+
Aa
-
like
comment

Khủng hoảng đỉnh điểm: Cung không đủ cầu, dân cư toàn thế giới chịu trận vì “cơn khát thịt” đáng sợ của TQ

24/09/2019 07:43

Việc Trung Quốc tăng cường thu mua mọi loại thịt trên thế giới đã đẩy giá thịt bò, thịt lợn và thịt gia cầm toàn cầu tăng cao đột biến so với trước đây.

Khủng hoảng thịt lợn

Theo Wall Street Journal, các thương lái mua thịt để bán cho thị trường Trung Quốc đang tăng cường thu mua sau khi dịch tả lợn châu Phi khiến quốc gia tỷ dân tổn thất hơn 100 triệu con lợn, tương đương 1/3 tổng số lợn trước khi bùng phát dịch. Giá thịt lợn nội địa đã tăng vọt và lượng nhập khẩu thịt cũng gia tăng nhanh chóng, gây sức ép lớn đối với nguồn cung toàn cầu và ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường thế giới.

Khủng hoảng đỉnh điểm: Cung không đủ cầu, dân cư toàn thế giới chịu trận vì "cơn khát thịt" đáng sợ của TQ
Khủng hoảng đỉnh điểm: Cung không đủ cầu, dân cư toàn thế giới chịu trận vì “cơn khát thịt” đáng sợ của TQ

Tại Brazil, lượng xuất khẩu thịt gia cầm tới Trung Quốc đã tăng 31% so với năm ngoái và giá bán lẻ ức gà, đùi gà, chân gà đã tăng khoảng 16%. Người mua hàng tại châu Âu hiện phải trả mức giá thịt lợn đắt hơn thông thường 5% bởi một lượng lớn thịt sản xuất nội địa đã được đưa tới Trung Quốc. Giá thịt cừu tại các cửa hiệu Australia tăng 14% trong khi thịt bò bán tại New Zealand cũng đạt mức giả cao kỉ lục.

“Cuộc săn lùng thịt” của Trung Quốc trên thế giới đồng nghĩa với việc giá bánh thịt lợn bán ở một thị trấn nhỏ ở Anh cũng tăng lên. Một cửa hàng có tên Dickinson & Morris đã tăng giá bánh thịt lợn chưa muối lên khoảng 10% tới 15%/1 bánh để giúp giảm thua lỗ do giá thịt lợn bán buôn tăng tới 26%.

“Chúng tôi không có đủ thịt lợn để làm bánh,” Stephen Hallam, giám đốc điều hành công ty, cho biết. Cơ sở sản xuất này bán khoảng 4.000 bánh thịt lợn mỗi tuần và phân phối chúng tới những nhà bán lẻ khác.

Ủy ban Phát triển Nông nghiệp và Trồng trọt Anh cho biết nhu cầu thu mua của Trung Quốc đã đẩy giá lợn hơi trong nước lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2017.

Việc Trung Quốc đẩy mạnh thu mua thịt là hậu quả của nhiều năm không kiểm soát được sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi. Nhiều người nông dân đã phải tiêu hủy lợn và không cho lợn sinh sản lứa mới.

Trung Quốc hiện đang đối diện với lần thiếu hụt thịt lợn nghiêm trọng giữa bối cảnh vẫn phải tìm cách đối phó Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại. Lượng thực phẩm và nông sản Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm mạnh sau những vòng thương chiến khốc liệt trong thời gian gần đây.

Người tiêu dùng Mỹ vẫn chưa cảm nhận nhiều ảnh hưởng từ việc Trung Quốc tăng mua thịt lợn, nhưng điều đó có thể sẽ sớm thay đổi sau khi các quan chức Trung Quốc nói có thể miễn trừ thuế cho thịt lợn và một số nông sản khác của Mỹ.

Nhiều công ty Mỹ bắt đầu theo dõi tình hình sau khi các đối thủ cạnh tranh từ châu Âu và Nam Mỹ bước vào cuộc chạy đua để cung cấp thịt lợn cho Trung Quốc.

Ước tính hàng năm, người dân Trung Quốc tiêu thụ tới hơn 55 tỷ tấn thịt lợn để nấu cách món ăn như bánh bao, thịt viên và món xào. Phần lớn thịt lợn đều được cung cấp tại địa phương. Một số nhà phân tích cho rằng dịch tả lợn đã khiến sản lượng thịt lợn của Trung Quốc bị cắt giảm tới gần 16 tỉ tấn trong năm 2019 – gần như gấp đôi lượng thịt lợn được giao dịch trên thế giới trong năm ngoái.

Người dân toàn cầu chịu hậu quả

Giá thịt lợn tại Trung Quốc đã tăng gần 50% trong năm ngoái. Chính phủ nước này đã tiến hành một số biện pháp để kiểm soát tình hình như áp dụng khẩu phần thịt lợn hoặc khuyến khích người dân mua những loại thịt khác như thịt gà, thịt bò để thay thế.

Khủng hoảng đỉnh điểm: Cung không đủ cầu, dân cư toàn thế giới chịu trận vì cơn khát thịt đáng sợ của TQ - Ảnh 1.
Lợn ở Hàn Quốc bị quây lại trước khi tiêu hủy do nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: AFP/Getty Images

Từ tháng 5 tới tháng 7, nhập khẩu thịt lợn, thịt gà, thịt bò và thịt cừu của Trung Quốc tăng gần 70%, ước tính đạt 5 tỉ USD giá trị, khiến giá thịt trên khắp thế giới tăng cao. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNFAO), chỉ số giá thịt toàn cầu đã tăng 10% trong năm nay, mức cao nhất kể từ đầu năm 2015.

Gần đây, các quan chức Bắc Kinh đã chấp nhận thêm 25 nhà máy chế biến thịt Brazil được xuất khẩu thịt sang Trung Quốc, nâng tổng số nhà máy đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thịt từ Brazil tới Trung Quốc lên 89 nhà máy – theo thông báo từ Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng Brazil.

BRF SA, một trong những nhà sản xuất thịt và xuất khẩu thịt gia cầm lớn nhất Brazil, đang có kế hoạch tăng năng lực xuất khẩu thịt lợn và thịt gà lên 30% để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc trong khi vẫn cung cấp đủ cho thị trường nội địa.

Phó giám đốc BRF, ông Patricio Rohner, cho biết Trung Quốc muốn mua gấp 3 lần số thịt họ thường mua. Do đó, người tiêu dùng Brazil đang phải trả nhiều tiền thịt gà hơn thông thường và giá thịt nội địa Brazil có thể sẽ tăng lên do thiếu nguồn cung.

Tại Argentina, nơi người dân rất ưa chuộng thịt bò, một số hộ đã không mua thịt vì giá tăng cao. Lạm phát và tăng cường xuất khẩu thịt sang Trung Quốc – lượng thịt bò xuất khẩu đã tăng gấp đôi trong năm nay trong khi thịt gà tăng 68% – đã khiến giá thịt bò cao hơn 51% so với năm ngoái.

Tại một nhà hàng ở Buenos Aires, giá bán thịt bò trong thực đơn đã tăng 20% so với đầu năm. Một số người dân mua ít thịt hơn và đều lo rằng giá sẽ tiếp tục tăng.

Tại Tây Ban Nha, các công ty thịt lợn đang tính toán về việc giữ lại bao nhiêu thịt cho thị trường nội địa và bán bao nhiêu sang Trung Quốc. Ở đây, thịt lợn đang dần dần “biến mất” khỏi chợ do các công ty có thể lợi nhuận cao hơn khi bán thịt sang Trung Quốc.

Simon Linke, một nhà quản lí xuất khẩu Australia, cho biết các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã “qua mặt” đồng nghiệp Mỹ và Trung Đông trong việc chiếm nguồn cung cấp thịt của Australia.

Tại một số miền ở Australia, người tiêu dùng đã bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng từ “cơn khát thịt” của người Trung Quốc. Một quản lí cửa hàng cho biết giá thịt cừu đã đắt tới độ cửa hàng không thể tăng giá mà không mất thêm khách hàng.

Thay vào đó, cửa hàng đã phải chấp nhận có ít lợi nhuận hơn. “Không có gì là dễ dàng trong ngành công nghiệp thịt”, chủ cửa hàng chia sẻ, cho biết nguồn cung trong nước đã bị thắt chặt sau khi hạn hán làm suy giảm số lượng cừu và bò của Australia.

Tất Đạt/Soha News

Bài mới
Đọc nhiều