Khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam không nằm trong vùng biển chồng lấn với Trung Quốc
Hành vi đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tháng 7-2019 đi sâu vào vùng biển Nam Biển Đông, gần với lô khai thác 06-01 thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam thể hiện sự ngông nghênh, coi thường pháp luật quốc tế. Tiến sỹ Nguyễn Toàn Thắng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Luật so sánh (Trường Đại học Luật Hà Nội) phân tích rõ hơn về hành vi vi phạm này của tàu khảo sát, thăm dò Trung Quốc.
Cơ sở pháp lý rõ ràng của vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam
Không phải cho đến bây giờ Trung Quốc mới bắt đầu những hành vi gây căng thẳng và phức tạp hóa các tranh chấp tại khu vực Biển Đông. Sau sự kiện ngày 7-5-2009, khi Trung Quốc gửi công hàm số hiệu CML/17/2009 đến Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhằm phản đối việc Việt Nam nộp báo cáo về ranh giới ngoài thềm lục địa cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc, cũng chính trong văn bản này, lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc đã công khai yêu sách “đường 9 đoạn” trên Biển Đông.
Tiến sỹ Nguyễn Toàn Thắng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Luật so sánh (Trường Đại học Luật Hà Nội) nhận định, từ đó đến nay, Trung Quốc không ngừng gia tăng các hoạt động nhằm hiện thực hóa tham vọng trên Biển Đông, bất chấp dư luận quốc tế và phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 trong vụ kiện Philippines – Trung Quốc.
Mới đây nhất, hành vi đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 đi sâu vào vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm tiếp theo, thể hiện sự coi thường pháp luật quốc tế, trong đó đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà cả Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới cùng là thành viên Công ước. Vi phạm của tàu Trung Quốc một lần nữa làm cho các vấn đề Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp, đe dọa đến sự ổn định, hòa bình của khu vực; xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với UNCLOS.
Tiến sỹ Nguyễn Toàn Thắng khẳng định rõ, bãi Tư Chính (tiếng Anh là Vanguard Bank) là một cụm rạn san hô hoàn toàn ngập dưới mực nước biển, nằm ở phía Nam của Biển Đông, cách Phan Thiết (Việt Nam) dưới 200 hải lý, cách lục địa Trung Quốc khoảng 600 hải lý và cách cấu trúc nổi gần nhất thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam) khoảng 160 hải lý.
Theo đúng các quy định của UNCLOS, Việt Nam thiết lập vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền phía ngoài lãnh hải, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Việt Nam đồng thời xác định thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền cho đến mép ngoài của rìa lục địa. Dựa trên các quy định này thì bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS.
Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành vi vi phạm
“Để biện minh cho các hoạt động vi phạm tại khu vực bãi Tư Chính, Trung Quốc tuyên bố có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng nước liên quan. Kết nối với những tuyên bố trước đây của Trung Quốc, có thể thấy rõ hơn tiến trình “kiểm soát” và tham vọng “quản lý” Biển Đông của Trung Quốc, hiện thực hóa “đường lưỡi bò” phi pháp và đẩy lên thành vùng biển tranh chấp trên Biển Đông.
Từ năm 2009, Trung Quốc công bố bản đồ thể hiện yêu sách phi lý về “đường 9 đoạn” chiếm 70% diện tích Biển Đông, đòi hỏi “quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất đáy biển ở đó”. Yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và thực tiễn và đã bị Tòa Trọng tài (PCA) bác bỏ trong vụ tranh chấp Philippines – Trung Quốc. Trong phán quyết ngày 12-7-2016, Tòa Trọng tài (PCA) kết luận rằng “các vùng biển do Trung Quốc xác lập ở Biển Đông không được vượt quá giới hạn do UNCLOS quy định; việc Trung Quốc yêu sách quyền chủ quyền, quyền tài phán và “quyền lịch sử” (historic rights) trong phạm vi “đường 9 đoạn” là vi phạm các quy định của UNCLOS và không có hiệu lực pháp lý” – Tiến sỹ Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Tòa Trọng tài còn khẳng định không có thực thể địa lý nào thuộc quần đảo Trường Sa có quy chế của đảo. Một số thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa luôn ở trên mực nước biển khi thủy triều lên cao nhưng không thích hợp cho đời sống con người hoặc một đời sống kinh tế riêng nên chỉ có quy chế của đảo đá. Do vậy, theo khoản 3, Điều 121 UNCLOS, những thực thể địa lý này chỉ có lãnh hải bao quanh với chiều rộng không vượt quá 12 hải lý, không có vùng đặc quyền kinh tế và không có thềm lục địa riêng.
Tiến sỹ Nguyễn Toàn Thắng phân tích rõ ràng: “Vì những lý do trên, yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc không có giá trị pháp lý, các thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam không nằm trong vùng biển chồng lấn với Trung Quốc mà nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chỉ Việt Nam mới có quyền chủ quyền theo quy định của UNCLOS. Phù hợp với các quy định của UNCLOS, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, Việt Nam thực hiện quyền chủ quyền mang tính riêng biệt đối với thăm dò và khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Việt Nam đồng thời có đặc quyền trong việc xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị, công trình”.
Tại những vùng biển trên, nếu không được sự cho phép của Việt Nam, các quốc gia khác không được quyền tiến hành thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên, lắp đặt thiết bị, công trình nhân tạo ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Tàu Trung Quốc có thể di chuyển qua lại khu vực Nam Biển Đông, nhưng cần phải có nghĩa vụ tôn trọng các quyền của Việt Nam và không được cản trở những hoạt động thực hiện quyền chủ quyền của Việt Nam.
“Thời gian qua, Việt Nam đã sử dụng các biện pháp ngoại giao nhằm yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành vi vi phạm. Trên thực địa, lực lượng chức năng của Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền được ghi nhận bởi UNCLOS, yêu cầu các tàu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và rút khỏi vùng biển Việt Nam. Như vậy, Việt Nam thực thi quyền trên cơ sở các quy định của luật quốc tế, giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” – Tiến sỹ Nguyễn Toàn Thắng nhận định.
(Theo ANTĐ)