+
Aa
-
like
comment

Khung hình phạt nào cho kẻ đồng lõa sai phạm tại Saigon Co.op?

LS Lê - 25/07/2022 11:57

Mở rộng điều tra vụ bê bối Saigon Co.op liên quan đến bị can Diệp Dũng, 6 đối tượng đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM khởi tố và bắt giữ vì tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 360, Bộ luật Hình sự 2015.

Ông Diệp Dũng, người đứng sau vụ bê bối Saigon Co.op.

Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao của người có chức vụ, quyền hạn. Vi phạm này có thể gián tiếp hoặc trực tiếp gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng cho lợi ích Nhà nước, tập thể, công dân. Chỉ những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức mới là chủ thể của tội phạm này. Họ là đối tượng có học thức, ý thức rõ được vai trò của bản thân, lại có hiểu biết về pháp luật nhưng vẫn bất chấp phạm pháp để trục lợi cá nhân.

Hậu quả của hành vi tắc trách trong công việc của những cá nhân trên vô cùng nghiêm trọng. Các đối tượng đã tiếp tay cho việc xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung và tài sản nhà nước. Không chỉ gây ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung mà còn làm mất uy tín, lòng tin của người dân.

Hình ảnh trụ sở Saigon Co.op.

Căn cứ vào Bộ luật Hình sự 2015, 6 đối tượng trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2, Điều 360. Sẽ có 3 hình phạt chính và một hình phạt bổ sung cho tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Hình phạt chính có các mức phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm (khoản 1); phạt tù từ 3 năm đến 7 năm (khoản 2); phạt tù từ 7 năm đến 12 năm (khoản 3). Hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào kết quả điều tra mà Toà án có thể cân nhắc, xét xử các bị can trên với tội danh “Che giấu tội phạm” hoặc “Không tố giác tội phạm” quy định tại Điều 18 và 19 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, những người bao che tội phạm, tạo chứng cứ giả cản trở điều tra hay biết rõ sai phạm mà không tố cáo đều bị xét là có tội. Có chăng, khung hình phạt vẫn chưa đủ nghiêm khắc nên số người vi phạm mới nhiều như vậy. Những cá nhân có thái độ đồng tình với điều trái pháp luật đôi khi còn nguy hiểm hơn cả người phạm tội. Bởi những đối tượng này không hề tin và ủng hộ pháp luật, không có ý thức bảo vệ lợi ích chung cho cộng đồng và Nhà nước. Họ không chỉ bao che cho một người mà sẽ còn tiếp tay cho nhiều sai phạm khác nữa để trục lợi cá nhân. Nguy hiểm hơn, hành vi trên có thể gây ra tấm gương xấu trong môi trường cơ quan, đoàn thể, vô hình chung khiến cán bộ, công nhân viên bị thoái hoá biến chất. Hậu quả về sau là vô cùng khó lường.

Vì vậy, việc xử lý triệt để tội phạm nạn tham nhũng cùng những thành phần liên quan là vô cùng quan trọng. Nếu như không xử lý tận gốc thì vi phạm sẽ còn tiếp diễn. Ý thức được điều đó, lãnh đạo TP.HCM rất tập trung cho vụ án Saigon Co.op nói chung và tội phạm kinh tế nói riêng. Dù cho thành phố đang trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, khó khăn còn rất nhiều nhưng xử lý tham nhũng vẫn luôn là nhiệm vụ song song, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.

Công cuộc loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh” của đất nước không phải ngày một ngày hai là có thể hoàn thành. Mỗi cá nhân có thể đóng góp sức mình bằng cách tin tưởng và ủng hộ pháp luật, mạnh dạn tố cáo những điều sai trái, bất thường còn tồn đọng trong môi trường làm việc nếu có. Đừng ngần ngại khi đứng về lẽ phải!

LS Lê

Bài mới
Đọc nhiều