+
Aa
-
like
comment

Khủng hoảng Ukraine: nước Mỹ đứng trước một kỷ nguyên mới

14/03/2022 16:43

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến Mỹ có một cái nhìn mới về sứ mệnh của mình và khiến Washington thay đổi tính toán chiến lược với các đồng minh cũng như đối thủ.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến Washington có những thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại từ sự kiện khủng bố nhằm vào nước Mỹ vào ngày 11-9-2001. Cuộc chiến này đã mang lại cho Mỹ một cái nhìn mới về sứ mệnh của mình và khiến Washington thay đổi tính toán chiến lược với các đồng minh cũng như đối thủ.

Nước Mỹ đứng trước một kỷ nguyên mới

Theo tờ The New York Times, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine khiến quan hệ giữa Mỹ và châu Âu chặt chẽ hơn bao giờ hết kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, làm sâu sắc thêm mối quan hệ của Washington với các đồng minh châu Á, đồng thời buộc nước này đánh giá lại các đối thủ như Trung Quốc, Iran và Venezuela.

Cuộc khủng cũng góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Washington trên trường quốc tế sau lần rút quân khỏi Afghanistan đầy hỗn loạn gần đây. Tuy nhiên, theo The New York Times, việc Mỹ đặt Nga vào trọng tâm chính sách đối ngoại sẽ đi kèm những lựa chọn khó khăn và nhiều mâu thuẫn nội bộ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: BLOOMBERG

Ông Benjamin J. Rhodes – cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng – cho biết: “Có vẻ chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên mới. Cuộc chiến chống khủng bố thời kỳ hậu 11-9 đã bị bỏ lại phía sau. Nhưng giờ đây chúng tôi cũng không chắc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”.

Theo các chuyên gia và quan chức chính quyền, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine chính là lăng kính phản chiếu mọi quyết định chính sách đối ngoại tương lai của Mỹ.

Bên cạnh đó, cuộc chiến cũng cho thấy tính cấp thiết đối với chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho thấy tính đúng đắn của việc sử dụng năng lượng sạch tái tạo thay vì phụ thuộc và nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra áp lực mới đối với Mỹ trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế từ những nước vốn không có quan hệ tốt với Washington như Venezuela và Saudi Arabia.

Cuộc khủng hoảng này còn tạo ra động lực lớn để Mỹ tìm cách khiến Nga và Trung Quốc không xích lại gần nhau, trong bối cảnh Moscow có khả năng sẽ dựa vào quan hệ ngoại giao và kinh tế với Bắc Kinh để đối phó các lệnh trừng phạt của phương Tây. Một số quan chức chính quyền ông Biden hiện vẫn coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh số một, cũng như muốn đồng thời kiềm chế cả Nga và Trung Quốc.

Cách tiếp cận của Mỹ với thế giới đã trải qua một sự thay đổi lớn khi các cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan và Iraq kết thúc và các cuộc bàn luận về chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo không còn xuất hiện thường xuyên. Nhiều người Mỹ mệt mỏi vì chiến tranh đã bày tỏ ủng hộ đối với lời kêu gọi giảm bớt sự hiện diện quân sự Mỹ ở nước ngoài của cựu Tổng thống Donald Trump.

Ông Biden đã tìm cách xây dựng lại các liên minh của Mỹ, nhưng chủ yếu với danh nghĩa là cạnh tranh với Trung Quốc. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã mở rộng sứ mệnh của ông một cách đáng kể, tạo tiền đề cho sự thay đổi địa chính trị lớn có thể khiến Mỹ và các đồng minh đối phó Trung Quốc và Nga ngay lập tức nếu các nước này thành lập liên minh đối đầu phương Tây.

Những chuyển biến ngoại giao mạnh mẽ

Theo The New York Times, đã có những dấu hiệu ban đầu cho thấy những ưu tiên mới của Mỹ đang tạo ra những chuyển biến ngoại giao mạnh mẽ.

Vào ngày 11-3, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã đồng ý tạm dừng các cuộc đàm phán với Iran về thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (JCPOA). Theo đó, phương Tây từ chối yêu cầu của Moscow, một bên trong thỏa thuận, về việc miễn trừ các giao dịch tương lai của họ với Iran khỏi các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga trong những tuần gần đây.

Bà Dalia Dassa Kaye – chuyên gia về Iran tại tổ chức tư vấn RAND Corporation – cho biết: “Rõ ràng các cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran không thể ngăn cản cuộc khủng hoảng Ukraine”.

Mỹ cũng đang có cách tiếp cận đối với Venezuela khác hơn so với trước đây. Các quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden đã đến Venezuela hai tuần sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Kiev.

Venezuela, một đối tác của Nga, đang chịu các lệnh trừng phạt nặng nề mà Mỹ đã áp đặt cách đây nhiều năm. Hồi năm 2019, chính quyền ông Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với công ty dầu khí nhà nước, ngân hàng trung ương và các quan chức cấp cao Venezuela để gây áp lực buộc ông Maduro từ chức.

Các quan chức Mỹ hiện đang thảo luận với Venezuela về việc mua lại dầu của nước này nhằm kéo giảm giá dầu trong nước. Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị Quốc hội Mỹ chỉ trích gay gắt.

Mục tiêu tăng nguồn cung dầu mỏ cũng đang tái định hình chính sách ngoại giao Mỹ với Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), hai quốc gia vùng Vịnh Ba Tư vốn bị các quan chức chính quyền ông Biden hoài nghi vì vai trò của họ trong một cuộc chiến ở Yemen.

Tuy nhiên, cho đến nay, Saudi Arabia đã từ chối tăng sản lượng khai thác dầu, trong khi UAE thống báo rằng sẽ đợi đến ngày 16-3 mới yêu cầu các quốc gia thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thực hiện điều này. Các quan chức Mỹ cũng rất không hài lòng khi UAE vì đã từ chối bỏ phiếu tán thành một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm lên án hành động của Nga, mặc dù họ đã ủng hộ một nghị quyết tương tự sau đó tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Theo The New York Times, sự không chắc chắn của hai quốc gia UAE và Saudi Arabia, cũng như vị thế của Nga trong nền kinh tế dầu mỏ sẽ khiến chính quyền ông Biden ban hành các chính sách giúp Mỹ “cai” nhanh nhiên liệu hóa thạch và đương đầu với cuộc khủng hoảng khí hậu. Điều này có thể khiến các chính quyền trong tương lai dành ít nguồn lực ngoại giao và quân sự hơn cho các quốc gia vùng Vịnh trong dài hạn, ngay cả khi các quan chức Mỹ muốn họ trợ giúp về dầu ngay bây giờ.

Quan hệ với đồng minh

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Getty).

Ở châu Âu, động thái quân sự của Moscow đối với Kiev đã góp phần thúc đẩy nỗ lực của chính quyền ông Biden nhằm khôi phục tinh thần vốn có của liên minh NATO mà ông Trump đã làm suy yếu.

“Trong thời kỳ khủng hoảng, đôi khi giá trị và lợi ích của chúng ta bị xung đột, nhưng trong ngắn hạn, chúng ta sẽ phải ưu tiên các chính sách nhằm vào Nga mà bỏ qua các nguy cơ xa rời mối quan tâm về dân chủ và quyền con người vốn luôn là trọng tâm trong chương trình nghị sự của chính quyền ông Biden” – thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới Andrea Kendall-Taylor cho biết:

Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một số đối tác và đồng minh quan trọng của Mỹ cũng đang tham gia nỗ lực của Washington trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu công nghệ đối với Nga. Các quốc gia và vùng lãnh thổ này bao gồm Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Úc.

Một số quốc gia châu Á đã đồng ý giao dịch khí đốt dài hạn với châu Âu để giúp giảm thiểu rủi ro nếu Nga ngừng xuất khẩu khí đốt. Ngoài ra, Úc cũng cam kết chi 50 triệu USD hỗ trợ lực lượng quốc phòng Ukraine.

Tuy nhiên, Ấn Độ – đối tác của Mỹ trong nhóm Bộ tứ kim cương (QUAD – liên minh quân sự gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật và New Zealand) – đã từ chối lên án chiến dịch quân sự của Nga. Trung Quốc cũng là thách thức ngoại giao lớn nhất đối với Washington khi nước này chính là đối tác mạnh mẽ nhất của Nga và mối quan hệ của họ được đánh giá là ngày càng sâu rộng trong những năm gần đây.

Sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Moscow đã khiến giới chức Mỹ băn khoăn đi tìm lời giải cho câu hỏi liệu có cách nào tách rời hai nước này ra hay không.

Vào 10-3, ông William Burns – Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) – cho biết nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thật sự “bất an” vì chiến tranh. Một số nhà phân tích Trung Quốc nói rằng nếu Bắc Kinh muốn cứu vãn danh tiếng của mình với các quốc gia phương Tây, đặc biệt là ở châu Âu, họ có thể sẽ phải có các động thái giúp Ukraine mà không trực tiếp ảnh hưởng quan hệ với Nga.

Ông Ryan Hass – Giám đốc phụ trách các vấn đề về Trung Quốc của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama – đề xuất thăm dò lập trường của Bắc Kinh bằng các yêu cầu cụ thể, chẳng hạn như yêu cầu họ cung cấp nhiều viện trợ nhân đạo hơn cho chính quyền Kiev.

“Nếu các nhà lãnh đạo của Trung Quốc có những hành động cụ thể để giúp giảm bớt căng thẳng, nhiều sinh mạng sẽ được cứu và thế giới sẽ không còn quá nhiều áp lực về việc bị chia cắt thành các khối đối đầu nhau” – ông nhấn mạnh.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều