nghị, một trong những chương trình thực thi hiệu quả nhất là giảm thuế giá trị gia tăng. Hiện nay, thuế giá trị gia tăng đã giảm 30% cho nhóm DN chịu ảnh hưởng nặng như: du lịch, dịch vụ vận tải, lữ hành… Hỗ trợ này tất nhiên là hữu ích, nhưng số DN được thụ hưởng ít. Không những thế, những DN du lịch, lữ hành quốc tế vừa qua có doanh thu bằng 0, thì giảm tới 30% cũng không mang nhiều ý nghĩa.
Cần giảm 2% thuế giá trị gia tăng trên diện rộng, ở tất cả mọi ngành nghề lĩnh vực. Giải pháp này mang lại nhiều lợi ích, mà lợi ích đầu tiên là thực thi rất dễ và mọi người đều biết mình được hưởng 2% thuế này. Khi cả DN, người dân đều được hưởng sẽ giúp phía cung và phía cầu đều được kích thích, ông Tuấn nói.
Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 12 của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra khuyến nghị: với dư địa tài khóa hiện có và những khó khăn được ghi nhận, Chính phủ có thể cân nhắc các biện pháp về thu ngân sách, để hỗ trợ tổng cầu trong nước. Đó có thể là giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 để hỗ trợ tiêu dùng tư nhân.
Ông James Villafuerte, chuyên gia kinh tế chính của ADB, lưu ý, trong hoàn cảnh hiện nay DN rất cần tiền và cần sự giúp đỡ, hỗ trợ để duy trì hoạt động. Ngoài chính sách về tiền tệ, Chính phủ Việt Nam cần cắt giảm thuế để kích thích kinh tế. Chấp nhận có thể giảm thu ngân sách để kích cầu.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, nhiều quốc gia đã đưa ra các gói giải pháp hỗ trợ rất lớn và sớm. Kinh tế thế giới đang tăng tốc, trong khi tốc độ tăng trưởng của Việt Nam bị chậm lại. Nếu năm 2022 mới đưa ra các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, khi các nước đã thực hiện xong rồi, thì nguy cơ bị lỡ nhịp là rất rõ. Do vậy, phải chọn giải pháp nào nhanh đi vào thực tế, mang lại hiệu ứng trực tiếp cho DN và người dân. Giảm thuế giá trị gia tăng là giải pháp mang tính khả thi cao, nhanh đi vào thực tế, không tốn nguồn lực khi thực hiện và rất rõ ràng.
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, đánh giá, dư địa để Việt Nam thực hiện những gói cứu trợ và phục hồi nền kinh tế vẫn còn, nhưng dư địa về thời gian không còn nhiều. Khi các quốc gia đi vào chu kỳ phục hồi mà Việt Nam mới bắt đầu đưa ra các chính sách thì sẽ muộn. Áp lực về lạm phát tăng, nếu không nhanh cả về việc ra chính sách và thực hiện, càng chần chừ thì dư địa thời gian càng bị thu hẹp.
Thanh Giang