Kịch bản “2 Singapore” gây ám ảnh toàn cầu
Tờ South China Morning Post (SCMP) mới đây đã có bài phân tích về khả năng sẽ có “2 Singapore” do khoảng cách giàu nghèo tại Singapore ngày càng trở nên rõ ràng hơn trong bối cảnh người dân phải vật lộn với chi phí sinh hoạt và sự cạnh tranh trong công việc.
Theo SCMP, chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, Singapore thu hút sự chú ý của giới siêu giàu với các văn phòng gia đình cùng những khoản đầu tư hàng triệu USD. Tuy nhiên, việc giới thượng lưu đổ xô đến Singapore đã khiến chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, có những mặt hàng như rau cải giá đã tăng gấp đôi.
Trong bối cảnh đó, kịch bản về “2 Singapore” – một nơi có mức lương cao, lối sống quốc tế và nhiều cơ hội làm việc toàn cầu, và một nơi có nhận thức phổ biến về sự dịch chuyển xã hội chậm lại và giá nhà đất tăng – đã được đưa ra tại quốc hội trong cuộc tranh luận về ngân sách gần đây của đất nước.
Lãnh đạo đảng Công nhân, ông Pritam Singh cảnh báo về khả năng kịch bản “2 Singapore” có thể dễ dàng trở thành hiện thực và gây xích mích trong xã hội.
Ông Pritam Singh cho biết: “Nếu kịch bản “2 Singapore” xảy ra, chắc chắn sẽ tạo nên những mẫu thuẫn xã hội. Bản chất ghen tị của con người, chủ nghĩa vô danh và câu chuyện hơn thua có thể nhanh chóng đầu độc xã hội và làm gia tăng sự phân chia giàu nghèo hơn nữa”.
Theo SCMP, những lo ngại về sự bất bình đẳng không phải là mới ở bang thành phố. Tổ chức thăm dò ý kiến độc lập Blackbox Research đã công bố một nghiên cứu vào năm 2018, cho thấy cứ 5 người Singapore được hỏi thì có 4 người lo lắng về khoảng cách thu nhập ngày càng lớn, trong khi 7/10 người cảm thấy rằng bất bình đẳng thu nhập đã trở nên tồi tệ hơn trong 5 năm qua.
Phó Thủ tướng Singapore Hoàng Tuần Tài cho biết chính quyền Singapore đã giành được nhiều thắng lợi khi tiếp tục nỗ lực trợ giúp những người lao động lương thấp. Các biện pháp mà chính phủ Singapore đưa ra bao gồm mở rộng các chương trình trợ cấp trẻ em và hỗ trợ kinh tế.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, điều quan trọng đối với chính phủ là quản lý những lo ngại này đối với người dân, đặc biệt là nhóm thu nhập trung bình, những người có thể phải đối mặt với sự siết chặt không cân xứng từ việc tăng thuế và không phải là người hưởng lợi chính từ các khoản trợ cấp của chính phủ.
Ông Nydia Ngiow, giám đốc điều hành của công ty tư vấn BowerGroupAsia tại Singapore, cho biết cuộc thảo luận đang diễn ra cho thấy rằng người Singapore khó có thể tin tưởng vào các kế hoạch kinh tế vĩ mô, hoặc cách Singapore giải quyết vấn đề tốt hơn các quốc gia phát triển khác, khi ngay cả khả năng có “một mái nhà an toàn” cũng đang “gặp nguy hiểm”.
Bilveer Singh, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết những thách thức đang trở thành một vấn đề lớn trong bầu cử, trước các cuộc thăm dò có thể được tổ chức vào năm tới.
“Bởi vì đối với người Singapore, các vấn đề kinh tế là vấn đề hàng đầu,” ông nhấn mạnh.
Còn theo Eugene Tan, giáo sư Luật, Đại học California, Mỹ, không có sự hỗ trợ nào là đủ trong thời kỳ kinh tế bất ổn và những thách thức về mức sống có thể trở thành một vấn đề lớn trong bầu cử.
“Thực tế phũ phàng là không có sự đảm bảo nào là đủ trong thời kỳ kinh tế bất ổn, thiếu các khoản tài trợ không ngừng từ ngân sách công, điều này cũng có thể làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế”, ông Tan cho biết.
Tuệ Ngô