+
Aa
-
like
comment

Khủng hoảng ở Hàn Quốc: nhiều người chết trong lúc chờ giường bệnh

17/12/2021 07:29

Chính quyền Hàn Quốc sẽ khôi phục các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt từ 18/12 kéo dài cho đến ngày 2/1/2022, do số ca nhiễm mới và ca bệnh nặng gia tăng.

Việc vội vàng mở cửa đã dẫn đến số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 ở Hàn Quốc tăng đột biến, đe dọa những bước tiến mà nước này đạt được cho đến nay trong việc chống dịch.

Theo quy định mới, giới chức trách cấm các cuộc tụ tập từ 4 người trở lên, kể cả đã tiêm vaccine đủ liều. Lệnh giới nghiêm cuộc sống ban đêm tái xuất, với quán bar, cà phê và nhà hàng phải đóng cửa trước 21h, rạp chiếu phim được mở cửa nhưng phải ngừng hoạt động sau 22h.

Những người chưa tiêm phòng chỉ có thể ăn tối một mình, mua mang đi hoặc giao hàng tận nơi.

Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo Kyum đã xác nhận ý định của chính phủ trong việc khôi phục các biện pháp giãn cách xã hội chặt chẽ hơn trong một cuộc họp về Covid-19 hôm 15/12, sau khi quốc gia này lập kỷ lục mới về số ca bệnh mới trong ngày 14/12 với gần 7.850 trường hợp. Thêm hơn 7.620 ca mắc mới được ghi nhận trong ngày 15/12. Đây là lần thứ 6 trong tháng này mức tăng trong ngày vượt quá 7.000.

Trong vòng 24 giờ, thêm 62 người đã đã thiệt mạng vì Covid-19, nâng tổng số người không qua khỏi căn bệnh của Hàn Quốc lên 4.518 người tính đến hết ngày 15/12. 964 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch hoặc nghiêm trọng.

Số ca mắc và tử vong trung bình mỗi ngày trong các tuần tính đến ngày 15/12 đã tăng lần lượt hơn gấp 3 và 5 lần so với các con số ghi nhận hồi đầu tháng 11 – trước khi Hàn Quốc bước vào bình thường mới.

Các quan chức cho biết hệ thống y tế của nước này có thể gặp khó khăn nếu số ca bệnh nghiêm trọng chạm mức 1.000 người. Điều này sẽ cản trở đáng kể khả năng đáp ứng của các bệnh viện không chỉ với Covid-19 mà còn với các tình trạng y tế khác.

Khủng hoảng giường bệnh

Tình trạng thiếu giường đang trở nên ngày càng nghiêm trọng tại các bệnh viện trên toàn quốc, với các khu chăm sóc tích cực luôn hoạt động trên 80% công suất kể từ cuối tuần trước, theo Straits Times.

Ở toàn bộ Seoul, nơi đang đối mặt với đợt bùng phát tồi tệ nhất, chỉ còn khoảng 30 giường cho những bệnh nhân nặng nhất.

Park Hyang, một quan chức cấp cao của Bộ Y tế, cho biết nguồn lực y tế đang nhanh chóng cạn kiệt ở thủ đô Seoul và các khu vực đô thị lân cận. Khoảng 86% các đơn vị chăm sóc đặc biệt được chỉ định để điều trị Covid-19 tại các khu vực này hiện có người nằm, nhưng vẫn còn 800 bệnh nhân đang chờ nhập viện, tính đến ngày 14/12, theo Asashi.

Khi cuộc khủng hoảng giường bệnh ngày càng gia tăng, chính phủ kể từ đầu tháng 11 đã ban hành bốn lệnh điều hành cho các bệnh viện để dành thêm giường cho bệnh nhân Covid-19 nặng hoặc nguy kịch.

Số ca mắc và tử vong vì Covid-19 ở Hàn Quốc tăng đột biến kể từ đầu tháng 11. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, sự gia tăng bệnh nhân đang vượt quá số lượng giường bệnh được cung cấp. Kể từ khi các giường bệnh mới được bổ sung từ ngày 5/11, đã có ít nhất 442 bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng cần được chăm sóc đặc biệt – nhiều hơn gấp ba lần số giường có thể được huy động trong thời gian này.

Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội thừa nhận rằng các bệnh viện đã gần đạt công suất tối đa và không thể kê thêm giường.

Khi các bệnh viện buộc phải chuyển đổi thêm giường cho bệnh nhân Covid-19, những bệnh nhân mắc bệnh khác đang bị tước quyền được điều trị, bác sĩ Suh Gee Young, chuyên gia y tế của Trung tâm Y tế Samsung, chia sẻ.

Chết trong khi chờ nhập viện

Các nhân viên y tế tuyến đầu cho biết sự gia tăng đột biến số ca Covid-19 mới trong những tuần gần đây đã khiến các bệnh viện bị quá tải.

“Nhiều bệnh nhân đáng lẽ cần nhập viện đã phải ở nhà. Bệnh nhân cần được ở trong ICU thì phải ở khu chăm sóc bình thường”, Hiệp hội Bác sĩ vì Chủ nghĩa Nhân đạo cùng 4 nhóm y tế và phúc lợi khác cho biết trong một phát ngôn chung.

Khi các nguồn lực trở nên cạn kiệt, những bệnh nhân có cơ hội sống sót thấp đã phải chấp nhận nhập viện trong điều kiện không được chăm sóc hồi sức. Bệnh nhân mắc các tình trạng y tế khác được yêu cầu ký vào một mẫu đơn đồng ý rằng họ có thể không được tiếp tục điều trị hoặc phẫu thuật khi bị cách ly vì Covid-19.

Phát ngôn nói rằng chính phủ đã có 2 năm để tăng công suất cho bệnh viện nhằm chuẩn bị cho tình huống hiện tại – vốn có thể dự đoán được – nhưng các nỗ lực đã không thành công.

“Khi đất nước dỡ bỏ các hạn chế, cần phải có các biện pháp để ứng phó với tình trạng gia tăng số người nhập viện, vốn có thể đoán trước”, theo phát ngôn.

Bệnh viện dã chiến được xây dựng bên ngoài Trung tâm Y tế Seoul, ngày 9/12. Ảnh: Reuters.

Trong một cuộc họp báo khẩn cấp vào tuần trước, một hiệp hội bác sĩ nói rằng tình trạng gần đây trong các bệnh viện cho thấy chính phủ đã thất bại trong việc chuẩn bị cho tính huống tồi tệ nhất.

Hiệp hội cho biết tại các phòng cấp cứu của bệnh viện, bệnh nhân Covid-19 đã phải đợi tới 300 giờ để có giường. Hầu hết bệnh nhân đến phòng cấp cứu hiện tại là bệnh nhân có tình trạng chuyển biến xấu sau khi buộc phải điều trị tại nhà.

Khoảng 3 tuần sau khi bước vào cuộc sống bình thường mới, chính phủ đã đặt dịch vụ chăm sóc tại nhà mặc định cho tất cả bệnh nhân Covid-19 – bao gồm cả bệnh nhân có nguy cơ cao như người trên 70 tuổi và phụ nữ mang thai – nhằm giảm bớt tình trạng thiếu giường.

Choi Eun Young, y tá tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, một trong những bệnh viện lớn nhất của đất nước, cho rằng việc để bệnh nhân điều trị tại là “bỏ mặc họ mà không theo dõi và điều trị thích hợp”.

“Nhiều bệnh nhân đã bị bỏ mặc cho qua đời tại nhà sau khi các triệu chứng của họ xấu đi nhanh chóng”, cô Choi nói.

Theo thống kê chính thức, ít nhất 29 bệnh nhân tử vong tại nhà trong 5 tuần qua vì không có bệnh viện tiếp nhận.

Thay đổi muộn màng

Vào tuần cuối cùng của tháng 11, khi hơn 90% số giường chăm sóc đặc biệt được lấp đầy tại các bệnh viện ở Seoul, Tổng thống Moon Jae In đã nói rõ trong hai bài phát biểu trước công chúng rằng Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở cửa.

Ông nói: “Đảo ngược kế hoạch và quay lại các biện pháp cũ không phải là một lựa chọn”.

Nhân viên y tế hướng dẫn khách chuẩn bị xét nghiệm Covid-19 ở Seoul, ngày 10/12. Ảnh: AP.

Đến ngày 6/12, khi số ca mắc mới tiếp tục tăng đột biến, chính phủ mới khôi phục các giới hạn về quy mô tụ tập nhóm. Các hạn chế chặt hơn tiếp tục được tái áp đặt vào tuần trước, sau khi nước này phát hiện trường hợp nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên.

Tiến sĩ Eom Joong Sik, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Gachon, cho rằng sự gia tăng số ca tử vong tại nhà là một “minh chứng cho sự thất bại trong việc ứng phó kịp thời”.

“Nếu chúng ta hành động sớm, thì đã không có nhiều bệnh nhân chết vì không được nhập viện đến thế”, ông nói.

Tiến sĩ Kim Woo Joo – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Y tế Đại học Hàn Quốc – cho biết chính phủ lẽ ra phải thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp khi tỷ lệ lấp đầy giường chăm sóc đặc biệt vượt 75%.

Ông nói: “Thường phải mất khoảng hai đến ba tuần để các biện pháp giãn cách xã hội và can thiệp sức khỏe cộng đồng khác phát huy tác dụng. Chần chừ quá lâu có nguy cơ khiến nhiều sinh mạng mất đi một cách không cần thiết”.

Khai Tâm

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều