+
Aa
-
like
comment

Khu vực chiến lược trong cuộc tranh giành của Mỹ – Trung mà Việt Nam là thành viên

09/12/2020 08:44

Không như các lĩnh vực chính sách đối ngoại then chốt khác nơi Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ đảo ngược hướng đi của Tổng thống mãn nhiệm Donald Trump, tiểu vùng Mekong tại Đông Nam Á lục địa là một nơi Mỹ dễ dàng đạt được đồng thuận để giữ nguyên lập trường. Trong bối cảnh Trung Quốc thống trị không gian Mekong bằng một chuỗi đập thượng nguồn và thao túng tài nguyên nước ở hạ lưu, các nước ven sông bị ảnh hưởng nặng nề, gồm Campuchia, Lào, Thái Lan, và Việt Nam, đã tìm cách giảm nhẹ và cân bằng lại thái độ hung hăng nhằm kiểm soát nguồn nước của Trung Quốc. Chính quyền Biden cần chú ý đến Mekong và hợp tác với các đối tác cùng chí hướng nhằm giữ không cho các nước Đông Nam Á lục địa trở thành sân sau của Bắc Kinh.

Hệ thống đập thủy điện ở thượng nguồn được cho là đóng vai trò lợi ích chính trị chiến lược của Bắc Kinh.

Cho đến gần đây, khu vực Mekong bao gồm các nước CLMTV – Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, và Việt Nam – được xem là một tiểu vùng. Ba thập niên trước, khi Trung Quốc bắt đầu phát triển, tiểu vùng Mekong được Nhật Bản nuôi dưỡng thông qua Ngân hàng Phát triển châu Á, được khái niệm hóa và thể hiện dưới mô hình Tiểu vùng Mekong Mở rộng. Nhưng qua thời gian, Trung Quốc đã chiếm lấy vị trí của Nhật sau khi 11 con đập (bên cạnh một số đập khác vẫn đang được lên kế hoạch) của họ được dựng lên trên khắp thượng nguồn. Để ấn định vị thế vượt trội và biến thế áp đảo của họ ở Mekong trở thành sự đã rồi, Bắc Kinh đã gạt ra rìa các khuôn khổ quản trị Sông Mekong thế hệ đầu và thay bằng Hợp tác Lan Thương-Mekong (LMC) vào năm 2016, bỏ qua Ủy hội Sông Mekong (MRC) và thỏa thuận Mekong hai thập niên trước.

Không thể không nhắc tới việc không gian Mekong nằm sát Biển Đông. Trên đất liền, Trung Quốc đang tìm cách chi phối và thao túng nguồn nước đến các nước hạ lưu bằng cách xây dựng và vận hành đập, dẫn đến bất ổn nguồn nước và hạn hán thường kỳ ở các nước hạ Mekong, từ đó buộc họ phải phụ thuộc vào thiện chí và các động thái của Trung Quốc. Trên biển, Trung Quốc đã đơn phương xây dựng và quân sự hóa một loại các đảo nhân tạo. Bất luận là dựng đập chặn nước trên đất liền hay xây đảo nhân tạo trên biển, Bắc Kinh đang tự chơi theo luật của mình.

Đối với lục địa Mekong, hiện là một khu vực phát triển nhanh và toàn diện, với các nước CLMTV sở hữu thị trường 250 triệu dân và GDP gộp lại gần 1 nghìn tỷ đô la, phải đối đầu với “ngoại giao đập” dựa trên lợi thế địa lý của Trung Quốc là một viễn cảnh khó khăn. Việt Nam, trên cương vị chủ tịch ASEAN năm nay, đã thành công trong việc đưa vấn đề Mekong thành một chủ đề thảo luận của ASEAN. Trước đây, tất cả các nước thành viên ASEAN đều chú ý đến Biển Đông, nhưng các nước hải đảo lại không đả động gì đến Mekong. Giờ đây cả Biển Đông và lục địa Mekong đều là các vấn đề chủ đạo trong chương trình nghị sự của ASEAN, với Trung Quốc là một mẫu số chung.

Giữa đại dịch Covid-19 năm nay, chính quyền Trump đã đẩy mạnh can dự và tham gia sâu hơn bằng cách nâng cấp Sáng kiến Hạ Mekong (LMI) hơn 10 năm tuổi từ thời chính quyền Barack Obama thành sáng kiến Đối tác Mekong-Hoa Kỳ tháng 9 năm ngoái. Việc tiếp nối và mở rộng LMI thành Đối tác Mekong-Hoa Kỳ thể hiện sự tái cam kết của Mỹ ở Đông Nam Á, và được củng cố hơn nữa với giọng điệu cứng rắn của Ngoại trưởng Mike Pompeo dành cho Trung Quốc và lời kêu gọi ASEAN đứng lên chống lại Bắc Kinh của ông. Trong bối cảnh Nhà Trắng chuẩn bị đổi chủ, các nước CLMTV và các đối tác Đông Nam Á hải đảo sẽ cẩn trọng xem xét liệu ông Biden có sử dụng lại chiến lược ngoại giao của ông Obama giai đoạn 2008-2016 hay không và liệu ông sẽ giữ lại một phần hay loại bỏ hầu hết di sản chính sách của chính quyền Tổng thống Trump.

Hàng trăm chiếc đập lớn nhỏ đã mọc lên khiến dòng chảy bị thu hẹp gây hạn hán ở hạ nguồn.

Nhằm củng cố chương trình Mekong của nước mình trong năm đại dịch, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong thượng đỉnh LMC lần ba hồi tháng 8 đã cam kết chia sẻ vắc-xin cả về số liều và chuyên môn cho các nước CLMTV. Tiến trình phát triển vắc-xin của Trung Quốc đã bị biến thành một công cụ địa chính trị với các hứa hẹn lợi ích về y tế công và địa kinh tế. Dựa trên việc nghiên cứu, sản xuất đại trà và phân phối, chiến lược “ngoại giao vắc-xin” của Trung Quốc theo chân “ngoại giao khẩu trang” đầu năm nay khi Bắc Kinh cung cấp khẩu trang và trang bị y tế cho khu vực sau khi Trung Quốc đã kiềm chế được đại dịch trong tháng 3.

Mặc dù còn bị e ngại, ngoại giao vắc-xin của Trung Quốc được vạch ra nhằm khôi phục sự ủng hộ đối với vị thế địa chiến lược trước đại dịch của họ, đặc biệt là Sáng kiến Vành đai và Con đường, bên cạnh việc thúc đẩy quan hệ hậu đại dịch để hỗ trợ cho các nỗ lực địa chiến lược trong tương lai trên cả đất liền và trên biển. Tại thượng đỉnh LMC gần nhất, Trung Quốc đã đề xuất chia sẻ dữ liệu thủy văn với các nước hạ Mekong, tức bỏ qua MRC. MRC và CLMTV đã phải nhảy theo điệu nhạc của Trung Quốc vì không có các lựa chọn thay thế cân bằng lại, từ đó càng củng cố vị thế cũng như lợi thế thượng nguồn của Trung Quốc.

Động thái này cũng biến LMC trở thành lựa chọn duy nhất để xử lý các vấn đề vùng Mekong. Các nước hạ lưu đã ủng hộ Thái Lan khôi phục Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (Acmecs), một dự án hợp tác khu vực bị bỏ quên từ năm 2003. Song bất ổn và phân cực trong nội bộ Thái Lan đã gây cản trở cho việc đưa Acmecs trở thành một khuôn khổ quản trị cạnh tranh trực tiếp với LMC.

Đối với vùng Mekong, Việt Nam sẽ là nước thân Mỹ nhất, trong khi Campuchia và Lào thân Bắc Kinh hơn, còn Myanmar và Thái Lan ở giữa giữ cân bằng với Trung Quốc. Là một đồng minh hiệp ước của Mỹ, Thái Lan ngả về Trung Quốc dưới chính quyền quân sự hậu đảo chính 2014, song xu hướng này có thể bị đảo ngược nếu một hệ thống dân chủ thực sự được đặt ra như đòi hỏi của phong trào biểu tình thanh niên. Tương tự là Campuchia, nếu thế hệ trẻ và những người ủng hộ đối lập trỗi dậy, thì chiến lược ngả vào vòng tay Trung Quốc của Thủ tướng Hun Sen có thể bị trật bánh. Dù vậy trong tương lai gần, lục địa Mekong sẽ ngày càng rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc.

Đó là lý do vì sao các nước hạ lưu Mekong chào đón các đối tác lớn từ bên ngoài vào để cân bằng lại thế độc tôn thượng nguồn của Trung Quốc. Khu vực này vẫn còn nhớ rất rõ những năm Obama khi chiến lược mỹ miều “xoay trục”, về sau đổi thành “tái cân bằng”, hóa ra lại yếu ớt và không hề dựa trên chút sức mạnh nào. Mặc dù có phong cách thất thường và áp đặt từ trên xuống, nhưng cuộc chiến thương mại và công nghệ của Tổng thống Trump với Trung Quốc đã thật sự đưa đến hành động, tạo ra lợi thế cho các nước ASEAN. LMI và Đối tác Mekong-Hoa Kỳ là hai bước đi đúng đắn liên tiếp về vùng Mekong, có thể tạo ra thêm nhiều tiến bộ hai bên cùng có lợi cho cả Washington lẫn các nước CLMTV.

Thitinan Pongsudhirak, “China-US rivalry on Mekong mainland”, Bangkok Post, 27/11/2020.

Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Bài mới
Đọc nhiều