+
Aa
-
like
comment

Khủng hoảng tại Ukraine: Có thực “bản sắc Nga” thắng “dân chủ, kinh tế” Mỹ?

An Diễm - 28/02/2022 15:40

Dù là nước trực tiếp phải cầm súng chiến đấu, Ukraine thực chất là chiến trường so kè ảnh hưởng giữa 2 siêu cường Nga và Mỹ mà ở đó nước Nga tỏ ra quyết liệt không khoan nhượng, trong khi đó Mỹ lại khá dè dặt. Nhiều người cho rằng “Mỹ đã thua”, nhưng hãy đặt câu hỏi ngược lại: Nước Nga buộc phải dùng vũ lực khi đã ở thế chân tường thì có thể là một chiến thắng hoàn toàn không?

Hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ tụ tập tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev, Ukraina, tháng 2.2014. Ảnh: AFP

Bất chấp dự báo về một thất bại nhanh chóng, người Ukraine kiên cường hơn nhiều so với những gì đã được dự báo. Quân đội Ukraine chống trả quyết liệt quân đội Nga trên mọi mặt trận. Tổng thống Ukraine từ chối di tản và liên tục lên mạng xã hội hô hào quyết chiến, thúc giục phương Tây trợ giúp. Sự tự tin ban đầu của người Nga biến mất, lời hô hào quân đội Ukrtừaine đứng lên lật đổ Tổng thống của ông Putin nhanh chóng trở thành trò cười.

Sức hấp dẫn của “dân chủ, kinh tế” phương Tây đối với Ukraine

Nước Mỹ có nhiều nguồn lực có tiềm năng mang lại sức mạnh mềm bao trùm thế giới. Mỹ không chỉ là nền kinh tế lớn nhất thế giới mà phân nửa 500 công ty xuyên quốc gia hàng đầu thế giới cũng đến từ Mỹ. Hơn một nửa trong số 100 thương hiệu toàn cầu là của các công ty Mỹ, và nước này cũng có 8 trong số 10 trường kinh doanh hàng đầu thế giới. Một số chỉ số khác cũng cho thấy sự vượt trội của nước Mỹ như: số giải Nobel vật lý, hóa học và kinh tế; số bài báo tạp chí và nghiên cứu khoa học; số bài báo tạp chí và nghiên cứu khoa học; các sản phẩm văn hóa, âm nhạc, phim ảnh.

Có một số đặc điểm của Mỹ khiến nước này trở thành trung tâm của toàn cầu hóa. Được khai sinh bởi những người châu Âu tiên phong đi tìm vùng đất mới, xã hội Mỹ luôn là miền đất hứa của những người nhập cư và nền văn hóa cũng như xã hội đa sắc tộc của nước này đã phản chiếu hình ảnh nhiều vùng đất khác nhau của thế giới. Điều này biến Mỹ trở thành một phòng thí nghiệm văn hóa nơi mà các truyền thống văn hóa khác nhau được pha trộn và xuất khẩu, trở nên hấp dẫn với nhiều người. Ngoài ra, Mỹ là một siêu cường và sự chênh lệch về sức mạnh của Mỹ với các nước khác tạo ra một tình cảm pha trộn giữa sự ngưỡng mộ và ghen tị.

Tổng thống Zelensky gặp lãnh đạo châu Âu

Với những lợi thế như vậy, Mỹ cùng các đồng minh phương Tây có sức hút lớn với mọi quốc gia, và liên minh với họ dường như hứa hẹn rất nhiều lợi ích. Ukraine bộc lộ mong muốn gia nhập Liên minh châu Âu từ năm 1993 khi chính phủ tuyên bố rằng hội nhập vào EU là mục tiêu chính sách đối ngoại chính, và sau này họ tiếp tục nuôi tham vọng gia nhập NATO. Trở thành thành viên của EU, Ukraine sẽ có được tư cách thành viên trong một cộng đồng lớn ổn định, an ninh và thịnh vượng, giúp kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều việc làm, thu hút nhiều chất xám, dịch vụ. Và nếu được gia nhập NATO, Ukraine sẽ có được chiếc ô an ninh, cho phép NATO thực hiện các hành động quân sự bên trong Ukraine và cùng với các thành viên của quân đội nước này. Điều này giúp đảm bảo sức mạnh quân sự để răn đe trước mọi đối thủ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định rất khó có khả năng để Ukraine đạt được các mong muốn này do nhiều rào cản. Thứ nhất là các yêu cầu khắt khe về thể chế và các quy tắc từ phía châu Âu, đồng thời là sự cản trở từ phía trước nước Nga khiến nhiều nước châu Âu e ngại. Mặt khác, xã hội Ukraine có sự phân chia giữa khu vực miền Đông thân thiện và muốn duy trì tình trạng ít nhất là cân bằng giữa Nga – NATO, so với khu miền Tây muốn ngả hoàn toàn về phía EU. Tình trạng này tạo ra sự giằng co từ nội tại và khiến xã hội Ukraine chia rẽ, có hai lần các Tổng thống đắc cử là người thuộc khu miền Đông thân Nga bị lật đổ bởi các cuộc biểu tình bởi phe miền Tây.

Sau khi vùng đất Crimea bị sáp nhập vào Nga năm 2014 và sự ly khai của khu vực Donbass cùng tình hình chiến sự mới nhất thì tỷ lệ người Ukraine ủng hộ ngả về EU tăng cao kỷ lục. 62% số người được hỏi ủng hộ việc Ukraine gia nhập NATO trong khi có 30% phản đối (55-58% số người được hỏi ủng hộ sáng kiến ​​này vào cuối năm 2021). Trong khi đó, 68% trong số những người được thăm dò ủng hộ Ukraine gia nhập EU và 24% phản đối ý tưởng này. Như trường hợp của NATO, sự ủng hộ gia nhập EU đã tăng lên, đạt mức cao nhất trong lịch sử nghiên cứu kể từ năm 2013.

Trong cuộc chiến hiện tại, toàn bộ 27 nước liên minh châu Âu đã cấp vũ khí cho Ukraine, một sự kiện chưa từng có trong lịch sử. Họ cũng ngỏ ý muốn kết nạp Ukraine vào EU, đồng thời đưa ra mọi biện pháp trừng phạt cụ thể nhằm vào Nga, dường như cuộc chiến làm cho EU và Ukraine đang ngả về nhau hơn bao giờ hết. Qua lời giải thích của bà Nataliya Zhynkina, đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam cho thấy phần đông người Ukraine nghĩ rằng việc gia nhập EU và NATO là để có thêm quyền lợi cho quốc gia chứ không nhằm mục đích chống lại Nga, và họ cho rằng đó là thể hiện quyền tự chủ.

Ảnh hưởng của nước Nga

Theo kết quả điều tra dân số năm 2001 cho thấy có tới 17,3% dân số Ukraine là người Nga, tạo thành một trong những cộng đồng di cư lớn nhất thế giới. Ngoài ra, tiếng Nga cũng được sử dụng khá phổ biến ở Ukraine, đặc biệt là ở khu vực miền Đông. Những điều này tạo ra sự thiện cảm, gắn bó của một bộ phận người Ukraine với nước Nga, thể hiện ở việc khá nhiều lần các ứng cử viên thân Nga ở khu vực miền Đông đắc cử Tổng thống.

Không chỉ gắn kết nhau bởi vị thế địa lý liền kề, nền kinh tế Nga và Ukraine còn gắn bó mật thiết bởi các đầu mối kinh tế có liên quan chặt chẽ. Kể từ khi trở thành quốc gia độc lập, Ukraine dường như hoàn toàn tin tưởng vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga. Ukraine vẫn duy trì nhập khập hơn 50% lượng khí đốt cần dùng từ Nga. Chính sự phụ thuộc vào năng lượng này đã giúp Nga có những ảnh hưởng chính trị nhất định lên chính quyền Kiev. Nhiều lần chính phủ Nga sử dụng giá khí đốt và các đe dọa cắt nguồn cung dầu khí nhằm tạo áp lực lên chính quyền Kiev, đặc biệt là trong năm 2014. Việc Ukraine quá phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nhu cầu năng lượng lớn trong nước, luôn nhận được những ưu đãi về giá từ phía Nga và sự quản lý yếu kém của giới chức nước này.

Nga và Ukraine có sự hợp tác phức tạp trong lĩnh vực quốc phòng. Nền công nghiệp Ukraine từng giữ vị trí then chốt dưới thời Liên bang Xô viết cũ, khi các thành phố công nghiệp phía đông Ukraine giữ vai trò là nguồn cung cấp các thiết bị quân sự như tên lửa xuyên lục địa, các bộ phận của máy bay chiến đấu, và đặc biệt là các vũ khí quân sự. Khi Liên bang Xô Viết tan rã, những mối liên kết tại ngành công nghiệp quốc phòng này vẫn được duy trì. Nga vẫn phải phụ thuộc vào nguồn xuất khẩu từ Ukraine các thành phần quan trọng trong rất nhiều hệ thống vũ khí, bao gồm cả động cơ cho trực thăng chuyên chở của Nga. Khi nội chiến tại Ukraine bùng phát, việc xuất khẩu các thiết bị quân sự từ Ukraine sang Nga bị hạn chế và điều này gây thiệt hại cho cả hai phía, mà thiệt hại nặng nhất chính là những nhà xuất khẩu trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Ukraine.

Cuối năm 2013, Tổng thống Ukraine khi đó là Viktor Yanukovich quyết định trì hoãn việc ký kết một thỏa thuận liên kết với EU sau khi bị Nga phản đối, và việc này châm ngòi cho các cuộc biểu tình ở quảng trường Maidan. Các cuộc biểu tình ôn hòa ban đầu nhanh chóng trở thành bạo loạn ở Kiev và khắp Ukraine cuối cùng đã lật đổ chính phủ của Tổng thống Yanukovich và các quan chức có lập trường ủng hộ EU và chống Nga lên nắm quyền. Trong khi các sự kiện Maidan nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở các khu vực phía tây của Ukraine, các khu vực phía đông và phía nam, nơi có đông dân số nói tiếng Nga và có mối quan hệ lịch sử chặt chẽ với Nga, lại phản đối mạnh mẽ. Tại các thành phố như Odessa, các cuộc biểu tình chống Maidan nhanh chóng bị đàn áp dữ dội. Tại các khu vực phía đông Donetsk và Lugansk cũng như Crimea, các cuộc biểu tình ủng hộ Nga vẫn diễn ra. Kết quả sau cùng là Crimea tuyên bố sáp nhập vào Nga còn Donetsk và Lugansk tuyên bố ly khai.

Sau sự kiện này, kinh tế Ukraine rơi vào suy thoái nghiêm trọng, tuy nhiên từ đó họ có nhiều cải tổ quyết liệt cả về kinh tế, văn hóa và xã hội. Đến năm 2016, nền kinh tế nước này lại bắt đầu tăng trưởng và đến năm 2018 đạt gần 80% quy mô như thời điểm 2008. Cùng với đó là tầm ảnh hưởng của nước Nga cũng giảm dần khi mà dư âm việc mất Crimea còn dai dẳng, và chiến sự ở vùng Donbass ly khai làm chết hàng chục nghìn người.

Bản sắc dân tộc của Ukraine đang dần trỗi dậy

Ukraine là một quốc gia không hề tầm thường với diện tích rộng, dân số đông và khá nhiều tài năng. Về kinh tế, Ukraine hiện nay có vị thế là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới. Được coi là “rổ bánh mì của châu Âu”, Ukraine đứng đầu châu Âu về diện tích đất canh tác. Ngoài ra họ còn đứng top đầu thế giới về nhiều mặt hàng nông nghiệp như khoái tây, ngô, mật ong, lúa mì. Về công nghiệp, Ukraine đứng thứ 2 châu Âu và thứ 7 thế giới về công suất lắp đặt các nhà máy điện hạt nhân, là một trong những nhà sản xuất bệ phóng tên lửa lớn nhất thế giới cùng nhiều mặt hàng xuất khẩu như titan, xỉ, sắt. Họ cũng rất giàu có về tài nguyên thiên nhiên.

Trong “cuộc chiến đặc biệt” đang diễn ra, có vẻ Tổng thống Nga Putin khá tự tin rằng ông sẽ giành một chiến thắng nhanh chóng bằng cách “đánh vào lòng dân”. Ông tuyên bố chỉ đánh vào các mục tiêu quân sự chứ không nhằm vào dân chúng, kêu gọi binh lính nổi dậy lật đổ chính quyền. Thế nhưng nhiều người Ukraine kiên cường phản kháng lại. Tổng thống Zelensky tuyên bố không chịu di tản và muốn chiến đấu đến cùng, ông liên tục kêu gọi phương Tây hỗ trợ bằng vũ khí và cả các lệnh trừng phạt. Các video chiến sự cho thấy ở nhiều vị trí, quân Nga có thể di chuyển dễ dàng, gặp một số người dân và binh lính thân thiện nhưng họ dần bị kháng cự mạnh mẽ tại các thành phố chính như Kiev, Kharcov. Đặc biệt, nhiều người dân Ukraine cũng tham gia hưởng ứng cùng chính phủ, tạo ra thế trận chiến tranh đô thị và cả du kích đặc biệt khó chịu, khiến quân đội Nga chịu nhiều thiệt hại.

Binh sỹ Ukraine kiên cường chống trả

Nguy hiểm hơn, 27 nước liên minh đang cung cấp vũ khí không giới hạn cho Ukraine, gồm cả tiêm kích. Nga có vẻ dự kiến sẽ thành công sau mốc 3 ngày, rồi 5 ngày (thể hiện qua lời tuyên bố của phe ly khai và quan chức Nga cũng như dự báo của phương Tây) đều không đạt được.  Chắc chắn Tổng thống Zelensky cũng như nhiều người Ukraine không hề có ảo tưởng thắng Nga, mà họ muốn tạo ra một thế trận có lợi khi đàm phán. Tổng thống Putin thậm chí còn phải đưa vũ khí hạt nhân ra đe dọa để ép buộc Ukraine chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán ở phút chót. Như vậy là quân đội Nga áp đảo, nhưng không hề dễ dàng dù có trong tay sức mạnh vượt trội, vậy thì có thể coi là chiến thắng? Sự lựa chọn gia nhập NATO đương nhiên là một sai lầm về mặt chính trị của Ukraine, nhưng có thể thấy phần đông người Ukraine hiện nay muốn được đi con đường riêng, dù đó là con đường khiến nước Nga không hài lòng.

Cuộc chiến hiện nay sẽ sớm kết thúc bằng một hiệp định đàm phán khiến Ukraine phải chịu thiệt thòi, ít nhất là so với những dự định hiện nay của họ. Nhưng nước Nga sẽ mất đi rất nhiều thiện cảm, không chỉ trên thế giới mà với chính người Ukraine. Trong bài trả lời phỏng vấn với mới đây, Bà Nataliya Zhynkina, Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam nói: “Có lẽ, những người Ukraine đã, đang yêu mến nước Nga hoặc có thái độ trung dung thì nay sẽ không còn tình cảm ấy nữa. Những gì đã và đang diễn ra cho thấy nước Nga không chỉ thất tín, gây hấn mà còn đang dùng vũ lực để tấn công chúng tôi. Chắc chắn, đa số dân chúng đã hoàn toàn đổ vỡ và thất vọng, không còn muốn quay lại với nước Nga nữa.”

Bà Nataliya Zhynkina, Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam

Thật khó để nói liệu những điều bà Nataliya Zhynkina có áp dụng cho toàn bộ nhân dân Ukraine, hay phần phía Đông vẫn ngả về Nga và ủng hộ các quan điểm của Nga như truyền thống. Nhưng nếu Nga không thể kết thúc cuộc chiến nhanh chóng mà bị sa lầy buộc phải tấn công diện rộng, nguy cơ ảnh hưởng đến tài sản dân sự thì điều đó rất dễ xảy ra. Khi phải chịu chung hậu quả chiến tranh tàn phá, người dân một quốc gia thường đoàn kết cùng nhau.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều